(LĐ online) - Năm 2020 là đích gần nhất để Đam Rông thoát ra khỏi “danh bạ” 62 huyện nghèo nhất nước. Mục đích hướng tới thì rõ ràng, nhưng ngay cả những người trong cuộc, gánh trên vai trách nhiệm cũng chẳng ai dám quả quyết, khiến cho những người nặng lòng với vùng đất này dễ rơi vào cảm giác chênh vênh.
[links()]
Chông chênh trong tâm nghèo Nam Tây Nguyên
Thật gần nhưng cũng xa xôi, bởi nếu nói Ðam Rông đã có sự đổi thay kỳ diệu hay vùng đất ấy vẫn còn lạc hậu và nghèo đói đến cùng tận thì cũng đều là thứ ngôn ngữ thậm xưng. Mừng nhưng cũng đầy âu lo, cảm giác bất an nhiều hơn sự hài lòng. Nếu đi giữa tâm nghèo của Nam Tây Nguyên với sự lạc quan thái quá, cảm giác chới với là điều gần như không tránh khỏi.
Có một câu chuyện về cái nghèo của Đam Rông khiến cho ai đã từng nghe mãi đến tận bây giờ vẫn chẳng biết nên vui hay buồn, cười thì gánh tiếng thờ ơ, khóc lại chẳng đoạn đành.
Ông Ngô Hữu Hay - Nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, người từng gắn bó với công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong hơn một nhiệm kỳ của mình vẫn hay thường kể: Về Đam Rông, cứ thấy ai đó dành nguyên cả ngày dắt bò dự án đi chăn, lại thấy viễn cảnh ngày thoát nghèo của hộ gia đình đó như dài thêm.
Không cần phải là một kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, những người thông thuộc phép cộng trừ căn bản cũng dễ dàng có đáp án cho một phép tính phổ thông: quá trình lớn lên của bò cái + đến khi sinh nở = tương ứng với sự lãng phí công lao động của một người (và có thể hơn) trong chừng ấy thời gian.
|
Lời ru buồn ở suối Mẹ Ka Kông. |
Rốn nghèo của Ðam Rông
Nếu như Đam Rông là tâm nghèo của Nam Tây Nguyên thì ba xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông) lại là “rốn lũ” ở giữa cái tâm ấy.
Đầm Ròn giờ không còn xa nữa, dẫu khúc khuỷu nhưng đường nhựa đã về tận nơi. Chẳng còn ai nhận ra cái vẻ xác xơ của vùng đất này như những ngày tháng xưa cũ trước đó. Nếu bạn là một người lạ, hẳn sẽ bị sự yên bình và phong cảnh hữu tình đặc trưng của những xóm núi Tây Nguyên hớp hồn. Không phải là ảo giác đánh lừa, nếu bỏ lại những câu chuyện huyền thoại, bỏ lại mây trời và núi cao, bỏ lại cả sông suối và thác ghềnh kì bí, bước chân qua bậc cửa trong những căn nhà có vẻ ngoài bình yên kia lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện của đời sống khốn khó, tạm bợ và trông chờ mà không hề có bất cứ hy vọng nào cho sự đổi thay trước mắt, hay hơn thế là sự màu nhiệm như những gì chúng ta thường hay nghe kể trong huyền tích về vùng đất này.
Đều đặn như thói quen, Kơ Să Ha Đông (thôn N’Tôl-xã Đạ Tông) thức dậy khi mặt trời đã đứng sào và hơi thở vẫn còn hoi nồng hơi men của thứ rượu bán bịch vài ngàn một lít.
Nếu như hôm ấy hũ gạo trong nhà vẫn còn, có nghĩa thêm một ngày trôi qua, bước chân của Ha Đông lại xiêu vẹo trong những cơn say cùng đám bạn trong buôn. Nhịp điệu của người đàn ông chưa đầy 30 tuổi ấy, buồn và xám xịt như bóng núi giữa những ngày mưa.
Trong ngôi nhà được dựng lên bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước là bề bộn của những quần áo cũ vứt bừa bãi, là mùi ngái chua của chăn mền lâu ngày chưa giặt.
Kơ Tría Ha Rông, người phụ nữ đã qua một đời chồng với bốn mặt con vừa mới bắt Ha Đông về làm chồng thứ hai, để bầu bạn hay là đỡ đần việc nương rẫy thì có lẽ mong muốn của chị cũng đã không thành. Ha Rông đau bệnh đã mấy tháng nay, Ha Đông thì ai gọi gì làm đó, nửa số tiền kiếm được đã dành cho việc mua rượu. Mảnh vườn mênh mông sau nhà lưa thưa vài cây điều cũ xác xơ, vườn dâu trọi lá vì ít chăm sóc, vài con gà bới tung tro mù mịt trong căn bếp chỏng chơ.
Chị trưởng thôn mà chúng tôi đi cùng nói, đứa con thứ hai của nhà Ha Đông đã bỏ đi mấy ngày rồi, chưa về. Ha Rông thì trả lời, nó đi với bạn, mấy ngày chán lại về ấy mà!
|
Vườn dâu ít lá là nguồn sống của 6 miệng ăn nhà Kơ Tría Ha Rông. |
“Hết gạo đã có Nhà nước lo”
Ở Đạ Tông, tìm những mảnh đời như Ha Đông không khó.
