(LĐ online) - Sáng nay, 18/4, tại TP Đà Lạt, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ ROSA Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo hoàn thiện quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam.
(LĐ online) - Sáng nay, 18/4, tại TP Đà Lạt, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ ROSA Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo hoàn thiện quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam.
|
Chủ tọa hội thảo PGS - TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp; ông Philip Degenhardt - Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg; ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
Tham dự hội thảo có 80 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đại diện Bộ Y tế, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam, Đại học Tây Nguyên, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam; đại diện các tổ chức, sở, ban, ngành các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết: Luật khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2009 và Luật có hiệu lực từ 1/1/2011. Luật KBCB đưa ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh. Đánh giá chung, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về khám chữa bệnh đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, thực tế sau 8 năm triển khai thực hiện, việc hướng dẫn thực hiện Luật vẫn còn một số hạn chế như sau: Tính khả thi và hiệu quả của Luật KBCB chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động KBCB, đến quyền lợi ích của người dân, cũng như làm giảm hiệu quả của quản lý nhà nước. Còn thiếu các văn bản quy định chi tiết Luật KBCB và vẫn còn nhiều VBQPPL dưới luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, hiện nay trong luật còn một số quy định pháp luật về KBCB vẫn còn những nội dung chưa bảo đảm theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn trong KBCB đào tạo người hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề một lần, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn mới trong khám bệnh, chữa bệnh…
Bởi vậy, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực KBCB, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung đối với Luật KBCB và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến nay, Dự thảo Luật KBCB và các văn bản liên quan đang được Chính phủ gấp rút nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để có thể trình được Quốc hội tại kỳ họp lần tới.
|
Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế trình bày tổng quan cơ bản của Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi |
Đây là hoạt động nằm trong nội dung hợp tác năm 2019 giữa Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTVQH) và Quỹ Rosa Luxemburg. Với mục đích để các đại biểu Quốc hội hiểu và nắm bắt được các nội dung mới nhất của dự thảo Luật, cũng như lắng nghe được các luồng ý kiến phản biện đa chiều, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức hội thảo này là để tạo ra diễn đàn trao đổi giữa đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên sâu về pháp luật y tế. Thông qua trao đổi, thảo luận, Hội thảo góp phần nâng cao chất lượng và hoàn thiện các nội dung của Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi).
AN NHIÊN