Đoàn Giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

11:04, 09/04/2019

(LĐ online) - Ngày 9/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

(LĐ online) - Ngày 9/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018. Làm việc với Đoàn Giám sát có đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
 
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã báo cáo với Đoàn Giám sát về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn tỉnh. Tính từ 2014 - 2018, toàn tỉnh xảy ra 233 vụ cháy, làm chết 13 người, bị thương 18 người, ước thiệt hại hơn 61 tỷ đồng. Số vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm xảy ra 50 vụ. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do mùa khô của Lâm Đồng kéo dài, thời tiết khô hạn, nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy. 
 
Về cơ bản, giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác PCCC và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được quan tâm; công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đồng chí Phạm S cũng nêu ra một số tồn tại về tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, xảy ra một số vụ cháy nổ tương đối lớn, dư luận quan tâm; tình hình cháy rừng còn diễn biến phức tạp vào mùa  khô; việc củng cố, xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở, nhất là các đội PCCC cơ sở, dân phòng còn hình thức; kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy còn yếu… 
 
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu
 
Trước đó, Đoàn Giám sát đã làm việc tại Đức Trọng và Viện Nghiên cứu hạt nhân.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Trọng Việt đánh giá cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 của địa phương, đơn vị. Đoàn Giám sát cũng đề nghị huyện Đức Trọng, Viện Nghiên cứu hạt nhân tiếp tục thực hiện nghiêm túc pháp luật về PCCC; tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác PCCC; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC đến Nhân dân và cơ sở; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về PCCC.
 
Riêng đối với Viện Nghiên cứu hạt nhân thì công tác an toàn PCCC, an toàn phóng xạ phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo tuyệt đối và coi đó là an ninh năng lượng, an toàn phóng xạ của quốc gia.
 
Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân
Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân
 
Phía tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp thu các nội dung của Đoàn Giám sát chỉ ra. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an sớm sửa đổi, bổ sung Luật PCCC cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC theo từng lĩnh vực hoạt động, phù hợp với Luật PCCC và tình hình thực tế của địa phương như về định mức đầu tư cho hạng mục PCCC của công trình xây dựng, chế độ chính sách cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, bồi thường thiệt hại… kiến nghị hỗ trợ kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 
 
Mặt khác, cần nâng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC để tăng tính răn đe; bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC tại Phụ lục I, Nghị định 79 của Chính phủ như nhà liên kế, nhà ở kết hợp kinh doanh (homestay), công trình chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh…
 
NGUYỆT THU