Vất vả, hiểm nguy, không cho phép rút kinh nghiệm và luôn đối mặt với "tử thần", đó là những gì mà những người lính công binh phải đối diện khi làm nhiệm vụ dò, gỡ vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ðó cũng là công việc của Thiếu tá Tô Văn Kiểm - Trợ lý Quân khí Ban Chỉ huy Quân sự TP Bảo Lộc luôn dấn thân để mang lại sự bình yên cho vùng đất B'Lao huyền thoại.
Vất vả, hiểm nguy, không cho phép rút kinh nghiệm và luôn đối mặt với “tử thần”, đó là những gì mà những người lính công binh phải đối diện khi làm nhiệm vụ dò, gỡ vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ðó cũng là công việc của Thiếu tá Tô Văn Kiểm - Trợ lý Quân khí Ban Chỉ huy Quân sự TP Bảo Lộc luôn dấn thân để mang lại sự bình yên cho vùng đất B’Lao huyền thoại.
|
Thiếu tá Tô Văn Kiểm trực tiếp tháo gỡ vật liệu nổ chôn vùi dưới lòng đất. Ảnh: K.Phúc |
Sống tại vùng đất Bảo Lộc đã 10 năm nay, mỗi lần nghe ở đâu phát hiện vật liệu nổ (bom, đạn), tôi lại thấy Thiếu tá Kiểm là người có mặt đầu tiên. Đối với những hầm vật liệu nổ không xác định được số lượng, chủng loại thì anh Kiểm lập tức báo cáo đơn vị để nhờ sự can thiệp của lực lượng Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng); còn lại đều do một mình anh Kiểm chịu trách nhiệm tháo gỡ, thu gom nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Thiếu tá Tô Văn Kiểm chia sẻ: “Là người lính Công binh, tôi phải đặt ra cho mình nhiệm vụ nắm chắc địa bàn. Đồng thời, phải tìm hiểu nhiều tài liệu thời chiến tranh viết về căn cứ địa cách mạng ở B’Lao. Qua đó, giúp tôi khoanh vùng được những khu vực có nguy cơ tàng dư, ô nhiễm vật liệu nổ còn sót lại. Tại Bảo Lộc, vật liệu nổ còn sót lại không ít, chủ yếu các loại như đạn ĐKZ, cối 82, đạn 105 ly… Nguy hiểm hơn là nhiều hầm vật liệu nổ hỗn hợp như lựu đạn, bom nhỏ, bom bi…”.
12 năm gắn bó với quân ngũ, cũng là khoảng thời gian anh Kiểm sống với công việc gỡ “tử thần”. Theo thống kê, mỗi tháng tại TP Bảo Lộc phát hiện từ 2 - 3 vụ việc liên quan đến vật liệu nổ sót lại dưới lòng đất. Tất cả các vụ việc trên, anh đều trực tiếp tham gia xử lý, thu gom. Mỗi lần như vậy, anh đều phải đối mặt với những vất vả, hiểm nguy. Thậm chí, nếu sơ suất còn phải trả giá bằng cả tính mạng của bản thân và người khác. Theo anh Kiểm, hầu hết vật liệu nổ mà anh đã thu gom, xử lý suốt 12 năm qua đều mất hết nguyên lý hoạt động. Vì thế, tất cả bom, đạn đều có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Theo nguyên tắc, mỗi khi phát hiện vật liệu nổ, anh Kiểm cùng đồng nghiệp và cơ quan công an tiến hành khoanh vùng không để người dân tiếp cận hiện trường. “Để thu gom được các loại vật liệu nổ chôn vùi dưới lòng đất, đòi hỏi bản thân phải thật sự cẩn thận và đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Mỗi quả đạn, quả bom phải được đưa lên nhẹ nhàng và hạn chế tuyệt đối sự tác động của ngoại lực. Công việc này luôn đối mặt với “tử thần”, nên không cho phép rút kinh nghiệm và gặp phải bất kỳ sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Nói chung, khi thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn 100%” - Thiếu tá Kiểm tâm sự.
Kỷ niệm khiến anh Kiểm nhớ nhất trong 12 năm làm lính Công binh chính là vụ việc anh cùng các đồng nghiệp tại Đội Công binh (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng) tham gia tháo gỡ, thu gom một lượng lớn vật liệu nổ tại nhà bà Phan Thị Hà (đường Nguyễn Thái Học, Phường 2, TP Bảo Lộc) vào đầu tháng 10/2012. Thời điểm đó, anh cùng đồng đội phải mất 5 ngày mới tháo gỡ, thu gom thành công hơn 3,4 tấn bom, đạn dưới móng nhà của bà Hà. Sau vụ việc này, anh đã được gia đình bà Hà gửi thư cảm ơn.
Bên cạnh công việc gỡ mối nguy “tử thần”, anh còn được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp với các ngành chức năng địa phương vận động người dân giao nộp các loại vũ khí. Qua đó, người dân đã giao nộp 10 khẩu súng quân dụng và súng săn. Mới đây, vào đầu tháng 3/2019, anh cùng Công an TP Bảo Lộc đã tiến hành tiêu hủy gần 100 loại hung khí nguy hiểm (mã tấu, đao, giáo mác..) và 40 khẩu súng tự chế các loại. “Nhiệm vụ của người lính mà! Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai! Tôi sẽ chiến đấu với bom, đạn đến lúc nào mình hết khả năng mới thôi” - Thiếu ta Kiểm quả quyết.
Trung tá Vũ Anh Đại - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP Bảo Lộc, khẳng định: “Hơn 10 năm qua, việc thu gom, xử lý vật liệu nổ tại đơn vị chỉ có một mình đồng chí Kiểm đảm đương. Vì thế, trong công việc đồng chí Kiểm luôn gạt bỏ những hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang niềm vui, sự bình yên đến với Nhân dân. Tuy công việc luôn phải đối mặt với “tử thần”, nhưng đồng chí Kiểm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện tại, trên địa bàn còn rất nhiều vật liệu nổ chưa được phát hiện thu gom, xử lý nên đơn vị và người dân rất cần có những người lính sẵn sàng xả thân như Thiếu tá Kiểm”.
KHÁNH PHÚC