Lao động, sáng tạo bằng tinh thần cống hiến, đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn

08:05, 17/05/2019

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, phóng viên Báo Lâm Ðồng đã phỏng vấn Ths. Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về những thành tựu nổi bật trong 40 năm hình thành và phát triển của ngành và những giải pháp đẩy mạnh hoạt động, đưa KH&CN đi vào thực tiễn cuộc sống, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, phóng viên Báo Lâm Ðồng đã phỏng vấn Ths. Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về những thành tựu nổi bật trong 40 năm hình thành và phát triển của ngành và những giải pháp đẩy mạnh hoạt động, đưa KH&CN đi vào thực tiễn cuộc sống, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Võ Thị Hảo trao đổi về lao động sáng tạo với tập thể Trường CĐ Y tế Lâm Đồng. Ảnh: Q.U
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Võ Thị Hảo trao đổi về lao động sáng tạo
với tập thể Trường CĐ Y tế Lâm Đồng. Ảnh: Q.U
 
PV: Thưa bà, KH&CN Lâm Đồng đã trải qua một chặng đường 40 năm, xin bà cho biết, trên chặng đường đó đã để lại những dấu ấn gì? 
 
ThS. Võ Thị Hảo: Ngày 1 tháng 3 năm 1979, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Sau nhiều lần đổi tên, từ năm 2004 đến nay là Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng. Trong 40 năm hoạt động KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng phát triển qua từng giai đoạn, đạt được những thành tựu nổi bật đáng tự hào.
 
Thời gian đầu, đơn vị chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; tổ chức phổ biến khoa học - kỹ thuật (KHKT) như chiếu phim khoa học, biên soạn các ấn phẩm, hội thảo chuyên đề, thông tin KHKT phục vụ cán bộ lãnh đạo và tổ chức các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; rồi tập hợp, chọn lựa các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; triển khai các chương trình điều tra cơ bản cấp nhà nước, xây dựng một số bản đồ về tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển và quản lý của các ngành, địa phương. 
 
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều chương trình hành động bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hoạt động KH&CN tập trung giải quyết những vấn đề có tính chiến lược, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn như đổi mới công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu; hướng nhà sản xuất vào nhiệm vụ quản lý chất lượng hệ thống, đồng bộ theo tiêu chuẩn ISO; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, sản xuất kinh doanh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường; xây dựng chiến lược quản lý chất thải, quy định tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của địa phương, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Nhiều kết quả nghiên cứu khảo nghiệm về cây lúa, ngô, rau, chè, cà phê, dâu tằm, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp đã được áp dụng vào sản xuất mang lại nhiều kết quả đáng kể, góp phần tăng năng suất và sản lượng lương thực. Giai đoạn 1999 - 2009, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản về tài nguyên, khoáng sản, đa dạng sinh học, triển khai xây dựng hệ thống bản đồ nông hóa thổ nhưỡng và bố trí cây trồng hợp lý đến cấp xã trong toàn tỉnh… làm cơ sở khoa học cho việc định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Hoạt động KH&CN dần được cụ thể hóa bằng các chương trình trọng điểm trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của địa phương, các kết quả tập trung phục vụ nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn… 
 
Công tác kiện toàn bộ máy, chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao năng lực hoạt động và quản lý, việc đảm bảo ngân sách chi cho khoa học là một trong những yếu tố giúp KH&CN phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong 40 năm hình thành và phát triển.
 
PV: Trong những năm gần đây, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của Lâm Đồng có bước đột phá lớn, KH&CN đã góp phần như thế nào trong bước tiến đó, thưa bà?
 
ThS. Võ Thị Hảo: Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu của KH&CN, đặc biệt sau khi Quy hoạch KH&CN của tỉnh được phê duyệt vào năm 2011. Việc triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng, giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn, nên kết quả ứng dụng đề tài, dự án cao. Ngành đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với nhiều viện, trường, tổ chức KH&CN xác định, triển khai nhiều nhiệm vụ đồng bộ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác đến thực hiện khảo nghiệm và xây dựng các mô hình trình diễn về áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất, bảo quản... để nhân rộng phục vụ sản xuất và đời sống. Đa số các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tập trung giải quyết các yêu cầu cấp thiết của tỉnh trong phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghệ, với “đòn bẩy” của KH&CN, nền nông nghiệp Lâm Đồng đã tạo bước đột phá, đi đầu trong cả nước, là điểm sáng trong ứng dụng công nghệ cao. 
 
PV: Vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, việc đưa các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN vào thực tiễn hiện nay ra sao?
 
ThS. Võ Thị Hảo: Có thể nói, chặng đường 40 năm qua đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng của một quá trình không ngừng trưởng thành và phát triển của Sở KH&CN. Tập thể các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động đã luôn tiếp nối truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế quản lý KH&CN đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; sự gắn kết giữa kế hoạch hoạt động của các ngành, các cấp đối với công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa thường xuyên; công tác triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập còn chậm do trình độ công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học công lập nhìn chung vẫn còn thấp và chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.
 
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển KH&CN còn thấp, nguồn vốn để duy trì và nhân rộng các mô hình từ các kết quả nghiên cứu còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức lan tỏa của các mô hình sau khi kết thúc đề tài, dự án; hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu KH&CN trong tỉnh chưa nhiều, chưa tạo lập và phát triển được thị trường KH&CN một cách ổn định, bền vững.
 
PV: Xin bà cho biết, trong thời gian tới, những giải pháp và những yêu cầu mới đặt ra cho KH&CN Lâm Đồng?
 
ThS. Võ Thị Hảo: Từ những thành tựu và những hạn chế trong 40 năm hoạt động vừa qua và từ các nhu cầu cấp thiết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, trong thời gian tới, ngành KH&CN của tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung sau: 
 
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò KH&CN, gắn kết KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Thứ hai, đổi mới cơ chế đầu tư cho KH&CN thông qua đầu tư đổi mới công nghệ và nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp. Hướng dẫn để mỗi doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để phục vụ việc phát triển của doanh nghiệp và tham gia vào Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh nhằm hỗ trợ lẫn nhau.
 
Thứ ba, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực KH&CN là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa lâu dài. Trước mắt cần tập trung đầu tư các cơ sở thiết yếu cho nghiên cứu ứng dụng trên các lĩnh vực gắn với phát triển trọng tâm của địa phương, nhất là các khâu còn yếu trong chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
 
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp là trung tâm, là nhiệm vụ cốt lõi chuyển hóa các thành quả KH&CN thành các giá trị của xã hội.
 
Thứ năm, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng tinh gọn, tập trung và hiệu quả; tăng cường tiềm lực hạ tầng kỹ thuật để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân...
 
PV: Cách đây 5 năm, vì sao Chính phủ lấy ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam và có ý nghĩa như thế nào đối với ngành KH&CN?
 
ThS. Võ Thị Hảo: Cách đây hơn 50 năm, vào trung tuần tháng 5/1963, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và có bài phát biểu quan trọng định hướng cho hoạt động KH&CN của nước nhà. Người nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân”. Bài phát biểu rất ngắn gọn, súc tích nhưng dễ hiểu, dễ tiếp thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mạng cao cả của KH&CN. Quán triệt tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ trí thức, nhà KH&CN của cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng lao động và sáng tạo để đưa KH&CN vào cuộc sống. Từ ý nghĩa lịch sử đó, Chính phủ đã lấy ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.
 
Ngày KH&CN chính là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học. Đây cũng chính là cơ hội để tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vai trò của KH&CN, đường lối, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển KH&CN như là quốc sách hàng đầu. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên, khích lệ thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
 
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
 
QUỲNH UYỂN thực hiện