Ðưa khoa học công nghệ vào thực tiễn phục vụ đời sống Nhân dân

08:05, 17/05/2019

Mọi thành quả của khoa học công nghệ (KHCN) đều hướng tới con người, phục vụ con người; vì vậy Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Ðồng đã triển khai nhân rộng nhiều dự án, mô hình, góp phần từng bước làm thay đổi đời sống Nhân dân. 

Mọi thành quả của khoa học công nghệ (KHCN) đều hướng tới con người, phục vụ con người; vì vậy Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Ðồng đã triển khai nhân rộng nhiều dự án, mô hình, góp phần từng bước làm thay đổi đời sống Nhân dân. 
 
Lắp đặt hệ thống mô hình tưới phun mưa cục bộ cho cây cà phê ở Nam Hà - Lâm Hà. Ảnh: Q.U
Lắp đặt hệ thống mô hình tưới phun mưa cục bộ cho cây cà phê ở Nam Hà - Lâm Hà. Ảnh: Q.U
 
Thạc sĩ Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng cho biết: Sau 15 năm thành lập, Trung tâm đã chủ trì thực hiện hơn 100 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 1 đề tài và 3 dự án cấp nhà nước. Hầu hết các đề tài, dự án được nghiệm thu đạt kết quả, được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới.
 
Trong những năm gần đây, nhiều thành tựu KHCN đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực phục vụ đời sống Nhân dân. Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản và chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, như: máy sấy cà phê sau thu hoạch, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, ứng dụng năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng để thắp sáng và đèn cảnh báo giao thông, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Có thể kể mô hình tưới phun mưa cục bộ vườn cà phê ở Lâm Hà tiết kiệm chi phí đầu tư, công lao động, phát triển cà phê bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm được tình trạng lãng phí tài nguyên nước. Mô hình xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các cụm dân cư ở 2 xã Đạ Kho và Quốc Oai (Đạ Tẻh), với việc lắp đặt 8 hệ thống lọc nước theo công nghệ bằng cột lọc composite với công suất 5 m3/ngày, đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho cụm dân cư khoảng 10 hộ gia đình/ hệ thống. Sau khi triển khai thi công, dự án đã lấy mẫu nước trước và sau xử lý nhằm đánh giá chất lượng nước theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT và cơ bản các mẫu nước sau xử lý đáp ứng theo quy chuẩn để đưa vào sử dụng.
 
Mô hình trồng Đẳng sâm thương phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đạ Chais (Lạc Dương) đã phát triển giống dược liệu có giá trị đối với sức khỏe con người, tạo nguồn nguyên liệu chế biến các loại thực phẩm chức năng, thực hiện đa cây đa con cho đồng bào Cill, nâng cao cuộc sống. Mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các huyện: Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương, đã thực hiện trao bò cái nền cho các hộ tham gia dự án và chuyển giao các quy trình chăn nuôi bò lai theo hướng thịt chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật trồng các giống cỏ chăn nuôi, kỹ thuật chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho bò, kỹ thuật vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường trong chăn nuôi... Xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong cảnh báo giao thông, cho hệ thống tưới nông nghiệp, chiếu sáng giao thông công cộng, lọc nước uống tinh khiết, chiếu sáng sinh hoạt tại vùng xa lưới điện đã đem lại hiệu quả tích cực. 
 
Không dừng lại ở trình diễn, nhiều mô hình được nhân rộng đại trà, bước đầu đưa những tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của đời sống người dân, là cơ sở cho những nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi hơn cho sản xuất và đời sống, nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình xây dựng mô hình, dự án, các hội thảo cũng được tổ chức nhằm giới thiệu các công nghệ, tạo điều kiện để cán bộ, kỹ sư trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm, tham quan học tập trực tiếp, qua đó Nhân dân trong vùng thấy được hiệu quả của mô hình mang lại và học tập làm theo. 
 
Ngoài ra, Trung tâm đã sưu tập, bảo tồn trong điều kiện in - vitro gần 100 giống cây trồng như: rau hoa, cây ăn quả; cây dược liệu; hơn 100 chủng, loài nấm ăn, nấm dược liệu. Từ nguồn gen thuần chủng, hàng năm Trung tâm đã sản xuất, cung cấp cây giống, giống nấm các loại sạch bệnh, đảm bảo chất lượng cho nông dân, doanh nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương. Từ những kết quả nghiên cứu, hàng năm Trung tâm đã nhân giống trên 600.000 cây giống sạch bệnh của các giống hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; sản xuất khoảng 2.000 kg giống nấm và chế phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 
 
Thực hiện các hoạt động dịch vụ, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN cho các đơn vị, địa phương. Kết quả nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã khẳng định KH&CN góp phần quan trọng trong việc tiếp thu, làm chủ, thích nghi và khai thác có hiệu quả các công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với đặc thù của từng địa bàn. Đồng thời phổ biến các quy trình kỹ thuật trồng đậu cô ve, trồng cà chua, trồng và chăm sóc chuối la ba, trồng dâu tằm... đến nông dân.
 
ThS. Nguyễn Như Chương cho biết thêm, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phát huy thế mạnh về sản phẩm công nghệ sinh học: sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng cao; giống nấm ăn và nấm dược liệu; chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm chuyển giao, cung cấp cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng kết quả đề tài, dự án sau nghiệm thu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục đưa những ứng dụng khoa học công nghệ đến với từng người, từng nhà, giảm thiểu tác động đến môi trường, làm thay đổi đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
QUỲNH UYỂN