Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt

02:05, 20/05/2019

(LĐ online) - Ngày 15/3, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP Ðà Lạt đã tổ chức công bố Quyết định số 229/QÐ-UBND ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Ðà Lạt và được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm.

(LĐ online) - Ngày 15/3, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP Ðà Lạt đã tổ chức công bố Quyết định số 229/QÐ-UBND ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Ðà Lạt và được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Để bạn đọc hiểu thêm về Đồ án Quy hoạch được duyệt, Lâm Đồng online xin đăng tải toàn bộ nội dung Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
 
Khu hòa Bình Đà Lạt
Phạm vi đồ án thuộc Phường 1 - TP Đà Lạt
 
Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12/2/2019. Theo đó, phạm vi đồ án thuộc Phường 1, thành phố Đà Lạt; dự báo quy mô dân số của khu vực quy hoạch khoảng 6.870 người; tổng diện tích 30 ha, phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh (trước Khách sạn TTC), đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản). Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được lập phù hợp với định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung sau:
 
1. Về nhiệm vụ thiết kế quy hoạch Khu vực Trung tâm Hòa Bình với các tính chất và chức năng như sau (theo Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 11/7/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng):
 
- Cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014, làm cơ sở để thu hút đầu tư và quản lý các hoạt động xây dựng và quản lý đô thị trong khu vực.
 
- Đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị Khu trung tâm Hòa Bình thành trung tâm phức hợp, gồm: Hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao, (không gian đi bộ, không gian bãi đậu xe, giao thông kết nối thuận tiện giữa khu vực chợ Đà Lạt với khu vực lân cận,...); xây dựng một số công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan của khu vực và là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế. 
 
- Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt; tạo ra nhiều không gian mua sắm, không gian đi bộ, bãi đậu xe; sắp xếp, chỉnh trang các khu ở đảm bảo hài hòa cảnh quan của khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt,...
 
- Đề xuất chức năng và kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tính chất phát triển du lịch, dịch vụ; thu hút nguồn lực đầu tư nâng cao giá trị sử dụng đất thông qua những hoạt động du lịch, dịch vụ chất lượng cao và đa dạng tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.
 
2. Về nội dung đồ án quy hoạch khu trung tâm có các cơ cấu phân khu chức năng như sau (theo Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng):
 
1. Tên đồ án quy hoạch: Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
 
2. Vị trí, quy mô lập quy hoạch:
 
a) Vị trí: Phường 1, thành phố Đà Lạt.
 
b) Quy mô:
 
- Quy mô dân số: dân số hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ). Với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số của khu vực quy hoạch khoảng 6.870 người.
 
- Tổng diện tích: khoảng 30 ha, phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh (trước Khách sạn TTC), đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).
 
- Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai): Quy mô diện tích khoảng 6,95 ha. Chức năng là khu vực Chợ truyền thống kết hợp với Quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính chất đặc trưng của thành phố Đà Lạt), khu phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm của phân khu I (được kết nối với khu đậu xe ngầm khu vực trung tâm thương mại Hòa Bình). 
 
- Phân khu II (Khu trung tâm Hòa Bình): Quy mô diện tích khoảng 3,37 ha. Chức năng là khu trung tâm phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch. Trong đó bố trí các tầng hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe. Các tầng nổi từ 3 - 5 tầng có chức năng dịch vụ hỗn hợp, bố trí các công trình có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, đặc sắc phù hợp với cảnh quan của khu vực.
 
- Phân khu III (Khu vực Đồi Dinh): Quy mô diện tích khoảng 4,43 ha. Chức năng là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn và phù hợp với cảnh quan khu vực. 
 
- Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị): Quy mô diện tích khoảng 9,19 ha. Chức năng là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch.
 
- Phân khu V (Khu vực ven hồ Xuân Hương): Quy mô diện tích khoảng 6,06 ha. Chức năng công trình dịch vụ - du lịch, lưu trú - khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương, giải pháp quy hoạch kiến trúc công trình, tôn tạo cảnh quan phù hợp với cảnh quan chung và kết nối với các phân khu chức năng trong khu vực quy hoạch (qua các tuyến đường Trần Quốc Toản, Phan Bội Châu, Lê Thị Hồng Gấm…). Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc xây dựng công trình thực hiện theo thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2609/QĐ-UBND ngày 25/11/2016. 
 
