Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sởi

08:04, 19/04/2019

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Sởi là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Sởi là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn.
 
Bệnh sởi do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra, virus có dạng hình cầu, đường kính 120 - 250 mm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường hoặc ánh sáng mặt trời, sức nóng... có nhiệt độ khoảng 56 độ C.
 
Virus sởi có hai kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin) và kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin). Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 - 3 sau khi mọc ban và tồn tại lâu dài. Miễn dịch trong sởi là miễn dịch bền vững.
 
Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm cao với tỉ lệ khoảng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa được tiêm phòng.
 
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp: Virus sởi có ở mũi, cổ họng của bệnh nhân và có thể lây bệnh cho người khác trước khi xuất hiện ban sởi.
 
Bệnh sởi lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện: Do những giọt nước nhỏ li ti có chứa virus sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại, đồ dùng sinh hoạt... Khi người không mắc bệnh sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, sẽ bị lây bệnh.
 
Lây gián tiếp: Trường hợp này ít gặp bởi virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
 
Một khi virus sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường phát triển trong những tế bào vùng cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.
 
Bệnh sởi hay gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan thành dịch, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.
 
Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy, tử vong... 
 
Bệnh sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau: Giai đoạn ủ bệnh: 7 - 21 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2 - 4 ngày: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên. Giai đoạn toàn phát 2-5 ngày: Sau sốt 3 - 4 ngày người bệnh phát ban hồng rát sẩn từ sau tai, trán xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu chuyển sang màu xám, bong vảy để lại vết thâm, vằn da hổ và mất dần.
 
Bệnh sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gặp các biến chứng nguy hiểm sau: Biến chứng đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi. Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm tủy cấp, viêm màng não. Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng. Biến chứng tai - mũi - họng: Viêm mũi, họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũm.
 
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm long; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với trẻ khác.
 
Điều trị tại nhà nếu dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng: Theo dõi nhiệt độ hàng ngày. Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn. Tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét. Dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A. Cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa). Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc.
 
Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên: Sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nặng… Ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt. Các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt...
 
Để phòng chống bệnh sởi, cần thực hiện tốt các nội dung sau: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ mắc sởi hoặc nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
 
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
 
Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh sởi: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời và phòng các biến chứng nặng của bệnh sởi. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.    
 
TS-BS NGUYỄN VĂN LUYỆN