Là đơn vị có lò phản ứng hạt nhân duy nhất đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt hằng năm luôn có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới.
Là đơn vị có lò phản ứng hạt nhân duy nhất đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) Ðà Lạt hằng năm luôn có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Các học viên Campuchia tham dự khóa đào tạo về an toàn phóng xạ của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt tổ chức trong năm 2018. Ảnh: V.Trọng |
Một trong những tổ chức mà Viện NCHN Đà Lạt có sự hợp tác chặt chẽ trong quá trình hoạt động nhiều năm qua chính là Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA).
Như Viện cho biết, trong nhiều năm hoạt động, đến nay Viện đã chủ trì và tham gia nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật của IAEA, cụ thể có 19 dự án do Viện chủ trì và 12 dự án tham gia thực hiện và chia sẻ kinh phí với các đơn vị khác. Tổng kinh phí mà Viện thụ hưởng từ các chương trình này đến nay từ IAEA khoảng 6,5 triệu USD.
Nội dung chính của nhiều dự án này tập trung vào các lĩnh vực như nâng cấp các hệ công nghệ lò phản ứng nhằm đảm bảo vận hành lò phản ứng an toàn; chuyển đổi vùng hoạt lò phản ứng từ nhiên liệu có độ giàu cao sang nhiên liệu có độ giàu thấp theo yêu cầu giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Dự án cũng tập trung vào việc nâng cấp, phát triển các thiết bị phục vụ phân tích kích hoạt nơtron và nghiên cứu vật lý hạt nhân, nhằm tăng cường và phát triển các kỹ thuật phân tích kích hoạt nơtron; nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Các dự án cũng hướng đến việc nâng cấp dây chuyền công nghệ để tăng cường sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; sản xuất thiết bị điện tử hạt nhân phục vụ nghiên cứu, đào tạo và thiết lập các khoa y học hạt nhân trong nước; đẩy mạnh các nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ, công nghệ sinh học, an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ, quản lý và xử lý thải phóng xạ, nghiên cứu môi trường…
Viện trong nhiều năm nay đã thực hiện tổng cộng 35 hợp đồng nghiên cứu (Research Contract) với IAEA, tổng kinh phí khoảng 250 nghìn USD trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; đảm bảo vận hành lò phản ứng an toàn và khai thác có hiệu quả.
Như trong năm 2019 này, Viện đang cùng tham gia thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA “Đẩy mạnh chương trình phát triển an toàn lò phản ứng để tăng cường tiềm lực quốc gia về nghiên cứu an toàn lò - Pha II”, dự án do Tiến sỹ Trần Chí Thành chủ trì, kéo dài từ 2018 - 2020.
Đồng thời, Viện cũng đang thực hiện hợp đồng nghiên cứu với IAEA “Mở rộng các ứng dụng của các phương pháp định liều sinh học: Khả năng sử dụng các chỉ thị trong định liều sinh học để cá nhân hóa xạ trị, chuẩn hóa kỹ thuật di truyền tế bào trong định liều sinh học ứng phó tình huống bức xạ khẩn cấp, thúc đẩy mạng lưới liên kết phòng thí nghiệm” do Thạc sỹ Phạm Ngọc Duy chủ trì, kéo dài trong 5 năm, từ 2017 - 2021.
Cùng đó, Viện đã tích cực tham gia các dự án hợp tác vùng trong các lĩnh vực vận hành, quản lý và khai thác sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, an toàn bức xạ, quan trắc môi trường, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công-nông nghiệp; tham gia các chương trình hợp tác đa phương như Diễn đàn Hạt nhân châu Á (FNCA); hợp tác song phương như chương trình Phòng thí nghiệm liên kết của DOE (Hoa Kỳ), chương trình đào tạo chuyên ngành với BARC (Ấn Độ), với NuTEC (Nhật Bản); hợp tác nghiên cứu để thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới với KAERI (Hàn Quốc)…
Hàng năm, Viện phối hợp đăng cai tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và các lớp huấn luyện chuyên ngành, tập trung vào các chủ đề an toàn hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và nghiên cứu môi trường, công nghệ lò phản ứng, chụp ảnh bằng phóng xạ…
Trong năm 2018 vừa qua, Viện đã phối hợp với Nhật Bản tổ chức diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 9 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân với nhiều chuyên gia 2 nước tham dự; phối hợp với IAEA tổ chức khóa đào tạo “Sử dụng đồng vị rơi lắng và đồng vị bền để nghiên cứu chất lượng đất và hiện tượng xói mòn đất” với nhiều học viên đến từ nhiều nước trong khu vực châu Á; tổ chức hội thảo “An toàn thủy nhiệt, phân tích sự cố và đánh giá rủi ro” với nhiều chuyên gia nước ngoài.
Viện cũng tổ chức khóa đào tạo về “Quan trắc phóng xạ môi trường” cho các chuyên gia trong và ngoài nước; tổ chức đào tạo “An toàn bức xạ, định liều bức xạ cá nhân và hóa phóng xạ” nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho các học viên Campuchia về an toàn bức xạ, đo liều bức xạ cá nhân và hóa phóng xạ tại các khoa y học hạt nhân và các cơ sở bức xạ của quốc gia này.
Viện trong năm 2018 đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Sungkyunkwan - Hàn Quốc trong lĩnh vực vật lý hạt nhân và với Viện Nghiên cứu thực phẩm chức năng Đại học Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Viện cũng có chương trình hợp tác với Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia - Hoa Kỳ trong một dự án viện trợ phi chính phủ Mở rộng nhà lưu giữ chất thải (Nhà số 5) và nâng cấp phần mềm trạm cảnh báo trung tâm của hệ kiểm soát an ninh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Cùng đó, trong năm vừa qua, Viện đã cử 76 lượt cán bộ chuyên gia đi học tập, tham gia hội nghị, trao đổi khoa học ở nước ngoài.
VIẾT TRỌNG