Trường là nơi để đến

07:04, 12/04/2019

Vấn đề tâm lý học đường đã và đang là mối quan tâm, trăn trở của nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội. Với chủ đích yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, ngành Giáo dục Lâm Ðồng đang từng ngày hoàn thiện hơn vai trò định hướng, qua đó giúp các em học sinh ở tất cả các bậc học có được môi trường học tập thân thiện, an toàn và đầy lòng nhân ái.

Vấn đề tâm lý học đường đã và đang là mối quan tâm, trăn trở của nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội. Với chủ đích yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, ngành Giáo dục Lâm Ðồng đang từng ngày hoàn thiện hơn vai trò định hướng, qua đó giúp các em học sinh ở tất cả các bậc học có được môi trường học tập thân thiện, an toàn và đầy lòng nhân ái.
 
Tìm hiểu về sách tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp cho các em có được cái nhìn rõ hơn trong việc hoàn thiện nhân cách. Ảnh: T.Linh
Tìm hiểu về sách tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp cho các em có được cái nhìn rõ hơn trong việc hoàn thiện nhân cách. Ảnh: T.Linh
 
Ngày 21/3 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh một học sinh lớp 8 Trường THCS Gia Hiệp (xã Tam Bố, huyện Di Linh) bị nhóm bạn học cùng trường vây đánh, tát liên tiếp vào mặt nhưng không dám phản kháng. 
 
Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, chỉ sau đó vài ngày, đã xảy ra một sự việc đau lòng khi phát hiện một em học sinh lớp 8 Trường THCS Lộc Sơn là B.T.M.V (phường Lộc Sơn - TP.Bảo Lộc) chết trong tư thế treo cổ. Trước đó, theo nguồn thông tin từ bạn bè cùng lớp và nhà trường thì giữa V và một bạn học cùng lớp đã xảy ra mâu thuẫn vì bị bạn đổ cho lấy trộm tiền.
 
Hai sự việc đau lòng, liên tiếp diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, đến từ các em học sinh đang còn ở độ tuổi rất nhỏ, khiến không ít người đặt ra câu hỏi cho ngành Giáo dục Lâm Đồng đã làm đến đâu, hết trách nhiệm chưa trong vấn đề giáo dục, tư vấn tâm lý học đường (?!).
 
Công tâm mà nói, để giúp học sinh giải quyết những rối nhiễu tâm lý tuổi mới lớn, đồng thời góp phần phòng, chống bạo lực học đường, từ năm 2012, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã có Công văn số 1089 để triển khai vấn đề hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh và xây dựng, phát triển môi trường giáo dục toàn diện.  
 
Trong giáo dục hiện đại, tư vấn tâm lý học đường là một lĩnh vực vô cùng quan trọng, điều này không chỉ đơn thuần giúp học sinh vượt qua được những trở ngại về tâm sinh lý, nâng cao chất lượng học tập, hơn thế còn giúp các em có được sự định hình đúng đắn trong lộ trình hoàn thiện nhân cách của con người.
 
Theo bà Trần Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Lâm Đồng: “Công tác tư vấn tâm lý học đường luôn được ngành giáo dục địa phương coi trọng và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu trong việc phát triển giáo dục hiện đại. Hàng năm, Sở đều có những văn bản hướng dẫn, công văn chỉ đạo cụ thể, chi tiết cho các đơn vị trực thuộc đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, mỗi trường học tùy theo điều kiện có thể thành lập tổ tư vấn học đường hoặc phân công một giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường. Thành phần tổ tư vấn khoảng từ 3-5 người, gồm giáo viên Đoàn, Đội, giám thị và giáo viên chủ nhiệm đại diện cho khối lớp, cử tổ trưởng tổ tư vấn”.
 
Về mặt lý thuyết, tổ tư vấn hoặc giáo viên tư vấn phải lên lịch trực phòng tư vấn 4 buổi/tuần, mỗi buổi 3 tiết, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Ngoài ra, giáo viên tư vấn cũng phải chủ động lên lịch tổ chức báo cáo chuyên đề tại lớp, tại hội trường hoặc dưới sân cờ; đa dạng hóa các hình thức tư vấn như tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, nắm bắt trao đổi những học sinh có vấn đề về tâm lý ...
 
