Ðam Rông liệu có lỡ hẹn (?!) (Bài 2)

07:05, 10/05/2019

(LĐ online) - Một Ðam Rông yếu ớt về nội lực liệu có "tự bơi" được hay không khi không còn "nguồn năng lượng" hỗ trợ từ "bà đỡ" Nhà nước? Một Ðam Rông đầy thương cảm liệu có đủ mạnh mẽ, tự tin để một mình vượt qua những thách thức đầy cam go phía trước? Người nghèo Ðam Rông khi nào mới mạnh dạn thoát ra khỏi "lớp kén" tập tục xưa cũ để tự tay cầm chiếc cần câu mà không phải thụ động, trông chờ miếng cá của người khác cho?...

[links()]
Không thể để Ðam Rông tụt lại phía sau
 
(LĐ online) - Một Ðam Rông yếu ớt về nội lực liệu có “tự bơi” được hay không khi không còn “nguồn năng lượng” hỗ trợ từ “bà đỡ” Nhà nước? Một Ðam Rông đầy thương cảm liệu có đủ mạnh mẽ, tự tin để một mình vượt qua những thách thức đầy cam go phía trước? Người nghèo Ðam Rông khi nào mới mạnh dạn thoát ra khỏi “lớp kén” tập tục xưa cũ để tự tay cầm chiếc cần câu mà không phải thụ động, trông chờ miếng cá của người khác cho?... Vô vàn những câu hỏi, chẳng cần thiết phải đợi câu trả lời cũng đã thấy ngập tràn những âu lo.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng đã rất quyết liệt khi đặt câu hỏi cho Đam Rông nếu muốn thoát ra khỏi 62 huyện nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng đã rất quyết liệt khi đặt câu hỏi cho Đam Rông nếu muốn thoát ra
khỏi 62 huyện nghèo.
 
Cái đích 2020, có lẽ đơn thuần chỉ là một giới hạn để huyện Đam Rông quyết tâm và nỗ lực hơn cho chặng đường thoát nghèo đầy gian nan phía trước của mình. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân Đam Rông liệu đã đủ tự tin “sống khỏe” sau khi thoát khỏi phận số làm “con nhà nghèo” hay chưa? Chúng tôi chỉ xin mượn ý của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Đoàn Văn Việt thay cho câu trả lời.
 
“Huyện Đam Rông hạ quyết tâm năm 2020 ra khỏi huyện nghèo 30a của Chính phủ thì các đồng chí phải tính toán, cần có chính sách sao cho phù hợp. Các chính sách hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, nhất là về mặt hạ tầng… Và tôi nhấn mạnh điều quan trọng, căn cơ ở đây là phải giải quyết được các chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu đạt kết quả nhưng phải mang tính bền vững. Đây là bài toán lãnh đạo huyện Đam Rông khi đặt ra phải có lời giải, phải có kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai, nếu không thì rất khó đạt được mục tiêu”.
 
Đó là câu hỏi mà người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra cho Đam Rông từ những con số thực tế không mấy lạc quan. Hiện tại, huyện Đam Rông còn 19,2% hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 31,83%, cận nghèo chiếm 32,95%. 
 
Đồng chí Đoàn Văn Việt cho rằng, con số giữa hộ nghèo và cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số lên tới 64,78% là rất lớn. Đó là chưa kể bình quân cứ 5 hộ cận nghèo thì có 1 hộ có nguy cơ chuyển sang nghèo lại, tức 2% của số hộ cận nghèo có nguy cơ trở lại hộ nghèo.
 
Ở Đam Rông, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm.
Ở Đam Rông, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm.
 
Loay hoay
 
Đúng là một Đam Rông nếu “ra ở riêng” sẽ rất dễ bị tổn thương bởi một nền tảng không chắc chắn, điểm xuất phát thấp từ khi huyện còn chưa phôi thai. Nhìn lại, 5 xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Rô Men, Liêng Sronh, Đạ R’Sal thuộc huyện Lâm Hà trước đây và 3 xã vùng Đầm Ròn: Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông thuộc huyện Lạc Dương trước đây đều là những xã đặc biệt khó khăn. Đam Rông được khai sinh trong vô vàn khó khăn như thế nên việc dễ bị “hắt hơi sổ mũi” cũng không phải là điều gì quá khó hiểu.
 
