Vấn đề bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn là mong mỏi của các thế hệ. Nhiều người đã cố gắng và bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng vẫn không thu hút được sự chú ý của người khác, nhất là với giới trẻ. Công tác sưu tầm, hệ thống, chỉnh lý và phục dựng đang được xem là một trong những cách tạo ra cơ sở bảo tồn và trao truyền hữu hiệu.
Vấn đề bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn là mong mỏi của các thế hệ. Nhiều người đã cố gắng và bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng vẫn không thu hút được sự chú ý của người khác, nhất là với giới trẻ. Công tác sưu tầm, hệ thống, chỉnh lý và phục dựng đang được xem là một trong những cách tạo ra cơ sở bảo tồn và trao truyền hữu hiệu.
|
Đồng bào dân tộc Chu Ru với các lễ hội truyền thống. Ảnh: N.Q |
Vừa mới đây, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lâm Đồng tổ chức báo cáo Chương trình sưu tầm, hệ thống hóa, chỉnh lý dân ca và phục dựng Lễ hội Đoàn viên của đồng bào Chu Ru, huyện Đơn Dương. Sau 6 tháng đi thực tế sưu tầm, điền dã, nghiên cứu…, Trung tâm đã thu hoạch được 4 sản phẩm, với sự cộng tác của 2 cố vấn về văn hóa Chu Ru là nghệ nhân Ma Bio (xã Lạc Xuân) và nhạc sĩ Kra Jan Dick; cùng người chắp bút xây dựng ý tưởng kịch bản, đạo diễn sưu tầm là ông Nguyễn Vũ Hoàng - người đã có nhiều chục năm làm công tác văn hóa nghệ thuật tại tỉnh Lâm Đồng và rất tâm huyết với văn hóa các dân tộc Nam Tây Nguyên.
4 sản phẩm thu được là 2 bộ văn bản về dân ca Chu Ru và Lễ hội Đoàn viên của người Chu Ru; 1 bộ CD các bài dân ca Chu Ru và 1 bộ DVD phục dựng Lễ hội Đoàn viên. Từng đó mới chỉ là thỏa mãn được một phần khát vọng của những người dân Chu Ru và tâm huyết của những người yêu văn hóa dân gian và nghệ thuật dân tộc; qua đó góp phần gióng lên hồi chuông báo động về sự mất dần các di sản văn hóa truyền thống và sự cần thiết của công tác sưu tầm, chỉnh lý, hệ thống hóa, phục dựng, trao truyền và lưu trữ vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc một cách bền vững và có cơ hội quảng bá ra thế giới.
Lễ hội của nhiều dân tộc Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Tây Nguyên hầu như đều được tổ chức trong không gian văn hóa cồng chiêng. Nhà nghiên cứu Linh Nga Nie Kdăm, khẳng định có nhiều điều đáng tiếc trong việc giữ gìn và trao truyền di sản nhân loại Cồng chiêng chỉ có ở Việt Nam. Dù đã hơn 13 năm được công nhận là kiệt tác di sản đại diện cho nhân loại, nhưng ảnh hưởng của cồng chiêng đối với đời sống cộng đồng còn ít lắm. Được truyền dạy, lớp trẻ rất thích, nhưng thực ra, chỉ đến khi có lễ hội, các cháu mới có cơ hội biểu diễn. Và việc truyền dạy chỉ thiên về sử dụng cách đánh cồng chiêng mà không truyền dạy tổng thể văn hóa dân gian (các nghi thức, bản nhạc, bài hát dân gian…). Dù vậy, trong các phương thức trao truyền thì sự trao truyền ở nhà thờ là hiệu quả nhất. Bởi bất cứ nghi lễ nào làm ở nhà thờ đều có cồng chiêng.
