Câu chuyện về phượng tím

07:05, 16/05/2019

Cùng với các loài hoa đặc trưng khác, có thể nói rằng phượng tím đã "định danh" thành phố Ðà Lạt trong cả nước. Bởi, hễ cứ nhắc tới phượng tím là người ta lại nhắc đến Ðà Lạt. Mùa phượng tím Ðà Lạt đang đi vào chu kỳ cuối nở hoa, để lại biết bao lưu luyến, vấn vương trong lòng du khách và nhiều thế hệ người Ðà Lạt. 

Cùng với các loài hoa đặc trưng khác, có thể nói rằng phượng tím đã “định danh” thành phố Ðà Lạt trong cả nước. Bởi, hễ cứ nhắc tới phượng tím là người ta lại nhắc đến Ðà Lạt. Mùa phượng tím Ðà Lạt đang đi vào chu kỳ cuối nở hoa, để lại biết bao lưu luyến, vấn vương trong lòng du khách và nhiều thế hệ người Ðà Lạt. 
 
Phượng tím mang lại vẻ đẹp bâng khuâng, lãng mạn, phù hợp với Đà Lạt.
Phượng tím mang lại vẻ đẹp bâng khuâng, lãng mạn, phù hợp với Đà Lạt.
 
Phượng tím có ở Ðà Lạt từ bao giờ?
 
Người viết lên câu chuyện  phượng tím ở Đà Lạt là khi kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu (đã mất) mang hạt từ Pháp về Đà Lạt ươm mầm thành công và cho trồng thực nghiệm trên các con phố từ năm 1962. Tuy nhiên, chỉ có 3 cây sống sót, một cây trên dọc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (Chợ đêm Đà Lạt), một cây trồng ở Vườn hoa Bích Câu (gần Vườn hoa Đà Lạt) và 1 cây trước cổng vào Nhà hàng Thủy Tạ. 
 
Tuy cả 3 cây phượng tím phát triển tốt, có bông đẹp nhưng lại không có quả nên không có khả năng sinh sản tự nhiên. Kỹ sư Lương Văn Sáu trong những năm 90 thế kỷ trước đã nhiều lần tìm cách nhân giống loài cây này, nhưng phải mãi đến năm 1994, ông mới thành công bằng phương pháp chiết cành. Do bệnh tật nên ông đã truyền những bí quyết và công thức nhân giống loài hoa khó tính này cho một số kỹ sư với hy vọng phát triển loài hoa này. Một số nhà sinh học ở Đà Lạt đã lấy mầm của 3 cây phượng tím đầu dòng trên để tiếp tục tiến hành nhân giống loài cây này bằng phương pháp vô tính. Lứa giống đầu tiên được trao tặng và tổ chức trồng ở một số công ty, gia đình, công viên nhưng thất bại vì cây không ra bông. 
 
Các nhà sinh học của thành phố sau đó tiếp tục cải tiến kỹ thuật nhân giống vô tính thành công. Vào những năm đầu của thế kỷ 20,  phượng tím được Công ty Môi trường đô thị nhân giống đại trà, cấp phát, tổ chức trồng trên các tuyến đường, công viên, kể cả bán cho người dân và khu du lịch. Cây  phượng tím thích nghi khá tốt với khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt. 
 
Ngoài giống phượng tím được nhân giống từ những cây phượng của cố kỹ sư Lương Văn Sáu, hiện Đà Lạt còn có giống phượng tím được lấy giống từ Australia. Giống phượng này có hoa tím đậm hơn so với cây phượng tím của cố kỹ sư Lương Văn Sáu nhân giống và trồng, cũng góp phần làm cho mùa phượng tím Đà Lạt thêm rực rỡ. 
 
Tuy cùng loài với hoa phượng đỏ, nhưng phượng tím lại nở vào mùa xuân. Cứ sau khi mùa hoa mai anh đào Đà Lạt tàn, thì loài hoa phượng tím bắt đầu bung nở. Khác với mai anh đào chỉ nở rộ và rực rỡ trong khoảng gần 1 tháng thì phượng tím kéo dài vẻ đẹp tím ngát của mình tới 2, 3 tháng.
 
Loài hoa đặc trưng của Ðà Lạt
 
Khoảng hai chục năm trở lại đây, hoa phượng tím được tổ chức trồng có qui hoạch, theo cụm, theo tuyến đường, tại các cơ quan công sở, trường học… và người dân Đà Lạt cũng tích cực tham gia trồng loại cây này trước cổng, trong sân nhà, đã góp phần tạo nên tên tuổi và quảng bá vẻ đẹp của loài hoa này đến du khách gần xa. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận Đà Lạt là nơi đầu tiên trồng phượng tím ở Việt Nam.
 
