Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Di Linh là trường phục vụ giáo dục 3 xã vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu. Trường có từ 50% đến trên 60% học sinh (HS) và có đến 43% giáo viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ lớn nhất trong ngành giáo dục THPT tỉnh Lâm Ðồng.
Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Di Linh là trường phục vụ giáo dục 3 xã vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu. Trường có từ 50% đến trên 60% học sinh (HS) và có đến 43% giáo viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ lớn nhất trong ngành giáo dục THPT tỉnh Lâm Ðồng.
|
Trường THPT Nguyễn Huệ giờ HS ra chơi. Ảnh: Đ.Phan |
Ðối diện nhiều khó khăn
Trường THPT Nguyễn Huệ vốn hình thành từ mô hình lớp nhô của Trường THCS xã Tân Nghĩa. Năm học 2006-2007, Trường thành lập để đáp ứng yêu cầu giáo dục bậc THPT của 3 xã Tân Lâm, Tân Nghĩa và Đinh Trang Thượng. Tiếp tôi là Hiệu trưởng Phạm Ngọc và Hiệu phó Cao Xuân Tuấn. Anh Ngọc là một trong số 16 cán bộ, giáo viên (CBGV) không cư trú trên địa bàn nơi Trường đứng chân, hàng ngày đi 20 km mới đến Trường. Trong số 36 CBGV, gần 50% có nhà ở cách xa nơi công tác, gần nhất là 5 km, xa nhất 50 km, tận huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà. Đối với HS DTTS, chủ yếu là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên; có nhiều HS nhà ở rất xa trường (xa nhất là 20 km), nhưng nhà trường không có cơ sở lưu trú. Năm học 2018-2019 có hơn 50% HS DTTS và năm học 2017-2018 lên đến 63% đối tượng này. Thực hiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ HS khó khăn, Trường THPT Nguyễn Huệ có hơn 10% thuộc đối tượng Nghị định 116 của Chính phủ (thôn đặc biệt khó khăn); 2,66% thuộc hộ nghèo và gần 1,0% thuộc hộ cận nghèo… Trong số 28 GV đang đứng lớp, Trường THPT Nguyễn Huệ có tới 12 người là đồng bào DTTS, chiếm 43%.
Về cơ sở vật chất, mặc dù nhà trường mới xây thêm một số hạng mục, tổng diện tích 7.000 m2, tuy nhiên vẫn còn thiếu phòng học bộ môn và sân bãi thực hiện giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Cũng là khó khăn khách quan chi phối không nhỏ đến nhà trường, đó là các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường và có xu hướng gia tăng; tình hình an ninh trật tự còn nhiều phức tạp. Trong lúc, một số HS có ý thức tổ chức kỷ luật, động cơ và thái độ học tập chưa tốt; một số cha mẹ HS chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình, còn có tư tưởng ỷ lại, phó thác cho nhà trường.
Vậy trong điều kiện đó, trường tổ chức hoạt động dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng, trong đó đặc biệt là giáo dục HS DTTS; vấn đề này được chúng tôi đặt ra với Ban giám hiệu nhà trường. Hiệu trưởng Phạm Ngọc chia sẻ: Mùa thu hoạch cà phê, nhà trường chấp nhận HS nghỉ học (nếu không cho các em vẫn nghỉ), sau đó Trường tổ chức phụ đạo kiến thức cho số HS này. “Có những năm tuyển sinh không đủ đầu năm, sau khi năm học đã diễn ra, nhà trường tiếp tục tuyển và tổ chức dạy đuổi cho số HS này để kịp theo chương trình”, anh Ngọc nói. Qua chia sẻ của các anh, tôi hiểu, bằng mọi hình thức, tập thể Trường THPT Nguyễn Huệ nỗ lực khắc phục để cố gắng tạo điều kiện cho HS của mình học hết chương trình THPT. Câu chuyện duy trì sĩ số ra lớp đối với một trường còn chịu ảnh hưởng nhiều trở ngại khó khăn như vậy dĩ nhiên không thể cứng nhắc tính bằng tháng là điều cần chia sẻ.
Nỗ lực không ngừng của tập thể
Vấn đề cốt lõi là tạo được môi trường giáo dục thân thiện, cả ý nghĩa tình thương và sức hấp dẫn. Vì vậy, trước hết là sự phấn đấu, tâm huyết của đội ngũ CBGV. Đến nay, 100% CBGV đều đạt chuẩn, trong đó có hai người đạt trên chuẩn. Hiệu trưởng Phạm Ngọc cũng chân tình chia sẻ rằng, đối với GV là người DTTS, mặc dù đã không ngừng phấn đấu nhưng cũng phải nỗ lực nhiều hơn so với các trường khác. Hoạt động trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tri thức giữa các GV; giao lưu học hỏi, tham gia thi chuyên đề trong cụm trên địa bàn huyện và học tập lẫn nhau qua Internet,… được Trường THPT Nguyễn Huệ luôn chú trọng. Cùng đó là sự đoàn kết, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, các phong trào về chất lượng - hiệu quả dạy và học, hiệu quả về công tác quản lý, chỉ đạo... được duy trì một cách thực chất, không chạy theo hình thức.
Hiệu trưởng Phạm Ngọc chia sẻ thêm: Những năm trước, phụ huynh gửi con ra trường thị trấn nhưng mấy năm nay họ đã để con học Trường Nguyễn Huệ. Đây là điều đáng ghi nhận và chia vui với nhà trường; tập thể đã khẳng định được chất lượng giáo dục để không phải còn “ăn đong” vào mùa tuyển sinh. Hiệu phó Cao Xuân Tuấn cho tôi biết một số kết quả rất đáng phấn khởi. Năm học 2017-2018, nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” với số điểm thi đua 95/100; 100% cá nhân hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1 GV giỏi cấp tỉnh; 9 GV giỏi cấp trường; 8 HS giỏi cấp tỉnh và 3 HS đoạt giải cấp tỉnh Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới. Về hạnh kiểm, 4,99% loại Giỏi; 32,85 loại Khá; 48,86% loại Trung bình và 13,1% loại Yếu. Về học lực, 61,33% loại Tốt; 29,11% loại Khá; 7,28% loại Trung bình và 2,29% loại Yếu. Năm học 2018-2019, tổng số HS là 451 em với 15 lớp. Đến thời điểm này, các danh hiệu thi đua của tập thể và cá nhân CBGV vẫn được giữ vững. Có 3 HS khối 11 đạt HS giỏi cấp tỉnh với 1 giải nhì và 2 giải ba các môn Sử, Địa; có 2 HS khối 10 đoạt giải tỉnh cuộc thi về An toàn giao thông. Hạnh kiểm: 66,96% loại Tốt; 25,9% loại Khá; 5,09% loại Trung bình; 1,99% loại Yếu. Học lực: 7,76% loại Tốt; 35,69% loại Khá; 41,46% loại Trung bình và 15,07 loại Yếu. Sự nỗ lực của tập thể Trường THPT Nguyễn Huệ đã và đang ngày càng nhận nhiều niềm tin yêu từ xã hội; trong đó, thành quả đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và vùng sâu là hết sức đáng trân trọng.
ÐẠO PHAN