Quy hoạch sử dụng đất
 

3. Nội dung quy hoạch:

 
3.1. Tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan:
 
a) Lô III-1 (khách sạn Đồi Dinh):
 
- Di dời các bồn cấp nước hiện hữu sang lô đất (ký hiệu IV-KT), kết hợp các giải pháp cải tạo, chỉnh trang đảm bảo sự phù hợp cảnh quan của khu vực.
 
-  Dịch chuyển Dinh Tỉnh trưởng cũ đến khu vực phía Bắc trong lô đất, cải tạo kết nối hài hòa với công trình mới đảm bảo việc khai thác tốt giữa dịch vụ du lịch và yếu tố lịch sử của công trình Dinh Tỉnh trưởng cũ.
 
- Phía Nam lô đất là khu vực phát triển mới gồm công trình khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ.
 
- Giải pháp tiếp cận công trình: đường giao thông xung quanh Đồi Dinh (đường vòng Đồi Dinh) là giao thông công cộng, trong đó:
 
+ Từ nhánh phía Tây và phía Đông của đường vòng Đồi Dinh: xe cơ giới có thể tiếp cận công trình tại sảnh chính của Khách sạn Đồi Dinh.
 
+ Phía Nam của đường vòng Đồi Dinh: Bố trí vịnh đậu xe lớn để phục vụ đưa đón khách, có thể tổ chức bãi xe tạm dành cho xe khách ra vào khách sạn.
 
+ Xe cơ giới tiếp cận tầng hầm công trình từ nhánh phía Tây và phía Đông của đường vòng đồi Dinh với 2 lối vào hầm được bố trí tách biệt với lối vào sảnh khách sạn.
 
+ Người đi bộ có thể tiếp cận trực tiếp vào khu vực thương mại của khối công trình mới từ nhánh phía Tây và phía Đông của đường vòng Đồi Dinh.
 
- Vật liệu xây dựng công trình:
 
+ Thân thiện với môi trường, có độ bền, ít bám bụi.
 
+ Tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, ưu tiên sử dụng vật liệu sản xuất trong nước. 
 
+ Kết hợp sử dụng vật liệu kính để có phong cách kiến trúc hiện đại.
 
+ Vật liệu bao che có tính chất cách nhiệt, giảm thiểu bức xạ mặt trời.
 
- Về màu sắc chủ đạo: sử dụng các tông màu trung tính cho các tầng khách sạn và các màu nổi bật, tươi sáng cho các tầng thương mại.
 
- Cây xanh:
 
+ Trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp tại sân trong, trên sân thượng và xung quanh công trình.
 
+ Sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt, có chủng loại và kích thước đa dạng có thể phối kết hợp màu sắc bốn mùa. Hạn chế chọn cây trồng cành giòn, dễ gãy, cây ăn quả.
 
- Quy định về quảng cáo:
 
+ Cho phép quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại tầng thương mại.
 
+ Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
 
+ Đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng quảng cáo.
 
+ Nội dung, quy cách về kích thước, vị trí lắp đặt, trình tự cấp phép và các nội dung có liên quan về quảng cáo tuân thủ quy định hiện hành.
 
b) Lô I-1 (quảng trường đi bộ và hầm để xe):
 
- Tháo dỡ Khách sạn Nice Dream (Hải Sơn cũ), Thương xá Latulipe, Khách sạn Thanh Bình, giải tỏa các ki ốt dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai.
 
- Tháo dỡ Khách sạn TTC (Golf 3 cũ) để xây dựng đường hầm kết nối từ Lê Thị Hồng Gấm đi qua lô đất ký hiệu I-12 đến Quảng trường và xây dựng công trình mới trên lô đất ký hiệu I-12 với chiều cao tối đa 4 tầng so với đường Lê Thị Hồng Gấm.
 
- Tổ chức không gian đi bộ kết hợp trồng cây xanh cảnh quan trên mặt đất kết hợp với 2 tầng hầm với chức năng là khu vực đậu xe, kỹ thuật và thương mại dịch vụ.
 
- Giải pháp tiếp cận cho xe cơ giới xuống hầm Quảng trường:
 
+ Từ vòng xoay cầu Ông Đạo, tiếp cận qua ram dốc đặt tại vị trí tiếp giáp giữa Quảng trường và đường Lê Đại Hành.
 
+ Từ đường Lê Thị Hồng Gấm, tiếp cận qua ram dốc đặt tại Lô I-12.
 
