(LĐ online) - Ngày 1/4, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng đã đồng loạt triển khai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên 12 huyện, thành phố. Sau ngày đầu ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở, toàn tỉnh Lâm Đồng đã lập bảng kê được 353.356 hộ, trong đó đã hoàn thành điều tra được 18.389 hộ, đạt 5,2%.
(LĐ online) - Ngày 1/4, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng đã đồng loạt triển khai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên 12 huyện, thành phố. Sau ngày đầu ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở, toàn tỉnh Lâm Đồng đã lập bảng kê được 353.356 hộ, trong đó đã hoàn thành điều tra được 18.389 hộ, đạt 5,2%.
|
Ngày 1/4, 12 huyện, thành phố đồng loạt tổ chức ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 |
Ông Nguyễn Tấn Châu - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lâm Đồng cho biết: So với năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã cải tiến về phương pháp và hình thức thu thập thông tin. Nếu như Tổng điều tra năm 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin), Tổng điều tra năm 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu trực tuyến). Về hình thức thu thập thông tin, Tổng điều tra năm 2019 áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới: điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet (còn gọi là Webform); chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ sử dụng hình thức thu thập thông tin bằng phiếu giấy (0,3%).
Từ sau cuộc Tổng điều tra dân số lần đầu tiên vào năm 1979 trên phạm vi toàn quốc kể từ sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã tiến hành 3 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999 và 2009 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở trên phạm vi toàn quốc. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với nhu cầu thông tin về dân số ngày càng cao. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thiết kế với 5 đổi mới quan trọng, mang tính đột phá:
Thứ nhất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Đặc biệt, việc ứng dụng thiết bị di động (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) của điều tra viên thống kê trong công tác thu thập thông tin đã được các địa phương hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng, 100% địa bàn điều tra đều sử dụng thiết bị di động để thu thập thông tin Tổng điều tra. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng thông tin thống kê thông qua quá trình kiểm tra tự động lôgíc của phiếu điều tra, giám sát quá trình điều tra viên thống kê đến hộ dân cư để phỏng vấn và minh bạch thông tin trong quá trình duyệt số liệu; từ đó sẽ rút ngắn quá trình xử lý thông tin, công bố sớm kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra thống kê của thế giới.
Thứ hai, bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, Tổng điều tra năm 2019 sẽ thu thập các thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm kinh phí Tổng điều tra.
Thứ ba, lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu thuộc Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện. Đây là mục tiêu tổng quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Thứ tư, cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện Tổng điều tra.
Và cuối cùng là nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin, Tổng điều tra năm 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số, từ đó đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số để tiến tới không thực hiện Tổng điều tra năm 2029.
|
Ông Nguyễn Tấn Châu - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lâm Đồng (ngoài cùng bên trái) tham gia phỏng vấn điều tra dân số và nhà ở |
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Châu, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến khoảng 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người sẽ được điều tra, được tổ chức thành khoảng 217.600 địa bàn điều tra (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành Quân đội, Công an, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng; những người này sẽ được điều tra theo kế hoạch riêng của 3 Bộ: Quốc phòng, Công an và Ngoại giao).
Đối với Lâm Đồng, toàn tỉnh có số lượng đơn vị điều tra khoảng 348 nghìn hộ, được chia thành 4.115 địa bàn điều tra, với gần 1,3 triệu dân. Và để thực hiện khối lượng công việc này, Lâm Đồng đã huy động 3.378 người gồm: điều tra viên 2.374 người, tổ trưởng 191 người và giám sát viên 1.004 người. Trong đó, có 1.337 điều tra viên điều tra 2.402 địa bàn toàn bộ; 699 điều tra viên điều tra 1.181 địa bàn mẫu; 338 điều tra viên điều tra 532 địa bàn đặc thù.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện theo Luật Thống kê năm 2015 và Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.
|
LHT