Anh Lê Thoại, doanh nhân, ở thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt du lịch chia sẻ: “Tôi là một người yêu Đà Lạt. Hằng năm ít nhất có 4, 5 chuyến lên Đà Lạt để nghỉ dưỡng và chụp ảnh. Những năm gần đây, Đà Lạt xuất hiện thêm nhiều loài hoa, loài cây mới rất đẹp, nhưng theo tôi, phượng tím chính là loài hoa đường phố kết hợp che bóng mát để lại nhiều ấn tượng, hợp và đẹp nhất trong lòng du khách chúng tôi. Loài hoa này hiện tôi thấy đã được quy hoạch trồng rất đẹp ở một số con đường trung tâm thành phố như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ (gần khu Ấp Ánh Sáng)… 3 năm gần đây, hoa ra đều rất đẹp. Các anh em trong giới nhiếp ảnh chúng tôi, sau mùa mai anh đào thì giờ lại háo hức chờ đón mùa hoa phượng tím, để đưa bạn bè, vợ con lên chơi, ngắm hoa và chụp ảnh”.
 
Hay như chị Nguyễn Ái Lệ ( Phú Yên) chia sẻ: “Phượng tím theo tôi được biết là loài hoa biểu tượng của Đà Lạt. Loài hoa này rất hợp với vẻ đẹp lãng mạn, bâng khuâng của Đà Lạt. Tôi học ở Đà Lạt và hiện đang sống và làm việc tại đây, tổng cộng thời gian cũng đã được 5 năm. Khi còn là sinh viên, mùa phượng tím nào các bạn sinh viên trường tôi cũng rủ nhau cùng đi ngắm, chụp hình làm kỷ niệm. Giờ có một số nơi cũng mua phượng tím Đà Lạt về trồng và ra bông nhưng tôi thấy không ở đâu đẹp bằng ở Đà Lạt. Vả lại, cứ đi đâu, mà nhìn thấy cây phượng tím là tôi và các bạn lại nhớ ngay đến Đà Lạt”.
 
Là một người Đà Lạt, cô Trần Thị Hồng (54 tuổi, Phường 1, Đà Lạt) kể: “Hồi nhỏ cô cũng chỉ biết có 3 cây phượng tím đầu tiên thôi. Thời gian trôi qua, phượng tím giờ được nhân giống thành công và trồng khắp nơi, đến mùa hoa nở tuyệt đẹp đến cô mà còn thấy mê. Nhiều khi đi chợ sớm, cứ đứng ngắm mấy hàng phượng trước chợ mà thấy bâng khuâng và thêm yêu thành phố mộng mơ này”.
 
Theo cô Hồng, phượng tím bây giờ đối với Đà Lạt không chỉ đơn thuần là một loài hoa đẹp nữa mà nó còn là một cái gì đó gần như “máu thịt” với những người Đà Lạt. Mỗi sáng đi chợ, hay mỗi chiều đi thể dục quanh hồ Xuân Hương, ngang mấy gốc phượng tím là như thấy cả bầu trời Đà Lạt. “Có lẽ vì vậy mà người Đà Lạt ai cũng quí và yêu phượng tím” - cô Hồng chia sẻ.
 
Có lẽ cũng vì phượng tím được yêu quí như thế nên vào đầu tháng 5 vừa qua, nhiều người Đà Lạt và du khách phương xa đã thể hiện sự bàng hoàng, tiếc nuối khi nghe tin cây phượng tím đầu dòng ở phía trước Thủy Tạ do cố kỹ sư Lương Văn Sáu trồng đã bị mưa bão quật đổ gẫy mất gốc. Nhiều người tiếc thương, bởi đây là cây lâu năm và là một trong 3 cây phượng đầu dòng góp phần nhân giống ra biết bao nhiêu thế hệ những cây phượng hiện nay ở thành phố này,  để rồi góp phần định danh tên tuổi cho một loài hoa đặc trưng mà mỗi khi nhắc tới biết ngay đó là Đà Lạt. Lại thêm một câu chuyện đầy ý nghĩa nữa vào những chuyện về cây phượng tím khi chính quyền TP Đà Lạt đã hiểu được nỗi lòng của người dân và du khách, rất nhanh chóng cho trồng một cây phượng khác vào vị trí cây phượng vừa bị quật đổ. Những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội thể hiện sự nuối tiếc gốc phượng đầu dòng lại được viết tiếp bằng sự vui mừng, hy vọng khi cây phượng mới được trồng vào như một sự tiếp nối và kế thừa, phát triển của loài hoa mang bản sắc riêng có của Đà Lạt.
 
N.THI - D.THƯƠNG