+ Từ tầng hầm đậu xe của Quảng trường, nghiên cứu phương án đường hầm kết nối với Công viên Ánh Sáng.
 
+ Từ giao lộ đường Phan Bội Châu và Lê Thị Hồng Gấm, nghiên cứu phương án tiếp cận xuống chợ qua vòng xoay đặt tại Lô I-10.
 
+ Từ đường Phan Bội Châu, nghiên cứu phương án tiếp cận Quảng trường qua ram dốc đặt giữa Lô II-4 và khu vực bậc cấp giữa Lô II-3 và Lô II-4.
 
(Phạm vi, quy mô các tầng hầm cụ thể theo hồ sơ khảo sát, thiết kế được thẩm định, phê duyệt theo quy định).
 
- Người đi bộ có thể tiếp cận Quảng trường bằng giao thông cùng cao độ (từ vòng xoay cầu Ông Đạo) và giao thông khác cao độ (hệ thống bậc cấp kết nối Quảng trường với đường Lê Đại Hành, Phan Bội Châu và Lê Thị Hồng Gấm).
 
- Đường Nguyễn Thị Minh Khai và các đường quanh chợ được lát vật liệu phù hợp cho người đi bộ, xe cơ giới và cảnh quang chung của Quảng trường.
 
- Vật liệu, màu sắc chủ đạo:
 
+ Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có độ bền, có độ nhám, chống thấm tốt.
 
+ Sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, ưu tiên sử dụng vật liệu sản xuất trong nước. 
 
+ Vật liệu lát nền có màu sắc tươi sáng, chủng loại vật liệu thay đổi tùy theo chức năng và ý tưởng quy hoạch của từng khu vực trên Quảng trường.
 
- Cây xanh:
 
+ Trồng cây xanh phù hợp với tính chất, không gian từng khu vực thuộc Quảng trường.
 
+ Sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt, có chủng loại và kích thước đa dạng có thể phối kết hợp màu sắc bốn mùa. Hạn chế chọn cây trồng cành giòn, dễ gãy, cây ăn quả.
 
- Quy định về quảng cáo:
 
+ Đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng quảng cáo.
 
+ Nội dung, quy cách về kích thước, vị trí lắp đặt, trình tự cấp phép và các nội dung có liên quan về quảng cáo tuân thủ quy định hiện hành.
 
c) Lô II-3 và II-5 (trung tâm thương mại):
 
- Tổ hợp công trình gồm 2 khối: 1 khối tại lô II-3 với chiều cao 4 tầng và 1 khối tại lô II-5 với chiều cao 5 tầng. Trong đó công trình II-3 kết hợp với không gian quảng trường (nổi và ngầm) cùng với Chợ Đà Lạt tạo thành một tổng thể kiến trúc thống nhất.
 
- Giải pháp tiếp cận công trình đối với khối công trình tại lô II-3:
 
+ Xe cơ giới có thể tiếp cận hầm đậu xe của công trình qua các ram dốc kết nối với Quảng trường.
 
+ Người đi bộ có thể tiếp cận trực tiếp các tầng nổi bằng giao thông cùng cao độ từ đại lộ Hòa Bình, đường Phan Bội Châu và đường Lê Đại Hành; tiếp cận các tầng hầm bằng giao thông khác cao độ là các bậc thang từ đường Lê Đại Hành, đường Phan Bội Châu kết nối xuống cao độ vòng xoay Chợ Đà Lạt.
 
- Giải pháp tiếp cận công trình đối với khối công trình tại lô II-5: 
 
+ Xe cơ giới có thể tiếp cận khu vực đưa đón khách tại vịnh đậu xe bố trí ở khu vực tiếp giáp giữa lô đất và đại lộ Hòa Bình, đảm bảo không ảnh hưởng giao thông chung.  
 
+ Xe cơ giới tiếp cận hầm đậu xe của công trình qua ram dốc các ram dốc kết nối với Quảng trường.
 
- Hầm của hai khối II-3 và II-5 được kết nối với nhau thông qua đường nối hầm dưới đường Phan Bội Châu.
 
(Phạm vi, quy mô các tầng hầm cụ thể theo hồ sơ khảo sát, thiết kế được thẩm định, phê duyệt theo quy định).
 
- Về màu sắc chủ đạo: sử dụng màu sắc sinh động tạo ấn tượng cho khu thương mại, kết hợp cùng các biển quảng cáo, bảng hiệu tạo không gian phong phú, vui tươi.
 