Có một điều không thể phủ nhận, bằng những biện pháp cụ thể, sự quyết liệt và chú trọng với công tác tư vấn tâm lý học đường của giới chức lãnh đạo trong ngành giáo dục, tình trạng bạo lực học đường hay những vấn đề tiêu cực gây ra bởi sự rối nhiễu tâm lý của học sinh ở môi trường giáo dục Lâm Đồng đều diễn ra ở mức độ an toàn, trong tầm kiểm soát. Không khó để minh chứng cho điều này, khi những năm trước đây, theo báo cáo của Công an tỉnh, hằng năm đều có từ trên 300 vụ bạo lực học đường hoặc những hành vi gây rối, vi phạm trật tự, cao hơn thế là phạm tội mà các đối tượng đều ở độ tuổi học sinh. Những năm gần đây, tỷ lệ giảm đi và mức độ nghiêm trọng từ các vụ việc cũng không còn ở mức độ báo động.
 
Nói như thế, không có nghĩa chúng ta nhìn nhận môi trường giáo dục Lâm Đồng bằng lăng kính màu hồng. Thực tế hai vụ việc học sinh đánh hội đồng bạn học cùng lớp ở Di Linh và vụ bé gái tự vẫn vì nghi bị trộm tiền như một hồi chuông báo động để những người làm công tác giáo dục tại Lâm Đồng có sự lắng nghe sâu hơn từ thực tế, qua đó hành động bằng những kế hoạch cụ thể và thiết thực hơn.
 
Có một thực tế phải nhìn nhận rằng, hiện nay, nhiều trường học các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy văn, giáo dục công dân hay những giáo viên có kinh nghiệm được giao luôn trọng trách tham vấn học đường. Họ có thể rất giỏi về chuyên môn, nhưng đội ngũ này hầu như vẫn chưa qua đào tạo về các khóa tâm lý hay có những biện pháp bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, hiệu quả công việc tư vấn được thực hiện. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động tham vấn học đường nói chung và công tác tâm lý học đường nói riêng, đang loay hoay chưa tìm được mô thức hoạt động thực sự hiệu quả như mong đợi.
 
Ông Lâm Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Vấn đề giáo dục tâm lý và công tác tư vấn tâm lý tại nhiều trường vẫn còn bỏ ngỏ, nếu có hoạt động cũng hời hợt và chưa thực sự chú trọng. Giáo dục trẻ là một quá trình giúp trẻ chuyển hóa từ hành vi chưa đạo đức (bản năng) sang hành vi đạo đức. Muốn trẻ sớm tiếp thu được những giá trị đạo đức thì điều đầu tiên những chủ thể như cha mẹ, giáo viên, nhà trường cần phải có tư cách giáo dục và cái tâm cần thiết”.
 
Khảo sát thực tế từ các trường học cũng cho thấy, Giáo dục công dân là môn học chính khóa về đạo đức về những giá trị tốt đẹp của con người, nhưng lại là môn học ít được học sinh quan tâm nhất. Để mổ xẻ nguyên nhân không phải là điều đơn giản, bởi cần rất nhiều thời gian, nhưng có một điều phải thẳng thắn nhìn nhận, phần lớn những giáo viên đứng lớp của môn học này gần như chỉ làm công việc duy nhất, đó là đọc nguyên bản từ sách giáo khoa để học sinh chép lại.
 
Cần, cần rất nhiều hơn nữa những động thái kịp thời, hơn thế là sự tận tâm và chuyên nghiệp cao độ trong công tác tư vấn tâm lý học đường, ngành Giáo dục Lâm Đồng mới có thể chạm ngưỡng được điều mong muốn, đó là tạo ra môi trường học tập thân thiện, an toàn và đầy lòng nhân ái. 
                   
“Phẩm cách nhà giáo giúp triệt tiêu bạo lực học đường”
 
TS. Nguyễn Hoàng Chương Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc
TS. Nguyễn Hoàng Chương Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ đánh nhau trong trường học. Lướt một vòng qua các báo điện tử, báo in, báo nào cũng có tin, bài nêu lên thực trạng, chỉ ra nguyên nhân, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường.
 
Ai cũng lo lắng, học đường đang đối mặt với vấn nạn bạo lực, là nhà giáo, tôi và chắc các đồng nghiệp, ai cũng băn khoăn, trăn trở, lo liệu - làm sao để học đường nói không với bạo lực?
 
Trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), mấy năm trước, tuần nào học sinh cũng có đánh nhau. Học sinh nam đánh nhau, học sinh nữ đánh nhau; đánh nhau ở lớp, trường, đánh nhau ngoài trường. Nguyên nhân trực tiếp đánh nhau thường do yêu đương, nói xấu, bạn bè lôi kéo, quan hệ ứng xử lệch chuẩn ở lớp, trường, bên ngoài trường và trên mạng xã hội. Học sinh đánh nhau, có em do được nuông chiều ở nhà; có em do hoàn cảnh éo le (ba mẹ ly hôn, gia cảnh khó khăn); có em lười học, nghiện game, chơi bời lêu lổng với bạn bè.
 