Người Đầm Ròn có đất, nhưng chịu thương chịu khó là điều gì đó xa xỉ. Sẽ thật có lỗi nếu nói cư dân bản địa nơi đây ỷ lại, nhưng gần 2/3 số dân là hộ nghèo và cận nghèo có lẽ là minh chứng rõ nhất.
Anh Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Đạ Tông, người gắn bó với mảnh đất này từ khi còn tham gia công tác Đoàn cũng chẳng giấu giếm thừa nhận: Đạ Tông có đổi thay chỉ nhìn từ bên ngoài thôi, nguồn vốn Nhà nước đổ về từ các chương trình đã làm cho bộ mặt của xã thật sự thay đổi, nhưng đời sống người dân vẫn còn bấp bênh lắm. Khổ nỗi, sự bấp bênh lại đến từ chính họ, từ sự trông chờ, ỷ lại.
Rơ Ông Ha Sâng là một người quen cũ, anh sống một mình vì vợ con đã bỏ về nhà bố mẹ. Trong căn nhà trống hoác thì vật dụng đắt giá nhất có lẽ là chiếc chăn bông nhận được từ một đoàn tài trợ nào đó. Sau những cơn say, nếu còn đủ tỉnh táo và sức khỏe cho phép, anh làm thuê công nhật để kiếm cơm, không ai thuê thì anh đan vài chiếc gùi để bán, đủ tiền mua rượu anh lại nghỉ để uống. Cuộc sống cứ thế trôi đi, cũng chẳng biết anh vui hay buồn, vì có cố gặng hỏi chắc anh cũng chẳng thể trả lời cho ngọn ngành. Chỉ biết đói no, cũng thường tình như con nước K’rông Nô ngoài kia, vơi đầy theo hai mùa mưa nắng.
Nhiều người bảo, dân Cill ở Đầm Ròn lạ lắm, chẳng thể đổi thay, họ vẫn sống như ngày xưa, như những ngày rừng già còn ban nhiều đặc ân, nếu đói thì dưới suối đã có cá, thèm thịt thì lên rừng đã con thú, có mớ rau.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông, dù thời gian không dài nhưng cũng đã gắn bó với mảnh đất này gần một nhiệm kỳ thẳng thắn thừa nhận: Thay đổi bộ mặt nông thôn, hạ tầng cơ sở thì dễ, nhưng để thay đổi tư duy thì phải mất rất nhiều thời gian.
Đâu ai xa lạ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng - Bon Yô Soan, một người Cill chính hiệu cũng phải lắc đầu: Khó lý giải lắm, người Kơ Ho, cụ thể là Kơ Ho Cill rất nhiều nơi đã thay đổi nhận thức, họ chịu khó làm ăn lắm, nhưng ở Đầm Ròn sự đổi thay là rất chậm.
|
Đàn ông và phụ nữ ở Đầm Ròn vẫn sưởi nắng vào mỗi sớm mai mà không lo cái đói. |
Suối Mẹ Ka Kông có còn hát ru...
Ở Đạ Long có một dòng suối nước nóng. Tương truyền: “Đã từ lâu, rất lâu rồi, khi mặt trời không có nhiều lửa như bây giờ để sưởi ấm thế gian. Trên đỉnh núi Mê Ka có người mẹ trẻ đang kỳ vượt cạn, không chồng, không người thân ở bên. Bốn bề hiu quạnh, khí trời lạnh lẽo, nên người đàn bà ấy gom vội mớ củi khô đặt trên ba hòn đá cuội để nhóm lửa, mong tìm chút hơi ấm cho đứa con chưa rõ hình hài chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời. Lạ thay, bếp lửa vừa mới nhóm lên, ngọn suối chảy ra từ chân núi bỗng ấm lên, thành suối nước nóng cho đến tận bây giờ”.
Có lẽ người Cill ở Ðầm Ròn tin thế, vẫn tin vào suối Mẹ có thể sưởi ấm họ qua những mùa trăng. Nên đàn ông vẫn tin là sẽ có rượu để ấm lòng dù không thường xuyên lên rẫy, phụ nữ vẫn bồng con sưởi nắng mỗi sớm mai mà không lo cái đói.
Chẳng biết có phải thế không, nhưng lũ trẻ ở Đầm Ròn đến mùa cà phê đỏ trái, mùa lau sậy trổ bông vẫn thường bỏ học, vì chúng nghĩ đi học đâu có nhiều tiền bằng ngày công hái thuê cà phê, lấy đót về làm chổi.
Người nghèo trong buôn đến ngày lĩnh tiền hỗ trợ học cho con thì cả làng mở hội, rượu, thịt ở mỗi phiên chợ thường không đủ để bán. Mỗi khi có đoàn từ thiện về, lũ trẻ xanh xao lại bấu víu theo cha mẹ, mắt sáng hơn vì những phần quà.
Vận động bà con thay đổi tư duy có khó không? Mang tâm tư ấy trải lòng với ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông, ông thừa nhận là khó.
Đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch UBND huyện - Liêng Hót Ha Hai: Liệu Đam Rông có thể chắc chắn cán đích vào thời điểm 2020 không? Câu trả lời của ông cũng buồn và xa xăm như mùa mưa Tây Nguyên: Chỉ biết nỗ lực và cố gắng thôi, chứ không dám nói trước!
Suối mẹ Ka Kông thì vẫn chảy, nhưng ngày ở Đầm Ròn thì dài lắm, thảng thốt và chơi vơi như tiếng chim lạc bầy.
(CÒN NỮA)
Phóng sự: T.LINH - C.THÀNH