- Vật liệu xây dựng công trình:
 
+ Thân thiện với môi trường, có độ bền, ít bám bụi.
 
+ Tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, ưu tiên sử dụng vật liệu sản xuất trong nước. 
 
+ Kết hợp sử dụng vật liệu kính để mang lại phong cách kiến trúc hiện đại.
 
+ Vật liệu bao che có tính chất cách nhiệt, giảm thiểu bức xạ mặt trời.
 
- Cây xanh:
 
+ Trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái công trình, tạo cảnh quan đẹp đặc biệt là góc nhìn từ đồi Dinh.
 
+ Sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt, có chủng loại và kích thước đa dạng có thể phối kết hợp màu sắc bốn mùa. Hạn chế chọn cây trồng cành giòn, dễ gãy, cây ăn quả.
 
- Quy định về quảng cáo:
 
+ Cho phép quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại tầng thương mại.
 
+ Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
 
+ Đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng quảng cáo.
 
+ Nội dung, quy cách về kích thước, vị trí lắp đặt, trình tự cấp phép và các nội dung có liên quan về quảng cáo tuân thủ quy định hiện hành.
 
d) Lô II-2 và II-4 (Khu thương mại Gallery):
 
- Xây dựng công trình trung tâm thương mại là các tầng hầm so với đường giao thông (đường Phan Bội Châu đối với lô II-4 và đường Lê Đại Hành đối với lô II-2) và trên cao độ vòng xoay Chợ Đà Lạt; mặt tiền hướng ra Quảng trường, tạo mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh, mua sắm tại trung tâm thương mại với các hoạt động diễn ra trên Quảng trường.
 
- Trên mặt đất (tại cao độ các đường Phan Bội Châu và Lê Đại Hành), không bố trí khối nổi, khuyến khích trồng hoa, cây cảnh, tạo sự liên kết hài hòa về cảnh quan với Quảng trường.
 
- Khuyến khích tổ chức công trình có liên kết về hình thức, công năng với công trình Trung tâm Hòa Bình, hình thành một dãy không gian thương mại dịch vụ đồng bộ, liên tục dọc Quảng trường.
 
- Giải pháp tiếp cận công trình:
 
+ Người đi bộ có thể tiếp cận bằng giao thông khác cao độ là các bậc thang từ đường Lê Đại Hành, Phan Bội Châu kết nối xuống vòng xoay Chợ Đà Lạt.
 
+ Xe cơ giới không tiếp cận trực tiếp vào công trình.
 
- Khuyến khích tổ chức công trình có liên kết về hình thức, công năng với công trình trung tâm thương mại tại lô II-3 và II-5, hình thành một dãy không gian thương mại dịch vụ liên tục dọc Quảng trường.
 
- Về màu sắc: cần sử dụng các màu sinh động nhằm gây ấn tượng cho khu thương mại, kết hợp cùng các biển quảng cáo, bảng hiệu tạo nên không gian phong phú, vui tươi.
 
- Vật liệu xây dựng công trình:
 
+ Thân thiện với môi trường, có độ bền, ít bám bụi.
 
+ Tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, ưu tiên sử dụng vật liệu sản xuất trong nước. 
 
+ Kết hợp sử dụng vật liệu kính để có phong cách kiến trúc hiện đại.
 
+ Vật liệu bao che có tính chất cách nhiệt, giảm thiểu bức xạ mặt trời.
 
- Quy định về quảng cáo:
 
+ Cho phép quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại các tầng thương mại.
 
+ Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
 
+ Đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng quảng cáo.
 
+ Nội dung, quy cách về kích thước, vị trí lắp đặt, trình tự cấp phép và các nội dung có liên quan về quảng cáo tuân thủ quy định hiện hành.
 
e) Lô I-10, I-11, I-12, I-13 (dãy phố thương mại chỉnh trang):
 
- Các lô đất ngăn cách với nhau bằng các bậc thang đi bộ; tại vị trí tiếp giáp với các bậc thang này, tổ chức khoảng lùi ≥ 3,0 m để đảm bảo tầm nhìn cảnh quan trên trục đi bộ.
 
- Các khối công trình có thể kết nối bằng các cầu đi bộ liên kết các tầng nổi tạo thành dãy không gian thương mại liên tục.
 
