Gần 70 tuổi, già làng Cil Yũ Ha Giảng - thôn Liêng Bông (xã Ðạ Nhim, huyện Lạc Dương) vẫn rảo đều bước chân đến tận từng nhà khắp buôn làng để vận động bà con đồng bào DTTS nghe điều hay, làm việc tốt. Ông là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ðạ Nhim hôm nay.
Gần 70 tuổi, già làng Cil Yũ Ha Giảng - thôn Liêng Bông (xã Ðạ Nhim, huyện Lạc Dương) vẫn rảo đều bước chân đến tận từng nhà khắp buôn làng để vận động bà con đồng bào DTTS nghe điều hay, làm việc tốt. Ông là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ðạ Nhim hôm nay.
Già làng Cil Yũ Ha Giảng. Ảnh: T.Hương |
Đời sống này có được bởi sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của người dân và không thể thiếu vai trò của các già làng, trưởng thôn. Già làng Ha Giảng được xem như một trong những người có những đóng góp đáng kể cho sự đổi thay ấy. Trước kia, khi đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã, Ha Giảng luôn trăn trở khi thấy cuộc sống bà con trong vùng còn nhiều khó khăn bởi tập tục canh tác lạc hậu. Ngô, khoai, sắn không đủ làm no cái bụng, nói gì đến chuyện làm kinh tế. Bằng những kinh nghiệm thực tế khi đi học hỏi các nơi, Ha Giảng cùng Đảng ủy, chính quyền xã vận động bà con thay đổi cơ cấu cây trồng. Những vườn cà phê xanh tốt dần hiện hữu trên mảnh đất màu mỡ, đồng bào DTTS bắt đầu biết đến cây rau màu có giá trị kinh tế hơn khoai, sắn trước đây.
Về nghỉ hưu, Ha Giảng tiếp tục tham gia công tác mặt trận thôn, được người dân tín nhiệm làm trưởng thôn và xem như già làng của thôn Liêng Bông. Từ khi đó, trong thôn không có những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống, bởi vị trưởng thôn, già làng Ha Giảng luôn vận dụng những phong tục, tập quán để giải quyết thấu tình, đạt lý. Ông cũng là người vận động, tuyên truyền người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để công tác tuyên truyền pháp luật đến bà con ngày càng hiệu quả, già làng Ha Giảng thường xuyên cập nhật các quy định mới để phổ biến cho người dân.
Đặc biệt, ông là người tích cực trong công tác vận động học sinh tham gia học tập. Khi ấy, trong thôn tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thường xuyên, tỷ lệ học sinh chưa đến trường còn nhiều. Với uy tín của mình, già làng Ha Giảng vào tận từng nhà giải thích, vận động người dân quan tâm đến việc học của con em cũng như động viên các cháu phấn đấu vươn lên trong học tập. Do vậy, những năm gần đây, trong xã không có tình trạng học sinh bỏ học, đa số trẻ em trong độ tuổi đều đến trường.
Với Ha Giảng, “còn sức là mình còn làm, làm sao để bà con nâng cao nhận thức trong sản xuất, trong chăm lo việc học cho con cái để nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho đồng bào DTTS cũng như ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Thôn Liêng Bông có nhiều hộ thiếu đất sản xuất, do đó bà con phải đi làm thuê, làm mướn, đời sống khó khăn. Sau khi nhận thấy lợi thế và hiệu quả của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, bà con có nguyện vọng được vay vốn phát triển trồng trọt. Qua đề xuất của già làng Ha Giảng, Chi bộ thôn đã tham mưu lên Đảng ủy xã nghiên cứu, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng trọt. Qua đó, Hội Nông dân xã tiến hành tín chấp cho hội viên vay vốn và phối hợp tập huấn quy trình sản xuất cho các hộ. Đến nay, nhiều mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao trong thôn phát huy hiệu quả kinh tế cao.
“Đạ Nhim là xã với trên 86% đồng bào DTTS, trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của các già làng, trưởng bản. Ha Giảng là một trong những già làng được bà con tín nhiệm, ông luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của bà con cũng như những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư. Từ đó, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, MTTQ xem xét, giải quyết. Ông đã đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc cũng như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Nhim - Kơ Să K’Kim cho biết.
VIỆT HÙNG