(LĐ online) - Ngày 7/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đã chính thức công bố thông tin về cấp cứu thành công 1 trường hợp hy hữu không thể chuyển viện vì bệnh nhân bị chèn ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim ở trẻ em 3 tuổi.
(LĐ online) - Ngày 7/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đã chính thức công bố thông tin về cấp cứu thành công 1 trường hợp hy hữu không thể chuyển viện vì bệnh nhân bị chèn ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim ở trẻ em 3 tuổi.
|
Bệnh nhi đã được cứu sống nhờ sự nỗ lực hết mình của ê kip BS Cấp cứu và Nhi khoa của BV Hoàn Mỹ Đà Lạt. |
Cụ thể, vào sáng ngày 2/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đã cấp cứu thành công bệnh nhi T.N.H.A (3 tuổi, ngụ tại Đơn Dương) bị chèn ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim. Đây là tình trạng bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em, cần phải giải quyết cấp cứu kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Theo mẹ của bệnh nhân này cho biết: Cháu A. bị sốt cao liên tục 3 ngày trước đó, nhưng do người nhà chủ quan, nên đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, chỉ đến khi bé nôn ói, sốt vẫn không giảm thì người nhà mới đưa bé nhập viện tại Khoa Nhi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt vào ngày 29/4.
Qua thăm khám ban đầu cùng với những triệu chứng không đặc hiệu kết hợp cùng cận lâm sàng thường quy, bệnh nhi được chẩn đoán sơ bộ: Viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm. Đến sáng ngày 2/5 (ngày thứ 4 của điều trị), bệnh nhi xuất hiện thêm những triệu chứng như khó thở, nhịp thở nhanh nông, da niêm nhợt nhạt, sốt cao liên tục, nhịp tim nhanh, đều, tần số khoảng 150l/p, tiếng tim mờ. Nhận thấy được những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm tim, kết qủa phát hiện tràn dịch đa màng (tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, bề dày dịch khoảng 22 mm, có dấu hiệu đè sụp thất phải).
Bác sĩ Phan Văn Điền - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt cho biết, đây là một bệnh cảnh lâm sàng khá hiếm gặp trên bệnh nhi nói chung và là trường hợp đầu tiên tại Khoa Nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt nói riêng. Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa, các bác sĩ thống nhất hướng xử trí: Chọc tháo dịch màng ngoài tim để đưa bệnh nhi ra khỏi tình trạng nguy kịch. Dưới sự hướng dẫn của BS siêu âm Phạm Thị Như Hoa, thủ thuật được thực hiện bởi các BS Phan Văn Điền, BS Phan Nguyên Thảo, BS Chế Thị Ánh Tuyết.
Kết thúc thủ thuật, dịch màng ngoài tim được dẫn lưu khoảng 100ml màu vàng trong. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Nhi, sau vài giờ trẻ thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm dần, tổng lượng dịch được dẫn lưu là 350ml dịch vàng lẫn ít sợi fibrin, xét nghiệm dịch màng ngoài tim nhiều tế bào bạch cầu thể neutro, phản ứng rivalta dương tính. Xét nghiệm máu bạch cầu tăng rất cao, procalcitonin tăng cao.
Hiện bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp kháng viêm nonsteroid, sau 2 ngày bệnh nhi đã hết sốt, hết khó thở, ăn uống tốt, đã rút ống dẫn lưu và tình trạng ổn định.
AN NHIÊN