- Tổ chức không gian cây xanh cảnh quan tại khu vực phía Nam lô I-13 tạo tầm nhìn thông thoáng cho phương tiện giao thông tại nút giao giữa đường Lê Thị Hồng Gấm, Trần Quốc Toản và vòng xoay đài phun nước.
 
- Khuyến khích tổ chức tầng cao, bố cục hình khối công trình đảm bảo tầm nhìn thông thoáng từ Quảng trường ra hồ Xuân Hương và ngược lại.
 
- Các công trình hiện hữu cần tiến hành cải tạo để phù hợp với quy hoạch chung của khu vực. Các công trình xây dựng mới với hình thức kiến trúc hiện đại, chiều cao phù hợp với tổng thể kiến trúc khu vực.
 
- Vật liệu, màu sắc chủ đạo công trình:
 
+ Khuyến khích sử dụng màu sắc, vật liệu đồng bộ cho toàn dãy công trình.
 
- Về màu sắc chủ đạo: khuyến khích sử dụng màu sinh động tạo ấn tượng cho khu thương mại, kết hợp cùng các biển quảng cáo, bảng hiệu tạo nên không gian phong phú, vui tươi.
 
- Vật liệu xây dựng công trình:
 
+ Thân thiện với môi trường, có độ bền, ít bám bụi.
 
+ Tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, ưu tiên sử dụng vật liệu sản xuất trong nước. 
 
+ Kết hợp sử dụng vật liệu kính để có phong cách kiến trúc hiện đại.
 
+ Vật liệu bao che có tính chất cách nhiệt, giảm thiểu bức xạ mặt trời.
 
- Cây xanh:
 
+ Đối với các công trình mới: khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái công trình, tạo cảnh quan đẹp đặc biệt là góc nhìn từ Đồi Dinh.
 
+ Sử dụng cây xanh có chủng loại và kích thước đa dạng, các loại cây có thể phối kết màu sắc bốn mùa, cây đặc trưng địa phương. Hạn chế chọn cây trồng cành giòn, dễ gãy, cây ăn quả.
 
- Quy định về quảng cáo:
 
+ Cho phép quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại tầng thương mại.
 
+ Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
 
+ Đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng quảng cáo.
 
+ Nội dung, quy cách về kích thước, vị trí lắp đặt, trình tự cấp phép và các nội dung có liên quan về quảng cáo tuân thủ quy định hiện hành.
 
Phạm vi đồ án thuộc Phường 1 - TP Đà Lạt
Phạm vi đồ án thuộc Phường 1 - TP Đà Lạt
 
3.2. Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc xây dựng công trình: Phạm vi, quy mô, diện tích lô đất, các tầng hầm, tầng cao công trình cụ thể theo hồ sơ khảo sát, thiết kế được thẩm định, phê duyệt theo quy định, trong đó:
 
a) Lô III-1 (Khách sạn Đồi Dinh):
 
- Diện tích lô đất: 16.904,9 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: 
 
+ Khối đế: ≤ 70%;
 
+ Khối tháp: ≤ 30%;
 
- Tầng cao: ≤ 10 tầng so với đường vòng Đồi Dinh (khối đế 3 tầng, khối tháp 7 tầng, không bao gồm các tầng hầm). Trong đó:
 
+ Tầng hầm là khu vực đậu xe và bố trí kỹ thuật.
 
+ Khối đế là khu vực thương mại, dịch vụ cao cấp, cửa hàng bán lẻ và trung tâm hội nghị.
 
+ Khối tháp là khu vực khách sạn và các tầng dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách lưu trú, bao gồm các chức năng: vườn phong cách Pháp, hồ bơi tràn, spa, nhà hàng xoay,…
 
- Chiều cao tối đa: ≤ 55,0 m (tính từ cốt vỉa hè đường vòng Đồi Dinh đến đỉnh cao nhất của mái). Trong đó: Khối đế cao khoảng ≤ 16 m;
 
- Khoảng lùi xây dựng công trình: 
 
+ Khối đế: ≥ 3,0 m so với lộ giới đường vòng Đồi Dinh (lộ giới 14 m);
 
+ Khối tháp: ≥ 6,0 m so với lộ giới đường vòng Đồi Dinh (lộ giới 14 m).
 
- Phương án thiết kế kiến trúc: Hình khối công trình theo phong cách kiến trúc Pháp tại Việt Nam ("kiến trúc Đông Dương"), cấu trúc đối xứng với điểm nhấn là một tháp cao ở vị trí trung tâm và không gian sảnh đón. Mái công trình được trang trí tỉ mỉ, sử dụng các chi tiết kiến trúc đặc trưng của "kiến trúc Đông Dương". Tổ chức sân trong, tận dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên.
 
