Hỗ trợ các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn

07:05, 10/05/2019

Các đơn vị sở, ngành, địa phương đã và đang hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong tỉnh xây dựng, áp dụng một số mô hình tiên tiến đạt chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP). 

Các đơn vị sở, ngành, địa phương đã và đang hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong tỉnh xây dựng, áp dụng một số mô hình tiên tiến đạt chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP). 
 
Ra mắt mô hình ATTP thức ăn đường phố ở tuyến đường Phan Đình Phùng - Phường 2 - Đà Lạt. Ảnh: An Nhiên
Ra mắt mô hình ATTP thức ăn đường phố ở tuyến đường Phan Đình Phùng - Phường 2 - Đà Lạt.
Ảnh: An Nhiên
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình hỗ trợ VietGAP và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đã đem lại kết quả khả quan. Cụ thể, sản xuất theo VietGAP toàn tỉnh đã có 1.223 ha rau; chè 302 ha; cây ăn quả 236 ha; lúa 330 ha; cà phê: 4C, UTZ, Rainforet có 56.880 ha và 4 vùng chăn nuôi heo theo VietGAHP với 50 tổ hợp tác có 718 hộ, quy mô 67.882 con heo, sản lượng khoảng 14.339 tấn.
 
Năm 2018, chương trình hỗ trợ VietGAP cho 84 hộ trồng rau, bơ, đương quy, mắc ca, magic S tại các huyện: Bảo Lâm, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc với tổng diện tích 176,55 ha.
 
Đồng thời, trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, hiện nay toàn tỉnh thống kê có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 13.148 hộ nông dân. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm. 
 
Nhờ áp dụng chương trình này, hiện nay, toàn tỉnh đã có 8,2% sản lượng rau; 1,77% sản lượng hoa; 10,1% sản lượng cà phê; 17,23% sản lượng chè; 97% sản lượng sữa tươi và 30,4% sản lượng thịt heo hơi được tiêu thụ qua hợp đồng. Các sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi, đặc biệt đối với các sản phẩm rau, củ, quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp có tăng giá trị sản phẩm cao hơn 20% -25%.
 
Theo kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 -2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng 66 chuỗi, trong đó cấp tỉnh xây dựng 6 chuỗi, cấp huyện xây dựng 60 chuỗi. 
 
Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện việc xác nhận ATTP cho 4 chuỗi rau của các doanh nghiệp: Công ty Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng, HTX Toàn Thắng, HTX Nam Sơn, Công ty TNHH VietFarm. Trên địa bàn tỉnh đã có 21 công ty, HTX thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm rau, củ, quả.
 
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các huyện tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tập huấn mạng lưới thú y cấp xã; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản cho 1.533 cán bộ kỹ thuật địa phương và nông hộ. Tập huấn nâng cao kiến thức ATTP, nâng cao năng lực xây dựng chuỗi giá trị cho 452 người là cán bộ các cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. 
 
Ngành Y tế xây dựng mô hình điểm quản lý ATTP tuyến cơ sở tại huyện Đơn Dương. Phối hợp với UBND huyện Đơn Dương thực hiện Quyết định số 1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020; triển khai mô hình điểm ATTP tuyến cơ sở... 
 
Trong năm 2018, ngành Y tế tổ chức 40 lớp tập huấn, xác nhận kiến thức về ATTP cho các đối tượng là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh với 2.039 người. Tập huấn về kiến thức ATTP cho các hội viên Hội Phụ nữ với 649 người và 73 chị kinh doanh thức ăn đường phố tham gia xây dựng mô hình điểm về “ATTP với thức ăn đường phố”. Tập huấn cho 460 nhân viên y tế trường học và 123 nhân viên trạm y tế về chuyên đề ATTP. Tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP cho người tham gia nấu ăn tại các bếp ăn tập thể trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh với 1.305 học viên...
 
Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng 2 mô hình “An toàn thực phẩm với thức ăn đường phố” tại TP Đà Lạt. Hội LHPN cơ sở đã xây dựng và duy trì 21 mô hình về ATTP. Trong đó, có 13 mô hình trồng rau an toàn; 4 mô hình “Phụ nữ sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, bán hàng đảm bảo chất lượng”; 2 mô hình “Tổ liên kết chế biến cà phê sạch, chất lượng cao”; 2 mô hình “An toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ em”. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn 7 lớp chuyên đề về ATTP cho 640 cán bộ Hội các cấp và 15 lớp cho 1.470 hội viên phụ nữ. Tập huấn kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, bình đẳng giới trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông sản; hội thảo ATTP với sức khỏe phụ nữ và trẻ em; cuộc thi Ý tưởng truyền thông về ATTP. Thực hiện nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ về ATTP cho 115.250 lượt hội viên phụ nữ về các nội dung: sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn, thực hiện tốt quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa ngộ độc nấm. Đồng thời, tổ chức các hội thi: “Phụ nữ với thực phẩm an toàn”; “Bữa ăn an toàn”, “Lễ hội bánh”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, tọa đàm về ATTP thu hút hàng ngàn hội viên phụ nữ tham gia.
 
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATTP được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, góp phần thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thực phẩm an toàn. Việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, các mô hình đảm bảo ATTP, diện tích sản xuất theo VietGAP, 4C, UTZ, HACCP… có tiến bộ, được người dân hưởng ứng tham gia tích cực. Nhờ vậy, đến nay, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích sản xuất theo VietGAP đứng đầu cả nước; một số nông sản thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu ATTP. Việc liên kết tiêu thụ nông sản an toàn với TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… đã mang lại kết quả tốt, nhiều sản phẩm của Lâm Đồng đã được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông sản thực phẩm phát triển mạnh.
 
AN NHIÊN