Công bằng mà nói, không thể phủ nhận được những cố gắng của Đam Rông trong chặng đường vừa qua. Dẫu chưa thể ở mức độ “chóng mặt” như người ta thường ví von về sự phát triển. Nhưng sau 15 năm thành hình, Đam Rông cũng đã tạo cho mình những sắc diện tươi mới, nhiều những đổi thay tích cực, khiến nhiều người không còn nhận ra sự u buồn, ảm đạm và hiu quạnh nghèo đói của những ngày xưa.
 
Lâm Đồng lo cho Đam Rông cũng là lẽ tự nhiên thường tình. Bởi mảnh đất nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh như “đứa con út” sinh sau đẻ muộn của Nam Tây Nguyên, phải gánh chịu nhiều thua thiệt. Rất nhiều nguồn lực từ nhiều chương trình khác nhau đã được đổ về đây để mong sớm vực dậy Đam Rông có điểm xuất phát gần như bằng không.
 
Hỏi Đam Rông sau khi thoát ra khỏi “bản danh sách 62” kia có thể đứng vững được bằng đôi chân của mình không, câu trả lời là: có! Chỉ có điều ngay từ bây giờ Đam Rông phải chọn cho mình đường hướng, mục đích, lộ trình cụ thể và thực tế. Nếu cứ loay hoay, nhập nhằng, thiếu đi quyết tâm, thiếu đi những khát vọng, thì không khó đoán, “đứa con” Đam Rông không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành “gánh nặng” của Lâm Đồng.
 
Đích đến thì đã cận kề, nhưng đến giờ riêng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đam Rông vẫn còn đang loay hoay không biết mình mạnh yếu ở điểm nào. Dù rằng đất đai, khí hậu có không ôn hòa, màu mỡ như những người anh em khác trong tỉnh, nhưng vấn đề đơn giản nhất như trồng cây gì - nuôi con gì? thì Đam Rông vẫn chưa tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Rất nhiều loại cây trồng đã được huyện đưa về cho người dân, từ điều đến cà phê, từ cây ăn trái đến cao su, từ bắp - mì đến dâu nuôi tằm... nhưng tất tật chưa có loại cây trồng nào tại huyện đủ sức tạo thành một vùng chuyên canh, đủ sức tạo ra nguồn cung lớn. Phần lớn chỉ nằm ở mức độ nhỏ lẻ, canh tác theo kiểu “trước vườn nhà” lấy công làm lãi, cải thiện bữa ăn, áo mặc hàng ngày mà chưa hướng tới mục tiêu cao hơn là thay đổi đời sống.
 
10 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng chỉ có hơn 100 mô hình giảm nghèo mang hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, trong đó có: 2 mô hình cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ M’rông, 2 mô hình trồng nấm mèo, 30 mô hình trồng bưởi da xanh, 47 mô hình trồng dâu nuôi tằm, 27 mô hình nuôi dê bách thảo. Tính bình quân, mỗi năm Đam Rông chỉ nhân rộng được hơn 1 mô hình. 
 
Vạn bất đắc dĩ lắm, chúng tôi mới đưa ra những con số báo cáo khô khan chẳng chút cảm tình ấy ra để bàn luận, nhưng tỷ lệ ít ỏi đến xót xa ấy sau 10 năm lại khiến chẳng mấy ai tin về sự đổi thay của vùng đất vốn dĩ nghèo khó này.
 
Đã đến lúc Đam Rông phải mạnh mẽ, phải đương đầu với những gì trước mắt dẫu có nhiều sóng gió. Đừng như gã trai mới lớn, thấy chông gai của ngày vào đời liền loay hoay, phân vân nên bước tiếp hay nhìn lại bữa cơm ngon lành của mẹ nấu ở nhà đợi sẵn.
 
