Ðến cuối năm 2018 - tức một nửa chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lạc Dương được đánh giá là một trong những địa phương có mức giảm nghèo cao trong toàn tỉnh, với tỷ lệ bình quân mỗi năm giảm 3,1% (trong khi tỷ lệ chung của tỉnh là 1,27%).
Ðến cuối năm 2018 - tức một nửa chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lạc Dương được đánh giá là một trong những địa phương có mức giảm nghèo cao trong toàn tỉnh, với tỷ lệ bình quân mỗi năm giảm 3,1% (trong khi tỷ lệ chung của tỉnh là 1,27%).
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành ở Lạc Dương, góp phần nâng cao thu nhập cũng như chất lượng đời sống Nhân dân |
Tập trung đồng bộ các dự án hỗ trợ
Lạc Dương là huyện còn nghèo của tỉnh, với 71,57% dân số là người đồng bào DTTS. Huyện có 3 xã (gồm Đạ Chais, Đưng K’Nớ và xã Lát) với 12 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi được thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Chương trình tại huyện Lạc Dương thuộc ngân sách Trung ương là 15.127 triệu đồng. Trong đó, gồm: 11.846 triệu đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; 3.038 triệu đồng mua phân bón, giống cây trồng và vật nuôi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn; 112 triệu đồng hỗ trợ mô hình thâm canh cây cà phê, mua phân bón, mua bò cái vàng cho các hộ dân tại các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; 63 triệu đồng hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin; 68 triệu đồng hỗ trợ nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Cil Poh: Sau 3 năm, việc người nghèo, cận nghèo trong huyện được hưởng nhiều dự án, tiểu dự án, được đầu tư về nhà ở, cây trồng, vật nuôi, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí… đã cơ bản đảm bảo về cuộc sống cũng như nhu cầu về tinh thần. Từ đó đời sống của người dân được nâng lên, mọi người dân đều được chăm sóc và thụ hưởng từ các chương trình hỗ trợ.
Đầu năm 2016, số hộ nghèo toàn huyện là 847 hộ (chiếm tỷ lệ 14,5%), hộ nghèo dân tộc thiểu số là 826 hộ (chiếm tỷ lệ 19,4%), hộ cận nghèo 724 hộ (chiếm tỷ lệ 12,4%), hộ cận nghèo DTTS là 704 hộ (tỷ lệ 16,6%). Qua 3 năm (2016 - 2018) triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện, đến nay, số hộ nghèo còn 336 hộ (chiếm tỷ lệ 5,2%), trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 329 hộ (chiếm tỷ lệ 7,3%); hộ cận nghèo là 724 hộ (chiếm tỷ lệ 11,3%), trong đó hộ cận nghèo DTTS là 706 hộ (chiếm tỷ lệ 15,6%). Tỷ lệ giảm nghèo so với đầu năm 2016 là 9,3%, hộ dân tộc thiểu số là 12,2%. Bình quân mỗi năm giảm 3,1% (chỉ tiêu 1,5-2%/năm), hộ DTTS giảm 4,1% (chỉ tiêu 3%/năm).
Ghi nhận tại xã Lát, địa phương thứ 3 vừa về đích nông thôn mới của huyện Lạc Dương, ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Từ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện mạnh mẽ để xã Lát giảm số hộ nghèo xuống còn 35 hộ, chiếm 5,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,6 triệu đồng/người/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được đẩy mạnh, tổng diện tích nhà kính đạt trên 115 ha. Trong đó, hộ đồng bào DTTS thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng 57 hộ trên diện tích 25,8 ha”.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lạc Dương, đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS cũng không ngừng được cải thiện, với 99,8% hộ dân được sử dụng điện, 97% hộ được dùng nước hợp vệ sinh nông thôn; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, truyền hình 97%; 100% đồng bào DTTS nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện và đạt hiệu quả cao hơn.
Thay đổi từ nhận thức của người dân
Có thể thấy, số hộ nghèo ở huyện Lạc Dương đang tập trung lớn ở vùng đồng bào DTTS. Theo ông Cil Poh, nguyên nhân chủ yếu là do bà con thiếu đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó giá cả nông sản lại bấp bênh và địa phương lại chưa có nhiều doanh nghiệp để người dân có thể làm thuê. Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ là nhận thức của đồng bào DTTS nơi đây đang ngày càng thay đổi rõ nét. “Đa số người dân không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà thay vào đó đã biết chủ động vươn lên, tự lực sản xuất để phát triển kinh tế” - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.
Những năm qua, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS tại Lạc Dương đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất , nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập. Đến nay, đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu và xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất giỏi là người đồng bào DTTS. Chị Kơ Să K’Mhô (35 tuổi) ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát đã mạnh dạn đầu tư 2 sào nhà kính để trồng rau thay cho cà phê. Người trồng rau không còn lo sợ mưa nắng, lại được thu mua ngay tại vườn nên kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định. Bên cạnh đó, chị còn tích cực cùng đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chuyển đổi cây cà phê sang trồng dâu, rau, hoa,... cho thu nhập cao hơn.
Đến nay, 100% các xã tại Lạc Dương đã có đường nhựa đến trung tâm huyện; 100% xã có điện lưới quốc gia; hệ thống thông tin liên lạc được phủ rộng khắp; trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang hơn. Có thể thấy, các chính sách giảm nghèo bền vững đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Lạc Dương. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi và khởi sắc; đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa, sạch đẹp; các công trình nhà ở, văn hóa, thể thao được nâng cấp và xây dựng mới, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.
V.QUỲNH - N. NGÀ