Mê Linh: Khi người K'Ho vượt khó từ cây dâu con tằm

08:04, 10/04/2019

Mê Linh, một xã thuộc cụm kinh tế mới Nam Ban vốn mang theo nghề trồng dâu nuôi tằm từ quê hương cũ vào quê hương mới. Nhưng hôm nay, không chỉ những gia đình người Kinh mới trồng dâu nuôi tằm; bà con người dân tộc bản địa thuộc 4 thôn Buôn Chuối, Thực Nghiệm, Cổng Trời, Hang Hớt đã biết trồng dâu hái lá, biết lên nong lên né, biết làm ra những chiếc kén trắng tinh để xây dựng kinh tế gia đình.

Mê Linh, một xã thuộc cụm kinh tế mới Nam Ban vốn mang theo nghề trồng dâu nuôi tằm từ quê hương cũ vào quê hương mới. Nhưng hôm nay, không chỉ những gia đình người Kinh mới trồng dâu nuôi tằm; bà con người dân tộc bản địa thuộc 4 thôn Buôn Chuối, Thực Nghiệm, Cổng Trời, Hang Hớt đã biết trồng dâu hái lá, biết lên nong lên né, biết làm ra những chiếc kén trắng tinh để xây dựng kinh tế gia đình.
 
Kiểm tra kén chín tại nhà ông Ha Tam, thôn Hang Hớt. Ảnh: D.Q
Kiểm tra kén chín tại nhà ông Ha Tam, thôn Hang Hớt. Ảnh: D.Q
 
Có nong tằm, không lo đói
 
Thăm nhà chị Ka Long K’Sanh, số nhà 46, thôn Hang Hớt mới thấy hết sự đổi thay. Chị K’Sanh kể, nhà chị hiện đang có 2 sào dâu, nuôi 1 hộp rưỡi tằm một tháng. Với năng suất chừng 42 kg kén/hộp, trừ hết chi phí nhà chị cũng thu được 4-5 triệu đồng/tháng. Chị bảo, giờ chỉ cần 1, 2 sào dâu, nuôi hộp tằm là trong nhà đủ ăn. Chi phí con cái đi học; dầu, gạo, mắm, muối không thiếu. So với trước đây, khi người Hang Hớt chưa biết trồng dâu nuôi tằm, chỉ biết làm cà phê, trồng bắp thì hiện đời sống ổn định hơn nhiều. Giàu thì chưa tới chứ đói là không có. Gia đình chị còn được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) hỗ trợ nong, né; trồng dâu cũng không mất tiền hom giống. Kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cũng được chỉ dẫn cẩn thận, có gì không hiểu chị lại chạy sang các hộ nhiều kinh nghiệm hơn học hỏi. Chị K’Sanh cho biết: “Từ ngày nuôi tằm, nói chung trong nhà đầy đủ hơn, có thể trang trải gạo, muối, tiền thức ăn cho trẻ con. Mà chỉ cần 2 sào dâu thôi, số đất còn lại vẫn trồng cà phê để dành dụm”. 
 
Cũng như chị K’Sanh, chị Cil Jứt, hàng xóm lân cận cũng trồng dâu nuôi tằm. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, cha mẹ già nhiều bệnh, con nhỏ, thiếu công lao động. Được hỗ trợ nong, né, giống dâu, chị trồng ngay trong vườn nhà để tiện thu hái hàng ngày. Nhờ dâu, nhờ tằm, nhà chị thoát cảnh thiếu ăn triền miên. Dẫu kinh tế còn nghèo nhưng hàng tháng, những ổ kén đã giúp gia đình chị có hũ gạo đầy, con cái có manh áo lành lặn. Mà diện tích dành cho dâu tằm không cần nhiều, công lao động ít. Chỉ cần một mình chị vừa chăm sóc con nhỏ, vừa chăm sóc cả gia đình mà vẫn đảm bảo nuôi 1 hộp trứng/tháng. 
 
Không chỉ gia đình các chị K’Sanh, Cil Jứt, hàng chục gia đình bà con K’Ho thuộc 4 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Mê Linh đang thoát đói, thoát khổ từ cây dâu con tằm. Trong đó, nhiều nhất là thôn Hang Hớt, 31 hộ trồng dâu nuôi tằm; Thực Nghiệm 10 hộ; Buôn Chuối 4 hộ. Và chị em học theo nhau, đang dần dần mở thêm diện tích dâu tằm, nuôi thêm những lứa kén trắng mượt, giúp bếp lửa ấm áp, cho con trẻ tới trường. 
 
Thay đổi tận gốc tư duy bà con
 
Chị Khuất Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Lâm Hà chia sẻ, việc vận động thành công bà con thuộc 4 thôn dân tộc thiểu số của xã Mê Linh trồng dâu nuôi tằm giảm nghèo bền vững là một niềm vui, niềm tự hào rất lớn của Lâm Hà. Năm 2018, MTTQ huyện nhận thấy trồng dâu nuôi tằm là mô hình giúp ổn định đời sống kinh tế nhưng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát triển mạnh vì nhiều lí do. Bởi vậy, MTTQ quyết tâm thúc đẩy, hỗ trợ bà con phát triển cây dâu con tằm.
 
Công việc được thực hiện rất bài bản với việc điều tra những hộ có nhu cầu trồng dâu thuộc 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Nắm được nhu cầu nong, né, giống dâu, MTTQ huyện Lâm Hà đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nong, né cho bà con. Và trên 100 triệu đồng tiền nong, né đã tới tay các hộ gia đình, tạo cơ sở ban đầu để bà con có vốn. Giống dâu được xã vận động từ các vùng dâu lân cận như Nam Ban, Ðông Thanh, Hoài Ðức… chia sẻ cho Mê Linh. Và chỉ sau 3 tháng, những chồi dâu xanh biếc đã sẵn sàng cho những lứa tằm ăn rỗi.
 
Về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, Mê Linh đã nhờ chính những chị em quen với nghề tằm chỉ lại kỹ thuật bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”. Chị Trịnh Thị Thu Hường, Chủ tịch MTTQ xã chia sẻ, ban đầu nhiều chị em rất sợ con tằm, không dám động tay vào. Nhờ những chị em có kinh nghiệm như chị K’Nghĩa ở buôn Thực Nghiệm, nhiều hộ người Kinh lân cận hướng dẫn, chị em cũng quen dần với tằm thức, tằm ngủ, với tằm lên né, tằm chín…; việc chăm sóc ngày một tốt hơn. Và giờ đây, chị em đã quen, gắn bó, thân thuộc với con tằm.
 
Nhanh thu, diện tích đất ít, ổn định là những ưu điểm của nghề trồng dâu nuôi tằm. Và việc xác định đúng nhu cầu của bà con, hỗ trợ nong, né, hỗ trợ giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật của MTTQ đã là “bàn đạp” để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển trong vùng 4 thôn dân tộc thiểu số xã Mê Linh, giúp đời sống của bà con ngày một tốt hơn, no ấm hơn, hạnh phúc hơn.
 
DIỆP QUỲNH