Sản xuất nông nghiệp ở Đam Rông vẫn còn ở phạm vi manh mún, nhỏ lẻ.
Sản xuất nông nghiệp ở Đam Rông vẫn còn ở phạm vi manh mún, nhỏ lẻ.
 
Ðã đến lúc tự mình cầm lấy chiếc cần câu
 
Rất khó để đưa ra những so sánh, bởi “mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng sự khó khăn của Đam Rông nếu đưa ra những mốc điểm, quy chuẩn qua đó đánh giá với các huyện nghèo khác trong “bản danh sách 62”, đơn cử như ở phía Tây Bắc. Nếu chỉ nhìn vào hạ tầng, vào điện, đường, trường, trạm... có lẽ với họ Đam Rông đã là một thiên đường.
 
Đam Rông nghèo nhưng không còn đói, Đam Rông khó khăn nhưng không còn xa cách. Đường sá đã vào tận thôn buôn, hàng hóa luôn đủ đầy kể cả những ngày mưa gió; sóng điện thoại, wifi, truyền hình số đã phủ đầy kể cả những buôn cách trở nhất. Những điều khó khăn nhất, Đam Rông đã có, và nếu suy nghĩ đơn giản hơn, thì hành trang ấy đã quá đủ đầy cho một người trưởng thành lập nghiệp.
 
Ðã rất nhiều lần, mỗi lần về với Ðam Rông, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy đều nhắc đi, nhắc lại: Ðam Rông muốn thoát nghèo nhanh và bền vững cần phải đi lên bằng nội lực, sự quyết tâm và cố gắng hơn rất nhiều lần so với các địa phương khác.
 
Đó cũng là quan điểm hợp tình, hợp lý. Bởi lộ trình phát triển của Lâm Đồng còn rất nhiều lĩnh vực, còn rất nhiều chương trình lớn trọng tâm, trọng điểm phải đầu tư. “Đứa con” Đam Rông không thể tụt lại ở phía sau, trông đợi sự lắng lo, chăm bẵm của “người cha” Lâm Đồng mãi được.
 
Người xưa từng nói: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, với ngôi nhà Đam Rông điều quan trọng nhất, liều thuốc tăng trưởng lớn nhất, hiệu quả nhất, đắt giá nhất vẫn là ý thức của người dân.
 
Thôn 5 - xã Rô Men, nơi người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc được tỉnh Lâm Đồng bố trí, sắp xếp ổn định đến sinh sống, thực sự là một điểm sáng trong câu chuyện phát huy ý thức tự lập.
 
Không ở đâu mà diện tích đất sản xuất được Nhà nước cấp lại được người dân nơi đây bỏ trống. Vùng trũng chỗ có nước thì trồng lúa, triền đồi trên cao thì trồng bắp, trồng mì. Cây nào được giá thì trồng nhiều, xen canh vào đó là những loại cây khác để tránh rủi ro. Hai năm trước, khi Đam Rông vào mùa hạn hán lớn nhất trong lịch sử, ở nơi khác thì ngao ngán nhìn lúa trổ đòng héo sẫm màu, riêng người Mông nơi đây, vẫn bội thu vì biết cách dẫn nước từ nguồn về. Thêm một chút so sánh để thấy, đất đai ở thung lũng Đầm Ròn bằng phẳng và thuận lợi hơn rất nhiều so với ở khe núi hẹp nơi Thôn 5, Rô Men. Nhưng ở Đầm Ròn, mới là nơi tập trung nhiều hộ nghèo, cận nghèo nhất, không chỉ ở Đam Rông mà còn của cả Lâm Đồng, dù đất sản xuất nông nghiệp nơi đây không hề thiếu.
 
Dẫu có khó khăn, nhưng ai rồi cũng phải lớn lên, cũng phải trưởng thành, có phải không Đam Rông?
 
Phóng sự: T.LINH - C.THÀNH