(LĐ online) - Sự phát triển vượt bậc của Lâm Đồng trong thời gian vừa qua có một phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng hình ảnh, "rải thảm" thu hút, qua đó trở thành một điểm đến đầy tiềm năng và hứa hẹn của các nhà đầu tư.
(LĐ online) - Sự phát triển vượt bậc của Lâm Đồng trong thời gian vừa qua có một phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng hình ảnh, “rải thảm” thu hút, qua đó trở thành một điểm đến đầy tiềm năng và hứa hẹn của các nhà đầu tư.
Đó là một quá trình dài hơi, dựa trên nỗ lực đầy quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng để đưa Lâm Đồng không còn là tỉnh nghèo, trở thành một địa phương phát triển, không chỉ khẳng định được vị thế dẫn đầu trong khu vực mà còn có tầm ảnh hưởng trong phạm vi toàn quốc ở những lĩnh vực thế mạnh của mình. Xa hơn nữa, đó là chỗ đứng đầy cuốn hút trong con mắt bạn bè quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm qua, tỉnh luôn tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng hoạt động của bộ máy các cấp. Không ngừng nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2018.
Theo đó, 3 năm qua, Lâm Đồng đã đạt hầu hết các chỉ tiêu cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp; tiếp cận điện năng; thời gian nộp thuế, thẩm định và cấp phép xây dựng; thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu và giảm khoảng 22,5% các loại thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công hỗ trợ khởi nghiệp...
Năm 2018, Lâm Đồng đạt thứ hạng 27 trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá địa phương đã nỗ lực cải thiện được 6/10 chỉ số thành phần, gồm: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự.
Và cũng 3 năm trở lại đây, Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá và luôn đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên.
Thành quả ấy, đơn thuần không dễ dàng bị tai tiếng và vấy bẩn bằng những hành động coi thường pháp luật, “bế quan tỏa cảng” của một số đối tượng có lợi ích ở các địa phương.
Trở lại diễn biến của vụ việc, trước đó vào ngày 2/4, sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc họ tới Trung tâm Quản lý và Khai thác Công trình công cộng huyện Đạ Huoai mua hồ sơ dự thầu, gói thầu số 2 xây dựng trụ sở làm việc thì bị hành hung, đe dọa.
Để làm rõ vấn đề trên, hai PV của Báo Lâm Đồng và TTXVN Cơ quan thường trú tại Lâm Đồng đã vào vai doanh nghiệp đến xin mua hồ sơ dự thầu.
Tại đây, sau khi xuất trình giấy tờ của công ty, người của Trung tâm QL&KTCTCC huyện Đạ Huoai thông báo đã bán hết hồ sơ dự thầu mà Trung tâm photo. Sau đó, người này hẹn nhóm PV cuối giờ chiều quay lại để mua hồ sơ.
Vừa rời Trung tâm thì nhóm PV liền bị một nhóm đối tượng bám theo tới quán cà phê (nơi hai PV ngồi) ném hàng đống dao, rựa phát rẫy xuống đất, kèm theo lời hăm dọa “chúng mày ở đâu đến đây làm ăn”.
Ngay sau đó, thêm hai đối tượng khác vô cớ xông vào hành hung đấm, đá, ném ly vào hai phóng viên và buông lời dọa nạt, với nội dung không cho mua hồ sơ dự thầu rồi ngay lập tức bỏ đi.
Sự việc tưởng chừng như rất nhỏ so với tiến trình phát triển và hội nhập cũng như tạo ra môi trường thu hút đầu tư lành mạnh của cả tỉnh. Nhưng lại không hề nhỏ, nếu như đem lên bàn cân soi chiếu.
Sự phát triển của những địa phương nghèo như Đạ Huoai, ngoài những cơ chế, chính sách phù hợp, kinh phí đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân thì còn có sự đóng góp không nhỏ trong việc tìm đến của các nhà đầu tư. Đây chính là nguồn lực quan trọng để có thể giúp cho những địa phương nghèo sớm vượt qua được khó khăn, nhất là trong giai đoạn, tỉnh còn đang rất nhiều hạng mục, lĩnh vực quan trọng để đầu tư cho hạ tầng, cũng như các vấn đề quan trọng khác.
Sự phát triển kinh tế cũng kéo theo rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là trong vấn đề lợi ích. Các doanh nghiệp địa phương, được sự hậu thuẫn của một số người có quyền lực, vị thế đã gần như “coi trời bằng vung”, khóa tất cả cánh cửa tìm đến địa phương của những nhà đầu tư có thiện chí.
Điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy, không đơn thuần về môi trường đầu tư lành mạnh như chủ trương của tỉnh nữa, hơn thế còn kìm hãm sự phát triển của mỗi một địa phương. Đặc biệt, là làm chậm tiến trình phát triển chung của tỉnh.
Vấn đề này, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động cho các cấp có thẩm quyền, những người có trách nhiệm của tỉnh. Nếu không có những động thái quyết liệt, mạnh tay xử lý, giải quyết dứt điểm gốc rễ của những vấn đề ung nhọt, thì viễn cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” là điều không khó để dễ đoán.
Như người xưa đã nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch mà tỉnh đã dày công xây dựng qua rất nhiều giai đoạn thời gian cũng như một bát canh, muốn ngon thì phải thật kỹ lưỡng trong lúc nhặt rau.
Lam Anh