Là Hiệu trưởng nhà trường, tôi chủ động bàn bạc với thầy cô, lắng nghe ý kiến của phụ huynh, học sinh, thống nhất biện pháp rồi bắt tay vào… “tuyên chiến” với bạo lực học đường.
 
Để các em yêu lớp - trường của mình, nhà trường phải xanh - sạch - đẹp. Tôi chắt chiu nguồn ngân sách được cấp hằng năm, xin Sở GD-ĐT hỗ trợ, thực hiện xã hội hóa. Cùng với đó, thầy và trò lao động giữ gìn trường lớp sạch sẽ, xây dựng bồn hoa, trồng thêm cây xanh. Chăm người khó, chăm cây xanh cũng không dễ; sinh hoạt 15 phút đầu giờ mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh xuống bồn hoa cắt tỉa, tưới nước; tan học, học sinh lớp nào chụm lại ở bồn hoa lớp ấy…, mấy năm sau, lớp học nào cũng sạch sẽ, sân trường rợp bóng cây xanh, cùng hoa. Những ngày tết, hoa Đào, hoa Mai, hoa Lan khoe sắc, trường học thân thương biết bao - niềm tự hào của học sinh Trường THPT Lộc Phát, động lực để các em thay đổi nhận thức, hành vi lệch chuẩn - nguyên nhân phát sinh bạo lực học đường.
 
Đọc sách để làm người tử tế, chân lý đó nhiều người biết, và, Trường THPT Lộc Phát kiên trì thực hiện. Cải tạo phòng đọc sách, trang bị bàn ghế mới, mua thêm sách, báo, tạp chí; giới thiệu sách mới vào mỗi sáng thứ hai, Câu lạc bộ Đọc sách hoạt động trong năm học và cả trong hè. Học sinh đánh nhau bị kỷ luật, được cho về thư viện đọc sách, nhà trường yêu cầu các em viết lên suy nghĩ của mình - thôi không đánh nhau nữa, hơn thế, trong số đó có em trở thành bạn đọc thân thiết của thư viện. Thói quen đọc sách - nét đẹp của Trường THPT Lộc Phát, góp phần quan trọng đẩy lùi bạo lực học đường.
 
Học sinh đến trường sợ bị thầy cô la, bạn bè cười chê, sợ những điểm kém, ba mẹ biết sẽ đánh đòn nên có em cúp học… Bạo lực học đường có nguyên nhân từ đó. Thế nên, nhà trường chủ trương dạy - học, kiểm tra - đánh giá vừa sức học sinh. Những cố gắng của các em dù là nhỏ luôn được thầy cô động viên. Được khen, được nhận quà vào giờ chào cờ đầu tuần, các em dần tự tin, chuyên cần, chăm tự học. Thầy cô tận tâm giúp học sinh vượt khó, khéo léo phối hợp với phụ huynh. Khi nhà trường và gia đình chung tay, bạo lực học đường không còn “đất sống”. 
 
Các lớp kỹ năng mở trong năm học và dịp hè như Bơi lội, Bóng đá, Võ thuật, Guitar, Đọc sách,…; những hoạt động trải nghiệm như tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, khu Mộc bản Triều Nguyễn, phối hợp với Thư viện tỉnh Lâm Đồng tổ chức đọc sách; những hoạt động thiện nguyện tổ chức đều trong năm học... cũng sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.  
 
Chất lượng dạy - học của nhà trường ngày càng nâng cao, tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, hơn nghìn học sinh có nguyện vọng vào trường; tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đều đạt 100%, hơn 70% trong số đó trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. Ghi nhận thành tích của trường, dịp khai giảng năm học 2018 - 2019, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã về dự khai giảng, chung vui cùng thầy trò nhà trường.
 
Triệt tiêu bạo lực học đường đòi hỏi lòng khoan dung của thầy cô, mực thước trong mỗi giờ lên lớp và hoạt động giáo dục, đức tính kiên trì, phương pháp dạy thích hợp, vững vàng về chuyên môn. Điều đó để đạt được không dễ nhưng không quá khó. Tất cả vì học sinh thân yêu, chắc chắn nhà giáo chúng ta sẽ làm được, để rồi mỗi ngày đến trường là một ngày vui.                                  
 
LAM ANH (lược ghi)
 
TUẤN LINH