Quá trình sưu tầm, chỉnh lý, phục dựng của Trung tâm VHNT tỉnh Lâm Đồng có sự hỗ trợ đắc lực của Linh mục Nguyễn Đức Ngọc - quản xứ Giáo xứ Ka Đơn. Với gần 50 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên (từ năm 1972), ông đã xây dựng một bảo tàng dân tộc Chu Ru, dù với ông chỉ là một phòng trưng bày nhỏ trong nhà thờ Ka Đơn; nhưng với hàng ngàn vật thể, mà mỗi vật thể lại là một câu chuyện trong đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng… của người Chu Ru, bảo tàng văn hóa Chu Ru không chỉ là một kho di sản mà là một địa chỉ nghiên cứu văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Và đặc biệt, cồng chiêng, khèn trống, đồng la của bảo tàng luôn được sử dụng bởi chính các chàng trai, cô gái Chu Ru trong các buổi thánh lễ, trong đám tang, đám cưới, hay trong những ngày hội…
Bà Tounel Ma Bio (60 tuổi), dân tộc Chu Ru ở thôn Diom, xã Lạc Xuân, là người nhiều năm lặng lẽ khôi phục và truyền dạy dân ca, cồng chiêng, dân vũ cho các thế hệ trẻ dân tộc Chu Ru ở xã Lạc Xuân. Với sự giúp sức của bà, nhạc sĩ Kra Jan Dick, Trung tâm VHNT tỉnh Lâm Đồng đã ghi âm các làn điệu dân ca do nghệ nhân sưu tầm mà chưa công bố; ghi chép ý nghĩa, xuất xứ, thẩm định từ các nghệ nhân, nhà nghiên cứu dân tộc Chu Ru và các chuyên gia âm nhạc thực hiện ký âm và hoàn chỉnh bằng văn bản các bài dân ca mới sưu tầm; tập cho các nghệ nhân người Chu Ru biểu diễn; hòa âm, phối khí với các nhạc cụ dân gian Chu Ru; thu âm và hoàn thành các bài dân ca Chu Ru…
Lễ hội Đoàn viên (Tơigum Pơtom) là lễ hội cứ 3 năm được tổ chức một lần, quy tụ những người Chu Ru trong vùng, những người Chu Ru đi xa xứ làm ăn sinh sống cũng 3 năm cứ có điều kiện là trở về quê hương… Vào ngày ấy, buôn làng đông vui, rộn rã tiếng cười, chào. Điểm nhấn là không gian Đêm Văn hóa Chu Ru. Cả buôn làng tụ tập tại nhà tổ, sau nghi lễ cúng tế của già làng là không gian văn hóa - ẩm thực xuyên suốt với các làn điệu dân ca, dân vũ trong tiếng cồng chiêng, kèn trống thánh thót, vang vọng…
Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Đề tài: “Sưu tầm, chỉnh lý dân ca, dân vũ và hệ thống hóa dân ca của đồng bào Chu Ru ở thôn Lạc Xuân, huyện Đơn Dương” là quá trình điền dã, sưu tập, hệ thống hóa, chỉnh lý dân ca và phục dựng lễ hội. Chúng tôi đang thực hiện chức năng của Trung tâm là sưu tầm và gìn giữ, để có tài liệu làm cơ sở nghiên cứu hay thực hiện làm chương trình văn hóa dân gian. Còn để đi xa hơn như phục vụ du lịch hay có một bản số hóa hoàn chỉnh thì cần phải chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều hơn về hình thức, kỹ thuật…
Bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá, là linh hồn của mỗi dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác kéo dài cả ngàn năm; nhưng ngày càng mai một, mất đi hoặc biến dạng theo thời gian và sự ra đi của các nghệ nhân tiêu biểu. Việc sưu tầm, hệ thống hóa, chỉnh lý dân ca và phục dựng Lễ hội Đoàn viên của đồng bào Chu Ru mà Trung tâm VHNT tỉnh Lâm Đồng vừa thực hiện là một công việc ý nghĩa, mở đầu cho công tác bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa một cách có cơ sở, từ chính những con người có tâm huyết và yêu quý vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho các bài dân ca, dân vũ, lễ hội hòa nhập vào trong đời sống của Nhân dân và lan tỏa trong cộng đồng.
NHẬT QUÂN