- Chiều cao, mật độ xây dựng của khối đế, khối tháp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tối đa 10% tùy thuộc vào phương án thiết kế công trình, nhưng phải đảm bảo hài hòa với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực.
 
b) Lô I-1 (quảng trường đi bộ - hầm để xe):
 
- Diện tích lô đất: 15.537,7 m 2.
 
- Trên mặt đất: tổ chức không gian đi bộ kết hợp trồng cây xanh.
 
- Tại tầng hầm: gồm 2 tầng hầm (tính từ cao độ vòng xoay trước Chợ Đà Lạt); trong đó:
 
+ Hầm 2 là khu vực đậu xe, kỹ thuật.
 
+ Hầm 1 bao gồm một phân dành cho đậu xe, kỹ thuật, một phần là không gian thương mại dịch vụ như rạp chiếu phim, cửa hàng bán lẻ, khu ẩm thực,…
 
- Phạm vi, ranh giới, quy mô tầng hầm cụ thể theo hồ sơ khảo sát, thiết kế được thẩm định, phê duyệt theo quy định (có thể mở rộng ra hết lộ giới đường Nguyễn Thị Minh Khai, vòng xoay trước Chợ Đà Lạt…).
 
c) Lô II-3 (trung tâm thương mại):
 
- Diện tích lô đất: 4.894,7 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 65%;
 
- Tầng cao: ≤ 4 tầng so với đại lộ Hòa Bình (không bao gồm 5 tầng hầm (là 3 tầng nổi và 2 tầng hầm so với vòng xoay chợ)).
 
- Chiều cao tối đa: ≤ 25,0m (tính từ cốt vỉa hè đại lộ Hòa Bình đến đỉnh cao nhất của mái).
 
- Khoảng lùi: ≥ 5,0m so với lộ giới đại lộ Hòa Bình (lộ giới 34m) và đường Lê Đại Hành (lộ giới 18m); ≥ 3,0m so với các ranh đất khác.
 
- Chiều cao, mật độ xây dựng của khối đế, khối tháp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tối đa 10% tùy thuộc vào phương án thiết kế công trình, nhưng phải đảm bảo hài hòa với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực.
 
d) Lô II-5 (trung tâm thương mại):
 
- Diện tích lô đất: 1.697,7 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 60%;
 
- Tầng cao: ≤ 5 tầng so với đại lộ Hòa Bình (không bao gồm 3 tầng hầm).
 
- Chiều cao tối đa: ≤ 27,0 m (tính từ cốt vỉa hè đại lộ Hòa Bình đến đỉnh cao nhất của mái).
 
- Khoảng lùi: ≥ 3,0 m so với lộ giới đại lộ Hòa Bình, đường quy hoạch H1, H2 và đường Phan Bội Châu.
- Chiều cao, mật độ xây dựng của khối đế, khối tháp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tối đa 10% tùy thuộc vào phương án thiết kế công trình, nhưng phải đảm bảo hài hòa với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực.
 
đ) Lô II-2 (Khu thương mại Gallery):
 
- Diện tích lô đất: 1.588,2 m 2;
 
- Tầng cao công trình ≤ 04 tầng hầm so với đường Lê Đại Hành (≤ 2 tầng nổi và ≤ 2 tầng hầm so với vòng xoay Chợ Đà Lạt, mặt tiền hướng ra Quảng trường).
 
- Trên mặt đất (tại cao độ đường Lê Đại Hành), không bố trí khối nổi, trồng hoa, cây cảnh, tạo sự liên kết hài hòa về không gian cây xanh cảnh quan với Quảng trường Hòa Bình.
 
e) Lô II-4 (Khu thương mại Gallery):
 
- Diện tích lô đất: 2.031,4 m 2;
 
- Tầng cao công trình ≤ 5 tầng hầm so với đường Phan Bội Châu (≤ 3 tầng nổi và ≤ 2 tầng hầm so với vòng xoay Chợ Đà Lạt, mặt tiền hướng ra Quảng trường).
 
- Trên mặt đất (tại cao độ đường Phan Bội Châu), không bố trí khối nổi, trồng hoa, cây cảnh, tạo sự liên kết về cảnh quan với Quảng trường Hòa Bình.
 
g) Lô I-10 (dãy phố thương mại):
 
- Diện tích lô đất: 1.787,9 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 80%.
 
