Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Ðam Rông đã dần trở thành nét đẹp mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Ðặc biệt, phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu nhân đạo.
Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Ðam Rông đã dần trở thành nét đẹp mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Ðặc biệt, phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu nhân đạo.
|
Lực lượng vũ trang tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: L.Tuấn |
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Đam Rông đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân qua các buổi sinh hoạt đoàn, hội; qua pano, áp phích, tờ rơi hỏi - đáp, hệ thống đài truyền thanh địa phương. Đồng thời, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức được việc hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có những tác dụng tích cực như làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ tự sản sinh lượng máu mới cân bằng với lượng máu đã hiến, giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, lợi ích và quyền lợi của người hiến máu. Từ đó, các đợt phát động hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ huyện phát động đều đạt kết quả cao. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Đam Rông cho biết: “Trước tiên, chúng tôi tập trung vào lực lượng dễ vận động là cán bộ, CNVC. Trong đó, Hội CTĐ đã tổ chức các hội nghị để nói chuyện và trực tiếp trao đổi với ban giám hiệu các trường học tạo điều kiện, cũng như vận động cán bộ, CNVC tham gia hiến máu. Ngoài ra, Hội phối hợp với Đoàn thanh niên cùng tuyên truyền, vận động ĐVTN, đặc biệt là ĐVTN người DTTS hiến máu cứu người. Nhằm hạn chế việc các đối tượng tham gia hiến máu phải đi lại xa, chúng tôi bố trí nhiều điểm tổ chức tiếp nhận máu”.
Phong trào hiến máu nhân đạo được phát động với ý nghĩa nhân văn là đem đến cơ hội sống cho những trường hợp tai nạn, ốm đau, nhất là những bệnh nhân nghèo. Theo đánh giá của Hội CTĐ huyện, những năm qua, số lượng người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện đều vượt chỉ tiêu được giao. Năm 2015 là năm đầu tiên Đam Rông thực hiện vượt trên 36% kế hoạch, đến nay năm nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua, huyện vùng sâu này đã đạt 471/400 đơn vị máu tỉnh giao. Anh Phạm Minh Thức, giáo viên Trường THCS Võ Nguyên Giáp, xã Liêng Srônh bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2003. Từ đó đến nay, việc hiến máu tình nguyện tiếp tục được anh thực hiện thường xuyên và anh Minh Thức luôn là một trong những gương mặt xông xáo tham gia phong trào mang tính nhân văn này. Hiện anh Phạm Minh Thức đã 25 lần hiến máu và đây cũng là người có số lần hiến máu nhiều nhất tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện Đam Rông. Với những đóng góp đó, năm 2013, anh được Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen vì đã có thành tích hiến máu tình nguyện nhiều lần. Đặc biệt, năm 2015, anh vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.
Không chỉ riêng anh Phạm Minh Thức mà trên địa bàn huyện hiện có nhiều cá nhân, tập thể có những thành tích tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Trong đó, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện là một tập thể điển hình. Hàng năm, thông qua các đợt vận động hiến máu luôn có đông đảo cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện tham gia. Thượng tá Cao Xuân Dưỡng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đam Rông cho biết: “Đối với phong trào hiến máu nhân đạo, LLVT huyện xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Do đó, mỗi lần Hội CTĐ tổ chức hiến máu, đơn vị đã huy động, vận động cán bộ, chiến sỹ, nhất là lực lượng ĐVTN tham gia với quân số rất là đông và có thời điểm lên đến hơn 50%. Nổi bật trong đó có những đồng chí đã hiến máu 12 đến 13 lần”.
Ngày hội hiến máu tình nguyện là nơi tụ hội của những tấm lòng nhân ái cùng sẻ chia giọt máu vì người bệnh; mong rằng với tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp đó, hiến máu nhân đạo sẽ trở thành hành động thường xuyên, là nét đẹp văn hóa của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị và của toàn xã hội.
LÊ TUẤN