Dù mỗi người ở những cương vị khác nhau, nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình, họ luôn nỗ lực vượt khó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng đất Lâm Hà thêm trù phú.
Dù mỗi người ở những cương vị khác nhau, nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình, họ luôn nỗ lực vượt khó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng đất Lâm Hà thêm trù phú.
Bà Triệu Thị Sa |
Năm 1990, bà Triệu Thị Sa, dân tộc Tày rời quê hương cách mạng Cao Bằng, chuyển công tác theo gia đình vào xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà lập nghiệp. Sau 37 năm gắn bó với nghề “trồng người”, tháng 12/2015, bà Triệu Thị Sa về nghỉ hưu theo chế độ. Trở về với cuộc sống đời thường, bà Sa được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ thôn Thanh Bình, là người có uy tín tiêu biểu, thành viên của UBMTTQ xã Tân Thanh, Ủy viên UBMTTQ huyện Lâm Hà, Ủy viên UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng và là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, Nhóm trưởng Nhóm Phát triển cộng đồng…
Với vai trò, trách nhiệm của người có uy tín tiêu biểu, bà Triệu Thị Sa luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để làm “cầu nối” giữa người dân với Đảng và Nhà nước. Bà gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động bà con lối xóm cùng chung tay xây dựng nông thôn mới; thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vì người nghèo”... Tăng cường tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới và tang lễ; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; giữ gìn an ninh trật tự; đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.
Những năm qua, bà Triệu Thị Sa đã vận động Nhân dân trong thôn tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí trên 1,1 tỷ đồng để đối ứng làm đường bê tông với chiều dài là 3,4 km, san gạt mặt đường chiều dài khoảng 1.500 m, rộng 5 m; đổ đá cấp phối và đất làm đường xóm; mở rộng nâng cấp đường Xóm 3 với chiều dài 1.000 m, rộng 6 m. Ngoài ra, bà vận động nhân dân Xóm 3 đóng góp 32 triệu đồng kéo đường điện sinh hoạt cho các hộ dân; đóng góp xây dựng quỹ đội tự quản trên 22 triệu đồng; vận động Nhân dân đóng góp 5,4 triệu đồng để san ủi sân vận động của thôn và huy động khoảng 547 ngày công để trồng hoa cỏ lạc, làm sân bê tông hội trường thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm... Nhờ vậy, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, việc sinh hoạt, đi lại của bà con được thuận tiện hơn.
Bà Triệu Thị Sa cho biết, cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, luôn là hạt nhân của mọi phong trào để vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phát huy nội lực, nâng cao ý thức học hỏi, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao dân trí gắn với việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương...
Với sự đồng lòng, đoàn kết của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế và nông thôn mới, từ năm 2014 đến nay, thôn Thanh Bình liên tục đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện, được huyện khen thưởng.
Anh Bế Ngọc Giới |
Năm 1993, anh Bế Ngọc Giới cũng từ Cao Bằng theo bố mẹ vào xã Phi Tô lập nghiệp, sau đó lập gia đình rồi ra ở riêng. Anh Giới chia sẻ, giống như bao bà con khác, những ngày đầu ở vùng quê mới, cuộc sống của gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài trồng khoai mì, bắp, lúa để lấy ngắn nuôi dài phát triển cây cà phê, thời gian rảnh gia đình anh còn đi làm thuê, làm mướn để tăng thêm thu nhập.
Từ hai bàn tay trắng, sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, gia đình anh Bế Ngọc Giới đã phát triển được 3,5 ha cà phê. “Trước đây, gia đình tôi cũng như bà con trên địa bàn xã Phi Tô nói riêng và huyện Lâm Hà nói chung, trồng cà phê chỉ theo phong trào, chưa chú trọng đến khâu tuyển chọn giống, vì vậy năng suất thấp. Trước năm 2009, sản lượng cà phê cao nhất của gia đình tôi chỉ đạt khoảng 7 tấn nhân/3 ha”.
Anh Giới luôn trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao năng suất cà phê trên một đơn vị diện tích. Ngoài thay đổi tư duy canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì yếu tố chuyển đổi, ghép cải tạo cà phê giống mới là hướng đi tích cực trong hành trình phát triển kinh tế của gia đình anh Giới. Vì vậy, anh Bế Ngọc Giới đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, đi tham quan các mô hình cà phê ghép chồi tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Năm 2009, gia đình anh đã mạnh dạn mua trên 3.000 chồi ghép giống cà phê Thiện Trường với giá 1.000 đồng/chồi, về ghép cho 1.000 cây cà phê đang kinh doanh. Sau một năm, anh Giới nhận thấy chồi ghép phát triển vượt trội hơn hẳn so với cây cà phê giống cũ, nên gia đình anh đã mạnh dạn ghép cải tạo toàn bộ diện tích còn lại.
Sau 2 năm ghép cải tạo, vườn cà phê của gia đình anh Giới phát triển tốt và cho năng suất cao. Năm 2012, sản lượng cà phê của gia đình anh Bế Ngọc Giới đạt 9 tấn nhân/3ha; năm 2013, sản lượng tăng lên 14 tấn nhân/3 ha.