- Tầng cao: ≤ 5 tầng so với đường Phan Bội Châu và Lê Thị Hồng Gấm.
 
- Khoảng lùi: ≥ 5,0 m so với lộ giới đường Phan Bội Châu và đường Lê Thị Hồng Gấm; ≥ 3,0 m so với các ranh đất khác.
 
- Hình thức kiến trúc hiện đại, chiều cao tuyệt đối phù hợp với tổng thể quy hoạch, kiến trúc khu vực, đảm bảo tầm nhìn an toàn cho xe cơ giới lưu thông tại nút giao giữa đường Lê Thị Hồng Gấm và đường Phan Bội Châu.
 
- Từ giao lộ đường Phan Bội Châu và Lê Thị Hồng Gấm, nghiên cứu phương án tiếp cận xuống chợ qua vòng xoay đặt tại Lô I-10.
 
h) Lô I-12 (dãy phố thương mại):
 
- Diện tích lô đất: 2.447,6 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 70%.
 
- Tầng cao: ≤ 4 tầng so với đường Lê Thị Hồng Gấm.
 
- Khoảng lùi: ≥ 5,0 m so với lộ giới đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Thị Hồng Gấm; ≥ 3,0m so với các ranh đất khác.
 
i) Lô I-13 (dãy phố thương mại):
 
- Diện tích lô đất: 2.106,5 m 2;
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 70%;
 
- Tầng cao: ≤ 3 tầng (so với đường Lê Thị Hồng Gấm), ≤ 5 tầng (so với đường Nguyễn Thị Minh Khai);
 
- Khoảng lùi: ≥ 5,0m so với lộ giới đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Thị Hồng Gấm; ≥ 3,0m so với các ranh đất khác.
 
k) Các Lô I-3, I-4, I-6, I-7 và I -8 (dãy nhà phố chỉnh trang): 
 
- Diện tích: lô I-3 (1.143,7 m 2); lô I-4 (1.343,8 m2); lô I-6 (1.367,3 m 2); lô I-7 (2.446,7 m 2); lô I-8 (542,8 m 2).
 
- Mật độ xây dựng: ≤ 80%;
 
- Tầng cao: ≤ 5 tầng;
 
- Khoảng lùi: ≥ 3,0 m so với lộ giới đường B1, B2, B3, B4, B5, B6, B7; ≥ 3,6m so với lộ giới vòng xoay Chợ Đà Lạt;
 
l) Khu vực dân cư giáp khu Đồi Dinh: Các khu dân cư hiện hữu được chỉnh trang các tuyến phố, hẻm, các tuyến đi bộ chênh cốt... theo hướng khuyến khích trồng cây xanh tạo cảnh quan, khuyến khích người dân sử dụng mái ngói, phủ xanh mái nhà để tạo cảnh quan, góc nhìn đẹp cho toàn khu vực. Chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc xây dựng công trình và nhà ở riêng lẻ chỉnh trang theo quy định tại Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh.
 
m) Các nguyên tắc chỉnh trang:
 
- Mái hiên: là hành lang có mái che với độ cao và vươn bằng nhau.
 
- Bảng hiệu: thống nhất, đồng bộ về kích thước và cao độ, không sử dụng các bảng hiệu lớn che kiến trúc công trình.
 
- Mái nhà: khuyến khích mảng xanh trên mái bằng hoặc lợp mái ngói để làm đẹp không gian đô thị đặc biệt là các góc nhìn từ trên cao. Hệ thống bồn nước đặt dưới mái.
 
- Độ cao giới hạn: độ cao giới hạn của các nhà phố trên hành lang thương mại là ≤ 5 tầng.
 
- Ban công: ban công mở, không xây tường, trồng hoa và cây xanh.
 
3.3. Quy hoạch giao thông: 
 
a) Quy hoạch cải tạo các tuyến đường:
 
- Đường Phan Bội Châu: lộ giới 18 m.
 
- Đường Lê Đại Hành: lộ giới 18 m.
 
- Đường Nguyễn Chí Thanh: lộ giới 16 m.
 
- Đường Lê Thị Hồng Gấm: lộ giới 20 m.
 
- Đường Trần Quốc Toản: lộ giới 24 m.
 
- Đường Lý Tự Trọng: lộ giới 14 m.
 
