Khẳng định vị thế hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

08:05, 17/05/2019

Sau 10 năm hình thành, phát triển, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng Lâm Ðồng (đóng tại Phường 1, TP Bảo Lộc) đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế địa phương.

Sau 10 năm hình thành, phát triển, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng Lâm Ðồng (đóng tại Phường 1, TP Bảo Lộc) đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế địa phương.
 
Cán bộ, nhân viên Trung tâm TCĐLCL Lâm Đồng. Ảnh: H.Đường
Cán bộ, nhân viên Trung tâm TCĐLCL Lâm Đồng. Ảnh: H.Đường
 
10 năm hình thành, phát triển
 
Tiền thân của Trung tâm này là Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng, được thành lập năm 2010. Năm 2016, đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm). Hiện, Trung tâm có 26 cán bộ, nhân viên; trong đó, có 4 thạc sĩ, còn lại có trình độ cao đẳng, đại học.
 
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ các hoạt động phân tích hóa - lý, vi sinh, vật liệu xây dựng; các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và chuẩn đo lường… Để đáp ứng yêu cầu công việc, Trung tâm đã cử đi đào tạo 5 kiểm định viên (KĐV) trên các lĩnh vực độ dài, khối lượng, dung tích, dung lượng, áp suất và điện; 7 chuyên gia kỹ thuật, trong đó có 4 chuyên gia hoạt động chứng nhận chất lượng và 10 kiểm nghiệm viên bảo hành thiết bị. Nhờ vậy, trong thời gian qua, Trung tâm đã đồng hành, phối hợp và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về TCĐLCL sản phẩm hàng hóa để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
 
Những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá cấp chứng nhận cho 160 cơ sở, doanh nghiệp về tiêu chuẩn VietGAP (theo chuẩn ISO/IEC 17065:2012 - áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp), với tổng diện tích gần 1.500 ha; chứng nhận chất lượng cho một số sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của địa phương như chè, cà phê, nước uống đóng chai, đồ uống có cồn, gạch ngói xây dựng… 
 
Hàng năm, Trung tâm còn đánh giá, cấp chứng nhận mới cho hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp; đồng thời, thẩm định lại khoảng 100 cơ sở, doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận VietGAP trong  và ngoài tỉnh, với tổng diện tích khoảng 800 ha. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai phân tích khoảng 3.000 mẫu sản phẩm, với hơn 14.000 chỉ tiêu hóa - lý, vi sinh và vật liệu xây dựng cho người dân và doanh nghiệp theo hệ thống tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các đợt kiểm tra và phân tích chất lượng thực phẩm, đất, phân bón… Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với TP Đà Lạt triển khai phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất rau, hoa làm cơ sở để TP cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Ði cùng sự phát triển kinh tế 
 
Bên cạnh các hoạt động phân tích, kiểm nghiệm các loại sản phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, Trung tâm còn tăng cường tham gia các chương trình, dự án trọng điểm của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với các huyện, TP trong tỉnh tiến hành khảo sát, phân tích chất lượng 470 mẫu đất về các chỉ tiêu hóa - lý tại 18 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
Đối với hoạt động đo lường, tuy mới được hình thành nhưng với trang thiết bị kỹ thuật được chuyển giao từ Chi cục TCĐLCL Lâm Đồng đã giúp Trung tâm từng bước đi vào hoạt động ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện, Trung tâm đã thực hiện kiểm định được 19/60 phương tiện đo theo quy định. Trong đó, Trung tâm chú trọng đến các lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu (hàng năm, kiểm định 245/280 cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh); kiểm định đồng hồ Taximet cho 6/7 hãng taxi, với 1.350 phương tiện. Trong lĩnh vực y tế, Trung tâm tiến hành kiểm định các thiết bị đo như máy đo điện tim, điện não, huyết áp, cân sức khỏe… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Bên cạnh hoạt động kiểm định, Trung tâm TCĐLCL từng bước tăng cường tiềm lực mở rộng lĩnh vực hoạt động hiệu chuẩn các phương tiên đo như: Quả cân có cấp độ chính xác M1 đến 20 kg; quả cân chuẩn F2 (1g - 10kg); cân cấp độ chính xác III có mức cân đến 60 tấn… 
 
Có thể khẳng định, với những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận đã ghi dấu cho sự trưởng thành của Trung tâm nói riêng và hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ tỉnh nhà nói chung. Đặc biệt, từ đó đưa các sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng vươn tới các thị trường lớn trong nước và trên thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Nhiệm vụ của Trung tâm là phục vụ ngày càng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các phần việc Trung tâm đang đảm nhận; đồng thời, mở rộng, nâng cao năng lực hoạt động trên một số lĩnh vực cụ thể như: Hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị đo lường; mở rộng các chỉ tiêu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa… Đây là những bước đi cần thiết để nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm về TCĐLCL trên địa bàn tỉnh; đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực liên quan, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta trong tình hình mới”.
 
HẢI ÐƯỜNG