Không phải ngẫu nhiên mà Ðơn Dương trở thành lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Ðồng và được Trung ương lựa chọn là một trong bốn huyện của cả nước xây dựng NTM kiểu mẫu. Bởi trái ngọt ấy có được sau hành trình 10 năm huyện xây dựng lộ trình thực hiện bài bản, sáng tạo; xã triển khai đồng bộ, nhất quán và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân đã góp phần đưa những gam màu sáng vào bức tranh kinh tế - xã hội ở Ðơn Dương.
Không phải ngẫu nhiên mà Ðơn Dương trở thành lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Ðồng và được Trung ương lựa chọn là một trong bốn huyện của cả nước xây dựng NTM kiểu mẫu. Bởi trái ngọt ấy có được sau hành trình 10 năm huyện xây dựng lộ trình thực hiện bài bản, sáng tạo; xã triển khai đồng bộ, nhất quán và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân đã góp phần đưa những gam màu sáng vào bức tranh kinh tế - xã hội ở Ðơn Dương.
|
Tin tưởng vào chủ trương của Trung ương, chiến lược phát triển của địa phương, Nhân dân chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế và chung sức xây dựng NTM. Ảnh: N.Ngà |
Hành trình 10 năm
Sau Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào trên toàn huyện Đơn Dương. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định đây là một trong năm chương trình trọng tâm và xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện.
Năm 2013, UBND tỉnh chọn huyện Đơn Dương làm điểm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2015, phong trào này càng được Đơn Dương đẩy mạnh, tạo ra một khí thế mới, quyết tâm mới trong thực hiện.
UBND huyện đã thành lập 4 tổ công tác giúp việc cho UBND huyện. Đối với các xã đều thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình xây dựng NTM cấp xã. Tất cả 78 thôn ở 8 xã thành lập ban phát triển thôn và hoạt động có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được chú trọng và đẩy mạnh. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân được nâng cao. Người dân đã chủ động tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM huyện, tổng vốn thực hiện xây dựng NTM của Đơn Dương là trên 15 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 897 tỷ đồng; tín dụng trên 14 nghìn tỷ đồng (thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân); doanh nghiệp, HTX trên 35 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp trên 58 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, trên địa bàn huyện đến nay không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Từ xây dựng NTM, hiện 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% số xã đạt chỉ tiêu từ 70% trở lên đường trục thôn và đường liên thôn ít nhất được cứng hóa; 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ từ 70% trở lên cứng hóa. Đơn Dương đã triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong nội dung tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, huyện chủ yếu phát triển cây rau thương phẩm. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển một số cây đặc sản và cây có giá trị kinh tế cao. Diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm 86,4% diện tích canh tác rau, hoa.
Hàng năm, huyện Đơn Dương đều triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 1,92%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 4,12%. Thu nhập bình quân tăng dần qua từng năm: năm 2010 đạt 16,4 triệu đồng/người/năm, năm 2018 đạt 62,3 triệu đồng/người/năm, năm 2019 phấn đấu đạt 68 triệu đồng/người/năm.
Năm 2018, huyện Đơn Dương được chọn làm huyện xây dựng thí điểm về NTM kiểu mẫu. UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối NTM Trung ương cùng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn lập Đề án xây dựng huyện Đơn Dương đạt NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018-2025.
Xây dựng NTM và lòng tin của Nhân dân
Ông Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập - Đơn vị dẫn đầu trong hành trình xây dựng NTM suốt 10 năm qua ở Đơn Dương nói: “Hàng năm, căn cứ vào Nghị quyết Đảng ủy - HĐND, UBND chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức công khai các chương trình mục tiêu phát triển KT-XH, phối kết hợp với Mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đặc biệt là trong tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Những đổi thay tích cực từ việc xây dựng NTM đã làm tăng dần niềm tin của Nhân dân. Điều đó đồng nghĩa với việc đóng góp của dân ngày càng tăng. Điều này là yếu tố quyết định trong xây dựng NTM. Điển hình như việc, từ khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM đến nay, tổng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là trên 67 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước 40 tỷ đồng, Nhân dân trên 27 tỷ đồng, chưa kể đến phần Nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu khi có công trình đi qua”.
Cũng theo người đứng đầu xã này, hiện Quảng Lập đang tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa 19/19 tiêu chí đã đạt được để tiến tới đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2019. Xã thường xuyên tu sửa, duy trì các tuyến đường điện chiếu sáng do Nhân dân tự đóng góp, tự quản phục vụ cộng đồng. Vận động Nhân dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhân rộng mô hình trồng hoa, cây xanh; không trồng cỏ lấn chiếm lòng lề đường, ngõ xóm; phát quang các trục đường trên địa bàn xã; Nhân dân trong thôn tham gia đóng phí thu gom rác thải. Và trong hành trình ấy vẫn không thể thiếu sức dân.
Còn tại xã Lạc Lâm - địa bàn cũng đạt nhiều thành tích trong xây dựng NTM và Nhân dân có mức thu nhập cao nhất trong huyện, ông Huỳnh Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Muốn xây dựng NTM, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về nội dung này để người dân thực sự hiểu họ là chủ thể. Chính quyền địa phương cần xác định những công trình, công việc bức xúc của người dân và tập trung thực hiện tốt. Từ đó, tạo niềm tin và khí thế phấn khởi, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực trong dân. Thực tiễn cho thấy, việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM phải thực sự dân chủ, người dân phải tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, xây dựng NTM là quá trình lâu dài nên không thể nóng vội, quyết liệt thực hiện, vừa làm vừa chú trọng rút kinh nghiệm, biểu dương những cá nhân, tổ chức có thành tích, song cũng kịp thời uốn nắn khi có vấn đề xảy ra. Chỉ như thế mới có niềm tin của Nhân dân - nền tảng xây dựng NTM”.
Ông Nguyễn Quang Cảnh - người dân thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm phấn khởi nói: “Chúng tôi là người dân từ tận ngoài Bắc vào làm kinh tế mới, so với những ngày đầu mở đất thì cuộc sống bây giờ khởi sắc hơn nhiều. Đường sá khang trang, cảnh quan sạch đẹp. Vẫn công việc nhà nông gắn bó với ruộng đồng, nhưng chúng tôi không chỉ gắn bó với cây lúa để đủ sống như trước mà chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, đã cho bà con gắn bó với cây rau để làm giàu. Xe ô tô vào tận ruộng chở rau đi nhập khắp các tỉnh, bà con có tiền lại chung sức cùng Nhà nước xây dựng NTM”.
Không chỉ có Quảng Lập, Lạc Lâm mà ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Đơn Dương, khí thế xây dựng NTM suốt 10 năm qua vẫn luôn mạnh mẽ. Bởi thế, những con đường tiếp tục được bê tông hóa, các công trình thủy lợi thêm kiên cố, chợ đi vào hoạt động bài bản, môi trường được cải thiện… Đặc biệt, việc đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho Nhân dân được chú trọng. Những điều đó càng củng cố tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân. Điều này đồng nghĩa với việc Đơn Dương tràn trề sức mạnh trong hành trình hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
NGỌC NGÀ