Các dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

08:05, 21/05/2019

Với sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước của cộng đồng các dân tộc, trong thời gian qua, huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội...

Với sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước của cộng đồng các dân tộc, trong thời gian qua, huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Nhân Ðại hội Ðại biểu các DTTS huyện Lạc Dương lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương về kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. 
 
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình dân tộc và vùng đồng bào DTTS huyện Lạc Dương hiện nay ra sao?
 
Đồng chí Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.
Đồng chí Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.
Đồng chí Cil Poh: Lạc Dương là địa phương có 20 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 71,5% dân số toàn huyện, đông nhất là dân tộc K’Ho, cùng các dân tộc khác như Mường, Chăm, Tày, Thái, Hoa, Nùng… Việc xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, từ đó đã tạo sự tin tưởng trong Nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và tôn giáo. Đặc biệt, an ninh nông thôn, an ninh vùng đồng bào DTTS ổn định, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
 
PV: Kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Cil Poh: Trong giai đoạn 2014 - 2019, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đã huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Từ đó, góp phần không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. 
 
Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch theo Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS huyện Lạc Dương lần thứ II năm 2014, cụ thể: Đến nay, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm huyện và trụ sở làm việc; 100% xã có trạm y tế và 83,3% đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã có điện lưới quốc gia; hệ thống thông tin liên lạc được phủ rộng khắp, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,8%, tỷ lệ hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh 97%; tỷ lệ hộ dân được nghe, xem đài 100%; 100% đồng bào DTTS nghèo được cấp thẻ BHYT. Tỉ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 7,2% (bình quân hàng năm giảm từ 3 - 4%). Duy trì 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường; trẻ em suy dinh dưỡng còn 14%, giảm 2,89% so với năm 2014. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2014, bình quân mỗi xã đạt 9,8 tiêu chí, đến nay đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Đạ Sar, Đạ Nhim, xã Lát) và xã Đạ Chais đạt 16/19 tiêu chí, xã Đưng K’Nớ đạt 12/19 tiêu chí. Hoàn thành chương trình 135 đối với 4/5 xã. 
 
Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào DTTS như chính sách vay vốn ưu đãi đối với hộ đồng bào DTTS tại địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập. Đặc biệt, chính sách giao khoán bảo vệ rừng và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào DTTS được huyện triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương. Thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS nên kinh tế - xã hội vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Trong giai đoạn 2014 - 2019, huyện đã thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới để ổn định nơi ở cho đồng bào DTTS, như Khu dân cư Đưng K’Si, Khu dân cư Đạ Nhim và Khu dân cư Đưng K’Nớ. Các khu dân cư mới đã góp phần thực hiện chính sách về đất ở, nhà ở đối với các hộ đồng bào DTTS theo chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước.
 
Hầu hết đường vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của huyện Lạc Dương đã được trải thảm nhựa. Ảnh: T.Hương
Hầu hết đường vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của huyện Lạc Dương đã được trải thảm nhựa. Ảnh: T.Hương
 
PV: Vậy mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Cil Poh: Mục tiêu chung của việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 là nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS huyện Lạc Dương một cách toàn diện, bền vững. Trong đó, huy động nhiều nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng đô thị với vùng nông thôn; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn và nâng cao đời sống người dân. Tăng cường củng cố hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS, tạo môi trường ổn định, phát triển bền vững. 
 
Để làm được điều này, huyện Lạc Dương đề ra nhiệm vụ và giải pháp sau: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và vận động đồng bào DTTS tích cực, chủ động tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2020 - 2025. Tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ canh tác của người DTTS. Tiếp tục thực hiện hiệu quả giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ DTTS để tăng thu nhập và quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng. Tổ chức sắp xếp lại các đơn vị trường học phù hợp với chủ trương chung và điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh DTTS. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sỹ, nhất là tuyến cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, có đông người đồng bào DTTS sinh sống. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát huy tốt tính cộng đồng, tự quản, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự trong vùng DTTS. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS…
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn! 
 
TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)