Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Sơn Ðiền là một căn cứ địa cách mạng. Ðồng bào dân tộc thiểu số nơi đây luôn đoàn kết, sát cánh cùng bộ đội đánh đuổi kẻ thù xâm lược. 44 năm sau ngày giải phóng, vùng căn cứ cách mạng Sơn Ðiền heo hút ngày nào nay đang từng ngày được khởi sắc.
Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Sơn Ðiền là một căn cứ địa cách mạng. Ðồng bào dân tộc thiểu số nơi đây luôn đoàn kết, sát cánh cùng bộ đội đánh đuổi kẻ thù xâm lược. 44 năm sau ngày giải phóng, vùng căn cứ cách mạng Sơn Ðiền heo hút ngày nào nay đang từng ngày được khởi sắc.
Một góc trung tâm xã Sơn Điền |
Hạ tầng nông thôn dần hoàn thiện
Sơn Điền là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97% dân số trong toàn xã. Những năm qua, từ các chương trình dự án của Chính phủ, xã Sơn Điền được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, công trình nước sinh hoạt cùng với các chương trình khuyến nông hỗ trợ phát triển sản xuất…
Ông K’Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền cho biết: Trước đây, điều mà cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Điền nói riêng và huyện Di Linh nói chung luôn trăn trở mỗi khi vào Sơn Điền đó là tuyến đường giao thông đi lại rất khó khăn, dốc cao, khúc khuỷu, lầy lội… Năm 2006, xã Sơn Điền được Nhà nước đầu tư 12,6 tỷ đồng để thi công 12 km đoạn đường còn lại từ đầu dốc cây số 70 vào thôn Ka Liêng, giúp bà con thuận lợi hơn trong việc đi lại cũng như phát kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cùng với các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… đã tác động tích cực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa dần các tập quán canh tác lạc hậu đã tồn tại nhiều năm.
Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng về với Sơn Ðiền trong những ngày này, chúng ta sẽ cảm nhận được những đổi thay ở khắp buôn làng. Bà con đã duy trì sản xuất lúa nước hai vụ, đảm bảo an ninh lương thực. Những vùng đất rẫy triền đồi quanh các cánh rừng mà trước đây bà con chỉ gieo tỉa lúa nương năng suất kém, nay đã được phủ kín cây cà phê; nhiều ngôi nhà xây đã “mọc” lên ở khắp các thôn thay thế dần những căn nhà tranh tre, nứa lá, lụp xụp, tạo cho bức tranh ở vùng “ốc đảo” này thêm sự tươi mới…
“Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông đã tác động tích cực đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân trong xã. Hiện xã Sơn Điền đang thi công hai công trình thủy lợi, trong đó công trình thủy lợi liên hoàn tại thôn Ka Liêng đã hoàn thành. Thời gian tới, ngoài đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở, địa phương cũng sẽ được đầu tư kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã từ kilômét 70 Quốc lộ 28 vào tới thôn Kon Sỏ, với chiều dài trên 17 km…”, ông K’Vít - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền chia sẻ.
Cùng với các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, tuyến đường giao thông vào trung tâm xã là một điểm nhấn quan trọng, xóa đi sự tách biệt khiến trước đây người dân Sơn Điền gần như sinh sống khép kín với các vùng lân cận. Có tuyến đường, việc sinh hoạt đi lại, lưu thông các mặt hàng nông sản của người dân được thuận lợi hơn.
Một góc xã Sơn Điền. Ảnh: N.Brừm |
Ý thức người dân được nâng lên
Về với vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền hôm nay, chứng kiến được sự đổi thay từng ngày ở khắp các buôn, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực, ý thức vượt khó vươn lên của người dân nơi đây. Bà con đã chủ động và mạnh dạn sử dụng giống lúa lai cho năng suất cao vào gieo sạ, ghép cải tạo và trồng tái canh cà phê giống mới, chú trọng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhận trồng và quản lý bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi đàn bò thịt và duy trì việc nuôi lợn bản địa theo hướng hàng hóa…
Theo thống kê của UBND xã Sơn Điền, hầu hết ở các thôn trên địa bàn xã đều đã xuất hiện những tấm gương làm kinh tế giỏi, điển hình như: chị Ka Thuyền, anh K’Ngả, anh K’Hồng, hộ ông K’Tới, ông K’Dũng…, tạo phong trào thi đua khá sôi nổi trong lao động sản xuất giữa các hộ dân trong xã. Người dân thôn Bờ Nơm, nhất là chị em phụ nữ rất trân trọng và tự hào về chị Ka Thuyền. Bởi chị Thuyền không những là tấm gương phụ nữ vượt khó, năng nổ đi đầu trong lao động sản xuất, mà còn rất nhiệt tình chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất với các chị em phụ nữ trong thôn. Năm 2015, gia đình chị Ka Thuyền đã xây dựng ngôi nhà hai tầng khá khang trang.
Xuôi về thôn Kon Sỏ chừng 2 km, chúng tôi vào thăm gia đình anh K’Hồng. Anh K’Hồng chia sẻ, là đảng viên mình phải nỗ lực đi đầu trong lao động sản xuất để bà con noi theo. Ngoài chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, anh Hồng đã chuyển đổi hơn 3 ha cà phê kém năng suất sang trồng cà phê giống mới. Vài năm trở lại đây, kinh tế gia đình anh K’Hồng phát triển ổn định, anh đã đầu tư mua sắm các loại máy nông cụ phục vụ sản xuất và đã đầu tư trên một tỷ đồng xây dựng ngôi nhà mới…
Nhờ chính sách đầu tư nhiều mặt của Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền đã có sự chuyển mình rõ nét. Thực hiện các Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cùng với việc xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,9% và xã Sơn Điền đã đạt được 13/19 tiêu chí về nông thôn mới.
NDONG BRỪM