Với hiệu quả kinh tế đạt được đã tạo động lực cho gia đình anh chăm bón, quản lý tốt sâu bệnh hại, tận dụng vỏ cà phê ủ với phân chuồng để bón cho cây vừa cải tạo, bổ sung lượng dinh dưỡng cho đất. Nhờ vậy, vườn cà phê của gia đình anh Giới luôn cho năng suất ổn định với sản lượng đạt từ 15 - 18 tấn nhân/3 ha/năm.
“Từ mô hình ghép cải tạo cà phê của gia đình tôi, nhiều gia đình khác trong thôn, trong xã, kể cả một số địa phương lân cận và từ tỉnh Đắk Nông cũng về đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Gia đình tôi đã hỗ trợ chồi ghép, hướng dẫn kỹ thuật ghép, kinh nghiệm thực tế cho nhiều bà con nông dân xung quanh. Thời gian 2012 - 2013, gia đình hỗ trợ hơn 20.000 chồi ghép cho bà con trong thôn”, anh Bế Ngọc Giới phấn khởi.
Không dừng lại ở đó, nhằm đa dạng và nâng cao nguồn thu nhập, năm 2016 gia đình anh Bế Ngọc Giới đã chuyển đổi 0,5 ha cà phê Catimor kém năng suất sang trồng 550 trụ tiêu; mạnh dạn tận dụng diện tích đất trống để trồng 600 cây chanh không hạt xen với 200 cây mắc ca, đến nay những mô hình này đều phát triển rất tốt và cho năng suất ổn định.
Nhờ nỗ lực trong lao động sản xuất, tiên phong trong việc chuyển đổi giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2014 gia đình anh Bế Ngọc Giới đã xây dựng ngôi nhà 3 tầng rất khang trang, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn.
Thầy giáo Ha Suê |
Thầy giáo Ha Suê, giáo viên Trường Tiểu học Lán Tranh 1, xã Liên Hà, là người dân tộc Kơ Ho sinh ra và lớn lên trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió và đã có 12 năm gắn bó với công tác dạy và học ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Anh Ha Suê cho biết, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các vùng phát triển đã khó, đối với những vùng khó khăn có đông học sinh DTTS như xã Liên Hà thì lại càng khó khăn hơn. Bởi phần lớn điều kiện kinh tế gia đình học sinh ở đây còn nhiều khó khăn, tư duy canh tác còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cây cà phê, mà giá cả cà phê trên thị trường không ổn định, thu nhập thấp dẫn đến mức sống không đảm bảo, nhiều gia đình phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống, nên họ ít hoặc không quan tâm đến việc học tập của con cái. Mặt khác, do gia đình đông con, bố mẹ chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của việc học tập, họ cho rằng “học để làm gì, học rồi có việc làm đâu”, nên cho các em nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, vốn ngôn ngữ và khả năng giao tiếp tiếng phổ thông của học sinh DTTS còn hạn chế, nên cũng được xem là một trong những khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức của các em; tạo tâm lý rụt rè, nhút nhát, chưa mạnh dạn, thiếu tự tin trong mọi hoạt động, học tập, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít con em học sinh DTTS bỏ học.
Trước thực trạng trên, những năm qua, thầy giáo Ha Suê luôn trăn trở làm thế nào để học sinh DTTS đi học đều, không bỏ học; làm thế nào để các em tiếp thu kiến thức một cách vững chắc và theo kịp với các bạn cùng lớp; biện pháp nào để giúp các em có được sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, trong thực hành vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống… “Sau nhiều năm giảng dạy và được trải nghiệm thực tế, tôi đã mạnh dạn thực hiện một số biện pháp cụ thể trong công tác dạy và học, giáo dục học sinh nói chung và học sinh dân tộc gốc Tây Nguyên nói riêng được năng động hơn. Ngoài năng lực chuyên môn, người giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, có tâm huyết, tự giác, tận tụy với công tác giảng dạy và giáo dục học sinh; phải gần gũi, quan tâm và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh; tìm hiểu tâm lý, sở thích và năng lực của từng em để có những phương pháp giáo dục phù hợp”, thầy giáo Ha Suê chia sẻ.
Ngoài việc nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng, thầy giáo Ha Suê còn chú trọng đến việc khảo sát, phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của từng em để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo; luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh chậm tiếp thu bài giảng. Đồng thời, thầy Ha Suê thường xuyên tăng cường Tiếng Việt cho các em bằng cách sử dụng các phương pháp gợi mở, vấn đáp, thực hiện nhiều trò chơi “học mà chơi, chơi mà học”, dạy học song ngữ trong giải nghĩa từ, kiến thức để các em dễ hiểu, thu hút các em tham gia học tập, từ đó tạo sự hứng thú, giúp các em mạnh dạn, tự tin, đồng thời tích lũy vốn từ cần thiết cho mỗi học sinh. Thầy còn thường xuyên thực hiện giao lưu Tiếng Việt cho học sinh DTTS, tổ chức và vận động các em tham gia các hoạt động Đội, hoạt động tập thể để có thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích, xây dựng môi trường học tập thân thiện, bình đẳng.
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, thầy giáo Ha Suê thường xuyên phối hợp cùng với nhà trường và địa phương, nhất là với các đoàn thể ở thôn, buôn tích cực tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, đi học đều và không nghỉ học.
Trải qua 12 năm công tác, niềm vui lớn nhất của thầy giáo Ha Suê đó là học sinh người DTTS gốc Tây Nguyên do thầy giảng dạy không có em nào bỏ học. Thầy giáo Ha Suê vinh dự được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh...
NDONG BRỪM