Từ bãi bồi đầy cỏ cây, lau sậy, hoang vu bên dòng Ðạ Dâng, qua những bàn tay cần mẫn của các bậc tiền nhân đi khai phá miền đất mới, đến ngày 25/4/1979, xã Tân Văn - huyện Lâm Hà được thành lập. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn qua các thời kỳ đã đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, phát huy những tiềm năng lợi thế, vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Từ bãi bồi đầy cỏ cây, lau sậy, hoang vu bên dòng Ðạ Dâng, qua những bàn tay cần mẫn của các bậc tiền nhân đi khai phá miền đất mới, đến ngày 25/4/1979, xã Tân Văn - huyện Lâm Hà được thành lập. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn qua các thời kỳ đã đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, phát huy những tiềm năng lợi thế, vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
Nhiều công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư trên quê hương Tân Văn thời gian qua. Ảnh: D.Danh |
Gian nan khai phá miền đất mới
Theo lịch sử hình thành, xã Tân Văn trước đây là vùng đất thuộc xã Đinh Văn (huyện Đức Trọng) quản lý. Vùng đất đỏ bazan nơi đây rộng rãi, khí hậu ôn hòa, dân cư thưa thớt, chỉ có một thôn người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với 150 hộ và một ngàn nhân khẩu sinh sống dựa vào núi rừng, nương rẫy là chính.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như nhằm phát triển, ổn định vùng đất này, đầu năm 1977, huyện Đức Trọng đã cử một số đoàn công tác tới đây khảo sát tổng thể để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu. Từ đó, đường sá được mở mang, cầu cống được xây dựng và những căn nhà tạm được dựng lên cùng một số cơ sở hạ tầng khác để chuẩn bị cho việc đón dân đến phát triển vùng kinh tế mới. Cùng với đó, huyện Đức Trọng đã chỉ đạo xã Tùng Nghĩa (nay là thị trấn Liên Nghĩa) và xã Liên Hiệp tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Tân Văn.
Đầu năm 1978, đoàn xe đầu tiên đã lăn bánh, vận chuyển và chở 52 hộ dân của xã Tùng Nghĩa đến vùng đất mới tổ chức thành lập Tập đoàn sản xuất số 1. Lần lượt sau đó là những đoàn xe khác cũng hướng về vùng đất mới Tân Văn. Đến cuối năm 1978, nơi đây đã có 11 tập đoàn sản xuất với khoảng 500 hộ dân và 2.400 nhân khẩu. Để ổn định trên miền đất mới, huyện Đức Trọng đã thành lập đội công tác đầu tiên gồm 4 người, trong đó có đội trưởng, đội phó, phụ trách an ninh và phụ trách quân sự. Sau đó, một tổ công tác mới được điều động vào tăng cường cho vùng kinh tế mới này.
|
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, bộ mặt nông thôn Tân Văn đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: D.Danh |
Chặng đường hình thành và phát triển
Sau khi mọi việc đi vào ổn định, công tác chuẩn bị hoàn thành, điều kiện đảm bảo, ngày 25/4/1979, xã Tân Văn được hình thành. Ở thời điểm đó, toàn xã có 3 đảng viên và thành lập một chi bộ, đồng chí Bí thư chi bộ đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Đến cuối năm 1986, toàn xã Tân Văn có 48 đảng viên với 6 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền cùng với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, các hợp tác xã sản xuất lần lượt được hình thành, cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng, tu bổ, phục vụ đời sống sản xuất của người dân trong xã. Giai đoạn này, các trường học, trạm y tế cũng được thành lập để phục vụ dân sinh trên vùng đất mới.
Theo đánh giá, giai đoạn từ 1979 - 1986, là thời kỳ đầu xây dựng và phát triển nên Tân Văn gặp khó khăn trên các mặt kinh tế, an ninh trật tự... Bước sang giai đoạn 1987 - 2008, thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tân Văn cùng vươn lên xây dựng, phát triển quê hương. Đến năm 2008, toàn xã Tân Văn có 172 đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền và toàn thể Nhân dân, giai đoạn này, kinh tế địa phương có bước phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, mọi mặt đời sống của Nhân dân ngày càng phát triển, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững.
Từ năm 2009 đến nay, được đánh giá là giai đoạn phát triển vượt bậc của Tân Văn. Đặc biệt là từ năm 2010 - thời điểm Tân Văn bước vào triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Được chọn là 1/11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, Tân Văn đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Theo đồng chí Bạch Văn Tú - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Văn, đến nay toàn xã có 2.775 hộ dân với 10.288 nhân khẩu, gồm 16 thôn. Đảng bộ xã Tân Văn hiện có 245 đảng viên, sinh hoạt tại 22 chi bộ trực thuộc. Tổng diện tích đất canh tác của xã là 2.851 ha. Trong năm 2018 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm. Có thể nói, hiện nay, Tân Văn là địa phương có nền kinh tế phát triển ổn định, toàn xã có 317 cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vận tải. Tỷ lệ hộ nghèo của Tân Văn hiện còn dưới 2,45%.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn - đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển đã đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn. Tân Văn tự hào với thành quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, thành quả ấy là sự chung sức, đồng lòng, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã. Phát huy thành tựu đạt được trong 40 năm qua, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong thời gian tới, Tân Văn tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng để trở thành xã NTM kiểu mẫu, kinh tế phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
DUY DANH