Không chỉ là người phụ nữ nghị lực vượt khó làm giàu, bà còn giúp đỡ nhiều gia đình ở địa phương cùng vượt qua khó khăn như chính bản thân mình.
Không chỉ là người phụ nữ nghị lực vượt khó làm giàu, bà còn giúp đỡ nhiều gia đình ở địa phương cùng vượt qua khó khăn như chính bản thân mình.
|
Bà Nguyễn Thị Oánh trong nhà ươm tằm giống của mình |
Đó là bà Nguyễn Thị Oánh, 55 tuổi, người Thôn 4, xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc.Người quê Thạch Hà, Hà Tĩnh, bà Oánh theo chồng vào lập nghiệp trên quê mới Đam B’ri từ năm 1994. Cũng như nhiều người khác trong vùng, những ngày đầu vào đây gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn.
Là phụ nữ trong nhà, bà cùng chồng không chỉ tảo tần làm nông, làm vườn, chăn nuôi, việc gì khó bà cũng làm để mưu sinh. Sinh sống tại một địa phương với nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, bà Oánh suy nghĩ sao mình không thử đi buôn bán với những sản phẩm từ nghề tằm tang này.
Thế là với số vốn ít ỏi ban đầu, bà Oánh cùng chồng đã đi buôn kén, bằng xe máy vợ chồng bà đi đến từng gia đình thu mua kén tằm để bán lại cho các nhà ươm tơ tại Bảo Lộc. Uy tín, cần cù, chịu khó, vợ chồng bà đã từ từ đi lên từ nghề mua bán kén và cho đến nay, gia đình bà vẫn giữ nghề buôn bán này.
Cùng với nghề buôn kén, vợ chồng bà sau đó bắt đầu ươm tằm giống để xuất bán. Bà cùng chồng học nghề và làm rất tốt việc ươm tằm giống, trung bình mỗi tháng hiện nay, gia đình bà xuất ra thị trường hơn 100 hộp tằm giống.
Nhưng không chỉ tập trung vào nghề tằm tang, khi ở Đam B’ri bắt đầu phát triển nghề nuôi bò sữa, vợ chồng bà theo sự vận động của xã, cũng quyết định mua bò về nuôi, lúc đầu nuôi 3 con, sau đó gia đình nâng dần đàn bò lên 10 con.
Từ nghề tằm tang bước chân qua chuyện nuôi bò, bà kể lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Đó là lúc bò trong chuồng bị ngộ độc vì tro bếp nhà ươm giống tằm bà đổ xuống nền chuồng với mục đích giữ ấm đàn bò. May mắn là với sự giúp đỡ của nhiều người, sự chăm sóc đúng cách sau đó của gia đình, đàn bò nhà bà đã dần hồi phục lại.
“Giờ nghĩ lại cũng thấy sợ, gần cả chục con bò vốn không phải là ít, đâu dễ để có vốn gầy dựng như thế. Sau chuyện này mới thấy làm ăn chuyện gì cũng không thể chủ quan được, nghề nào cũng cần phải có kỹ thuật” - bà Oánh nhớ lại.
Thế là sau đó vợ chồng bà luôn là thành viên tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt của địa phương tổ chức, đồng thời vợ chồng bà còn chịu khó tham quan học tập kinh nghiệm từ nhiều trang trại khác trong vùng. “Mình quen biết mọi người, học được cái hay từ họ, nếu có việc gì bất trắc có thể nhờ giúp đỡ, học hỏi kinh nghiệm xử lý” - bà nói.
Để có cỏ cho bò ăn, gia đình bà đã dành một khoảnh đất thích hợp để trồng cỏ cho bò, đồng thời bà và con gái còn đi cắt thêm cỏ tại các vườn cà phê trong vùng. Tại nhà, để phục vụ cho việc chăn nuôi bò, gia đình bà mua máy vắt sữa, máy cắt cỏ, đầu tư chuồng trại hợp vệ sinh... Đến nay, thu nhập từ đàn bò sữa này mỗi tháng từ 30-35 triệu đồng.
Bên cạnh chăn nuôi, gia đình bà Oánh cũng chuyển đổi cây trồng, bà trồng bơ cao sản trên 1 ha đất vườn nhà, nhờ chăm sóc tốt nên từ vườn bơ này như bà cho biết mỗi năm cũng cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.
Nếu tính chung tổng thu nhập từ chuyện buôn bán kinh doanh, ươm tằm giống, nuôi bò sữa và vườn cây ăn trái, gia đình bà Oánh mỗi năm cũng thu về gần 900 triệu đồng.
Không chỉ chịu khó vươn lên làm giàu trên đất nhà, bà Oánh còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho mọi người, những người cần giúp đỡ. Bà đã giúp 2 con bê giống cho 2 gia đình khó khăn, giúp nhiều gia đình phụ nữ trong vùng vay vốn không lấy lãi hàng trăm triệu đồng. “Thì ngày trước mình cũng khó khăn, giờ kinh tế đỡ hơn nhiều, có điều kiện thì cũng nên giúp đỡ người khác một chút” - bà chia sẻ.
Không chỉ là phụ nữ sản xuất giỏi trong vùng, bà Oánh còn là một đảng viên tiêu biểu của xã Đam B’ri, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, là Chi hội trưởng Hội Nông dân Thôn 4, Chi hội phó Hội Phụ nữ của thôn.
Như ông Vũ Thanh Sơn, Thôn trưởng Thôn 4, xã Đạm B’ri nhận xét, bà Oánh dù bận rộn việc nhà nhưng luôn nhiệt tình trong mọi việc của thôn xóm, gia đình đi đầu trong các phong trào vận động, bản thân bà cũng tích cực tham gia việc vận động người dân trong thôn cùng chung tay đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Oánh được chọn là một trong 2 tấm gương điển hình tiêu biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố Bảo Lộc để tỉnh tuyên dương.
VIỆT THUẬN - GIA KHÁNH