(LĐ online) - Mến mộ tác giả ca khúc Cùng nhau ta đi lên - tức Đội ca - nhạc sĩ Phong Nhã, người nhạc sĩ dành trọn cuộc đời lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ và rất nhiều ca khúc của ông đã in đậm trong tâm hồn thiếu nhi Việt Nam, cách nay 1 năm, Huyện Đoàn Di Linh và Hội đồng Đội huyện Di Linh đã tổ chức Chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ - năm 2018, tạo điều kiện cho các thiếu nhi huyện Di Linh gặp, trò chuyện cùng tác giả của ca khúc này tại Hà Nội, để các em hiểu và yêu hơn chiếc khăn quàng đỏ mà hàng ngày mình mang trên vai.
(LĐ online) - Mến mộ tác giả ca khúc Cùng nhau ta đi lên - tức Đội ca - nhạc sĩ Phong Nhã, người nhạc sĩ dành trọn cuộc đời lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ và rất nhiều ca khúc của ông đã in đậm trong tâm hồn thiếu nhi Việt Nam, cách nay 1 năm, Huyện Đoàn Di Linh và Hội đồng Đội huyện Di Linh đã tổ chức Chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ - năm 2018, tạo điều kiện cho các thiếu nhi huyện Di Linh gặp, trò chuyện cùng tác giả của ca khúc này tại Hà Nội, để các em hiểu và yêu hơn chiếc khăn quàng đỏ mà hàng ngày mình mang trên vai.
|
Các đội viên huyện Di Linh thăm nhạc sĩ Phong Nhã tại nhà riêng của ông ở Hà Nội |
Theo anh Vũ Thành Công, Bí thư Huyện đoàn Di Linh, vì là lần đầu tiên được gặp người nhạc sĩ mà từ lâu mình mến mộ nên tâm trạng mọi người trong đoàn ai cũng hân hoan, vui sướng, xúc động. Sự hân hoan đó nhanh chóng “lây” sang tác giả của ca khúc Đội ca. “Nhạc sĩ Phong Nhã bảo, Di Linh là nhất nước, vì là đơn vị trong Nam đầu tiên ra Hà Nội thăm ông. Nhạc sĩ của ca khúc Đội ca thật sự xúc động”, anh Vũ Thành Công kể lại.
Cũng theo anh Vũ Thành Công, thời điểm đoàn ra thăm nhạc sĩ Phong Nhã, ông nói chuyện hơi yếu, mắt không tinh tường, tai không còn nghe rõ, nhưng trong ký ức người nhạc sĩ, kỷ niệm về hoàn cảnh ra đời ca khúc Cùng nhau ta đi lên vẫn ăm ắp như mới xảy ra ngày hôm qua. “Nhạc sĩ Phong Nhã kể: "Hồi ấy, Trung ương Đoàn đang cần một bài ca như thế nên đã cử tôi đến đơn vị thiếu sinh quân ở Bắc Kạn, nơi mà các anh Đỗ Nhuận, Đinh Ngọc Liên đang phụ trách. Tại đó, tôi còn gặp đội văn nghệ thiếu nhi do anh Lưu Hữu Phước dẫn dắt. Họ ở làng Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi tham gia dạy thêm cho các em ở đó và cho ra đời bài hát Cùng nhau ta đi lên. Sau khi nghe giai điệu và lời bài hát Cùng nhau ta đi lên, Ban Thanh vận Trung ương đã duyệt và quyết định chọn bài hát này làm bài Đội ca". Vẫn lời nhạc sĩ Phong Nhã: "Tôi sáng tác bài hát đó từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đội phải theo Đoàn. Đoàn phải dẫn dắt đội. Chính từ điều kiện lịch sử cùng với tình cảm cá nhân như vậy, mà bài hát Cùng nhau ta đi lên đã ra đời vào năm 1950’”, anh Vũ Thành Công chia sẻ.
Chị Lê Thị Đào Loan, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Di Linh, người có mặt trong chuyến đi ấy, xúc động: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì được gặp, trò chuyện cùng tác giả ca khúc Đội ca. Qua cuộc gặp gỡ đó, trong tôi càng thắp thêm ngọn lửa nhiệt huyết đối với công tác Đội, để rồi có nhiều hơn những hoạt động giáo dục các em đội viên về lịch sử, về truyền thống, truyền lửa cho các em phấn đấu thực hiện theo những gì mà tác giả bài hát đã nói thay cho các em đội viên”. “Từ thời còn là đội viên, mỗi lần hát Đội ca, tôi luôn có suy nghĩ và cảm xúc tự hào. Trong thâm tâm, tôi rất muốn gặp được tác giả bài hát, nhưng chưa có cơ hội. Mãi sau này, khi làm công tác Đoàn, Đội, tôi mới có điều kiện gặp tác giả bài hát Đội ca mà từ lâu mình yêu thích. Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà nhiều người sẽ có cùng cảm xúc hãnh diện khi lần đầu tiên được gặp nhạc sĩ Phong Nhã”, anh Nguyễn Đức Hà Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Di Linh, tâm sự.
Còn đội viên Vũ Thái Việt Hà thì không giấu được sự hãnh diện khi kể lại cảm xúc đầu tiên được gặp người nhạc sĩ của Đội ca. Vũ Thái Việt Hà quả quyết: “Sau khi gặp và trò chuyện cùng nhạc sĩ Phong Nhã, tác giả ca khúc Đội ca, em cảm thấy thật tự hào và yêu hơn chiếc khăn quàng đỏ mà mình mang trên vai mỗi ngày”.
|
Ca khúc Đội ca và thủ bút của nhạc sĩ Phong Nhã tặng đơn vị Di Linh |
TRỊNH CHU