Phát huy văn hóa bản địa, tạo sinh kế cho dân

08:05, 10/05/2019

Xã Ðinh Lạc (Di Linh) đã xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy hai thế mạnh văn hóa bản địa trong xã, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương. 

Xã Ðinh Lạc (Di Linh) đã xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy hai thế mạnh văn hóa bản địa trong xã, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương. 
 
Chị Ka Ẹp và các sản phẩm đan lát tại nhà. Ảnh: M.Đạo
Chị Ka Ẹp và các sản phẩm đan lát tại nhà. Ảnh: M.Đạo
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc Trương Quốc Phương cho biết: Cụ thể chủ trương của huyện, cấp ủy và chính quyền xã đã xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy hai thế mạnh về văn hóa bản địa ở xã, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, đó là sinh hoạt cồng chiêng và nghề thủ công đan lát. Hiện xã có 2 thôn tập trung cư dân đồng bào dân tộc K’Ho là thôn Duệ và thôn Kuokuil. Cũng như cồng chiêng, xã đã làm việc với Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề của huyện sẽ mở lớp học nghề đan lát tại xã.
 
Theo chân anh Trương Quốc Phương, tôi đến nhà chị Ka Ẹp ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc. Nghề đan lát vốn là của phái mạnh, nhưng đam mê và được truyền dạy của các bậc cao niên từ nhỏ, đến nay chị là người vững tay nghề đan lát nhất trong vùng. Xã đã và đang khuyến khích, khích lệ chị đảm nhận vai trò hạt nhân để nhân rộng phong trào đan lát thủ công truyền thống trong địa phương. Ka Ẹp và chồng là K’Bral hiện có hai con ở cùng nhà là Ka Ing bắt chồng về ở cùng và cậu út K’Bri. Các thành viên trong gia đình được phân công: bố và cậu con trai K’Bri lên rừng tìm nguyên liệu, mẹ và con gái Ka Ing ở nhà đan lát; lúc rỗi cậu út cũng phụ ghép màu và làm quai. Nguyên liệu bao gồm mây (sêrơgă), lồ ồ, nứa (dơr)… lấy ở rừng, chỉ và sợi nilông tổng hợp mua ở chợ. Ka Ẹp kể: Mấy thứ ở rừng lấy tận Tam Bố, hai cha con phải đi 2 ngày 1 đêm, ngủ lại trong rừng. Khi mang về phải qua nhiều công đoạn xử lý trên dưới tuần lễ: chặt thành đoạn; phơi nắng cho khô để ngả màu trắng; chẻ; ngâm nước; vót thành sợi nan; ngâm tiếp lần 2 cho mềm… Ka Ẹp tự hào nói: “Nghề này là của đàn ông, nhưng mình thích nên tự học và chỉ mình là con gái làm 17 năm nay”. Trong thôn còn có những người đàn ông khác đan gùi như các ông K’Diềm, K’Brít, K’Biên… nhưng sản phẩm làm ra bán được ít. Còn gùi của Ka Ẹp thì ngược lại, chị rất tự hào vì “Mình làm ra không đủ bán. Họ đến đây mua hàng nhiều. Bà con dân tộc ở Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, rồi Bảo Lộc; cả người Kinh ở Vũng Tàu cũng đến mua…”. 
 
Gùi là đồ dùng, là phương tiện đa chức năng của cư dân thuộc nền văn hóa rừng. Gùi tiếng K’Ho là sơh, thứ dùng đi làm rẫy đựng các loại nông sản và vật dụng là loại gùi to (sơh lòt mir); thứ đựng vật dụng chứa nước là loại gùi vừa (sơh dà); thứ mang xuống suối đựng cá bắt được là loại nhỏ (kruh)... Chiếc gùi còn là phụ kiện trang trí mỗi lần đi chơi, múa hát, đám cưới, lễ hội và phương tiện chuyển tải nghi lễ tín ngưỡng...Từ xưa, các vật dụng từ đan lát hay thổ cẩm còn được đồng bào các dân tộc thiểu số bán hoặc trao đổi cho người Kinh và cả du khách để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Để thích nghi với từng hoàn cảnh của cuộc sống, gùi được người sử dụng vận dụng rất linh hoạt. Về kỹ thuật, có 2 cách đan cơ bản, băng cha kiang là tạo hoa văn hình chữ V, dân gian gọi là gấp khúc và bang cha ờs là kiểu hoa văn hình thoi (quả trám). Những thanh nan lát mềm mại đều quay vỏ ra ngoài để vừa đảm bảo tính mĩ thuật vừa đạt yêu cầu bền khi tiếp xúc với mưa nắng. Đan thân gùi trước rồi đến làm vành miệng, kết quai, làm đế, làm dây ràng và trang trí. Như đã nói, do chức năng khác nhau, gùi có nhiều kích cỡ khác nhau: đường kính miệng từ 10 cm, 22 cm, 24 cm, 30 cm, 40 cm… và chiều cao từ 30 cm, 40 cm, 50 cm… Về mĩ thuật, khó làm nhất và cũng bắt mắt nhất là các bộ phận đáy, góc, quai đeo, thành miệng, đường nổi dọc và ngang…
 
Gọi là gùi hoa (sơh bơnơh), gia đình chị Ka Ẹp thường sử dụng chỉ màu để kết thành những biểu tượng bông hoa đính theo các trục dọc và ngang của chiếc gùi. Chị cho biết, sở thích hoa văn của mỗi vùng đồng bào K’Ho cũng khác nhau: vùng Đinh Lạc, thị trấn Di Linh… thích màu đen, chàm; vùng Đơn Dương, Lâm Hà, Tam Bố… thích nhiều màu (xanh, đỏ, tím, vàng…). Cũng có người đặt hàng cho chị ghép màu ở cả bộ phận quai đeo.
 
Về giá cả, gùi của gia đình chị Ka Ẹp hiện bán cao nhất 600 ngàn đồng, thấp nhất 240 ngàn đồng/cái.
 
Loại có giá cao vì công bỏ ra nhiều, từ 4-6 ngày, sợi đan phải vót nhỏ, bước đan cũng tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ, nhất là đáy, bắt góc, bện quai và tốn nhiều mây; còn loại giá thấp chỉ làm trong 2 ngày, đan đơn giản và ít hoa văn. Gia đình chị còn đan cả loại rổ xúc cá (nir) để bắt cá (kup ka). Tôi hỏi chị Ka Ẹp vì sao không sử dụng màu tự nhiên của cây rừng như sim (pănh), cóc (gơ nắp bơs), cây pơ mô, vỏ cây pết, lá sơ đoăh… để tạo màu sắc và các chi tiết, hoa văn. Chị nói: “Làm vẫn được, nhưng rất mất công sức, giá cao đến 1 triệu đồng/cái nên ít có người mua. Mình chỉ làm đồ như thế này đã bán không đủ rồi”. Dĩ nhiên, nếu tính kinh tế thì nghề đan gùi hoa vẫn chưa đem lại hiệu quả cao, nhưng với chị Ka Ẹp, nó đã trở thành niềm đam mê về một nét văn hóa truyền thống của tổ tiên truyền lại. Thời điểm chị có sức khỏe tốt như trước đây, nhờ đan nhanh, có những tháng chị thu nhập 7 triệu đồng. Việc phục hồi và bảo tồn giá trị văn hóa từ nghề đan gùi đã đến lúc rất cần hỗ trợ từ Nhà nước khi nó chưa kịp thất truyền. 
 
MINH ÐẠO