Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài. Vì vậy, kết quả Ðơn Dương đạt chuẩn NTM vào năm 2015 được địa phương xác định là nền móng cho cả chặng đường tiếp theo để xây dựng NTM nâng cao...
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình liên tục, lâu dài. Vì vậy, kết quả Ðơn Dương đạt chuẩn NTM vào năm 2015 được địa phương xác định là nền móng cho cả chặng đường tiếp theo để xây dựng NTM nâng cao. Ðồng thời, việc được Trung ương chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu lại càng tiếp thêm động lực để chính quyền và Nhân dân Ðơn Dương quyết tâm nâng cao chất lượng quá trình thực hiện nội dung có ý nghĩa này.
|
Một trong những tiêu chí mà Đơn Dương đang hướng tới đó là xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh. Ảnh: N.Thi |
“Dân vận khéo” là yếu tố quyết định
“Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu. Điều này đã được minh chứng ngay từ khi Đơn Dương bắt đầu xây dựng NTM.
Chia sẻ với chúng tôi về quan điểm này, ông Lê Đình Thủy - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đơn Dương đánh giá, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” thời gian qua đã giúp người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, bởi nếu người dân không tự làm thì sẽ không thể thành công được. “Nhân dân phải tự làm và họ cũng là người được hưởng thụ thành quả, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ. Sự nhiệt tình tham gia thực hiện của bà con nhân dân là bí quyết để tạo nên thành công thời gian qua. Chính vì vậy, công tác dân vận để dân hiểu, dân tin là vô cùng quan trọng”, ông Lê Đình Thủy cho biết.
Với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, suốt thời gian qua, huyện Đơn Dương đã quán triệt, giám sát thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này. Đối với cán bộ, những nguyên tắc khác được đặt ra là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Chính vì vậy, trong quá trình vận động xây dựng NTM, cán bộ làm công tác chuyên môn cũng đồng thời phải làm công tác dân vận và ngược lại. Đến nay, thông qua công tác dân vận, bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, thuyết phục, Nhân dân không chỉ đồng lòng thực hiện định hướng, hướng dẫn của Nhà nước để xây dựng NTM mà còn chủ động trong nhiều lĩnh vực để xây dựng NTM ngày càng chất lượng.
Với định vị như vậy, huyện đã gắn việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo” thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu. Huyện cũng đã đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, qua đó tìm kiếm sự đồng lòng cao hơn với mục tiêu hướng đến là “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, giai đoạn 2018 - 2025”.
Đơn Dương là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Hai địa phương còn lại là huyện Hải Hậu (Nam Định) và huyện Nam Đàn (Nghệ An). Đơn Dương nằm trong Đề án thí điểm để triển khai các hoạt động xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết giá trị; bảo vệ môi trường nông thôn bền vững và giữ gìn an ninh trật tự nông thôn. |
Chủ động xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS, Ban Dân vận Huyện ủy đã đề xuất xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu tại khối dân vận xã Ka Đơn. Trưởng khối Dân vận xã tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng và ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” và chọn thôn Krăng Chớ làm điểm. Qua triển khai thực hiện, khối dân vận xã đã không chỉ vận động được Nhân dân giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn mà còn huy động được người dân đóng góp đối ứng vốn xây dựng và gia cố các tuyến đường giao thông nội thôn với số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng; lắp đặt hệ thống điện đường thắp sáng với kinh phí 18 triệu 600 ngàn đồng. Đặc biệt, với tỷ lệ 54% người đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đã đồng lòng, chủ động thay đổi thói quen canh tác để chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ vốn cho năng suất thấp sang trồng các loại rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về vấn đề y tế, giáo dục cũng thay đổi theo hướng tích cực khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; trẻ em trong độ tuổi ra lớp đạt 100% và không còn trẻ em bỏ học.
Không chỉ vậy, Nhân dân còn thay đổi nhận thức rất nhanh về vấn đề môi trường và cảnh quan; không chỉ giữ gìn, tôn tạo khuôn viên gia đình mình mà còn quan tâm đến cả môi trường và cảnh quan ngõ xóm. Hai bên đường sạch đẹp, hoa lá rực rỡ quanh năm. Chất lượng cuộc sống từ đó cũng được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2017 đã tăng lên và đạt 58 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2018.
Còn tại xã Quảng Lập, tốc độ xây dựng NTM được đánh giá có tiến độ nhanh và bền vững. Cảnh quan, môi trường, đường làng, kiến trúc nhà cửa được người dân tập trung xây dựng theo chuẩn qui định. Nhiều người dân khi gặp chúng tôi đều bày tỏ rằng, từ khi được nghe tuyên truyền, vận động xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, họ rất phấn khởi và sốt sắng chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Đến thời điểm này, những việc đó đã trở thành ý thức văn hóa của người dân trong xã.
Những ngày này, đến Quảng Lập, khung cảnh một vùng quê với đường sá sạch sẽ và rộng rãi, bên đường tràn ngập sắc hoa hiện diện. Theo báo cáo của UBND huyện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tại xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Lạc Lâm là vùng sản xuất rau thương phẩm trọng điểm của huyện Đơn Dương, trong Cuộc vận động “Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” cũng đang đạt được những kết quả tích cực. Bà con không chỉ phát triển kinh tế khá tốt mà luôn đồng lòng trong việc thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Trong khoảng gần 2 năm triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, địa phương đã tiến hành bê tông hóa đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 8,1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp hơn 3,6 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, kết quả của những mô hình NTM kiểu mẫu ở Ka Đơn, Quảng Lập và Lạc Lâm là nhờ đã phát huy được nguyên tắc cốt lõi nhất, đó là người dân là chủ thể và vận động họ chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, huyện, xã đã phát động được tính cộng đồng, thôn xóm đồng lòng và gắn kết. Từ đó, người dân cũng đã chuyển từ hành động tự phát sang có ý thức tự giác, từ việc chỉ lo cho kinh tế và những vấn đề trong khuôn viên nhà mình, họ đã quan tâm đến cả lợi ích chung của cộng đồng… Với những chuyển biến và kết quả ban đầu này, chúng ta có cơ sở để hy vọng Đơn Dương sẽ sớm xây dựng thành công mô hình NTM kiểu mẫu điển hình cấp Trung ương, trở thành mô hình điểm để địa phương khác học tập.
NGUYÊN THI