- Đường kết nối (từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến giao lộ Lý Tự Trọng - Võ Thị Sáu - đường N1): lộ giới 14 m.
 
- Đường N1 (kết nối đường vòng đồi Dinh với giao lộ Lý Tự Trọng - Võ Thị Sáu - đường kết nối): lộ giới 14 m.
 
- Đường N3 (kết nối đường Phan Bội Châu với đường vòng đồi Dinh): lộ giới 14 m.
 
- Đường B1 (từ vòng xoay Chợ Đà Lạt ra đường B6): lộ giới 8 m.
 
- Đường B3 (từ vòng xoay Chợ Đà Lạt ra đường B6): lộ giới 8 m.
 
- Đường B6 (từ đường B2 ra đường B4): lộ giới 14 m.
 
b) Quy hoạch mở mới các tuyến:
 
- Đường Nguyễn Thị Minh Khai (quy hoạch nắn tuyến mới): lộ giới 12 m.
 
- Đại lộ Hòa Bình: lộ giới 34 m.
 
- Đường vòng đồi Dinh: lộ giới 14 m.
 
- Đường N2 (quy hoạch mới nối đường vòng Đồi Dinh với đường kết nối giữa đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Lý Tự Trọng): lộ giới 14 m.
 
- Đường H1 (quy hoạch mới nối đường Phan Bội Châu với đại lộ Hòa Bình): lộ giới 11 m.
 
- Đường H2 (quy hoạch mới nối đường Phan Bội Châu với giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - đại lộ Hòa Bình): lộ giới 14 m.
 
- Đường B2 (quy hoạch mới nối đường B1 và đường B6): lộ giới 8 m.
 
- Đường B4 (quy hoạch mới nối đường Nguyễn Thị Minh Khai mới và đường B6): lộ giới 11 m.
 
- Đường B5 (quy hoạch mới nối đường B1 và đường B4): lộ giới 6 m
 
- Đường B7 (quy hoạch mới từ vòng xoay Chợ Đà Lạt với đường Nguyễn Thị Minh Khai mới): lộ giới 8m.
 
c) Quy hoạch hệ thống đường cho người đi bộ:
 
- Quy hoạch mới bậc thang kết nối từ đường Phan Bội Châu xuống đường B1 (nằm giữa lô đất ký hiệu II-3 và II-4).
 
- Quy hoạch mở rộng và điều chỉnh vị trí bậc thang kết nối từ đường Lê Đại Hành xuống vòng xoay Chợ Đà Lạt (nằm giữa lô đất ký hiệu II-2 và II-3).
 
- Quy hoạch mới bậc thang kết nối từ đường H2 lên đường vòng đồi Dinh.
 
- Quy hoạch mới bậc thang kết nối từ đường B4 lên đường Lê Thị Hồng Gấm (nằm giữa lô đất ký hiệu I-10 và I-11).
 
- Quy hoạch mới bậc thang kết nối từ đường Nguyễn Thị Minh Khai mới lên đường Lê Thị Hồng Gấm (giữa lô đất ký hiệu I-11 và I-12).
 
- Quy hoạch mới bậc thang kết nối từ đường Nguyễn Thị Minh Khai mới lên đường Lê Thị Hồng Gấm (giữa lô đất ký hiệu I-12 và I-13).
 
d) Các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu:
 
- Tại các nơi giao nhau tiến hành bo góc (tạo hình vòng cung) các bó vỉa tạo điều kiện thuận lợi cho xe lưu thông.
 
- Bán kính bo góc các trục giao thông chính được thiết kế R ≥ 12m; riêng các trục giao thông hiện trạng và các trục giao thông nội bộ, đường đi bộ sử dụng bán kính cong R ≥ 5m phù hợp với mặt bằng công trình hiện trạng.
 
- Xe thiết kế là xe ô tô 4 chỗ, đảm bảo tầm nhìn, vận tốc cho xe chạy an toàn.
 
- Kết cấu mặt đường giao thông là bê tông nhựa, độ dốc ngang 2%.
 
- Các chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng khác: áp dụng Quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành.
 
3.4. Các giải pháp kỹ thuật hạ tầng chủ yếu:
 
a) Về san nền: 
 
- Yêu cầu khi thiết kế san lấp, phải hạn chế thấp nhất san gạt theo diện rộng phá vỡ địa hình tự nhiên; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực.  
 
- Đối với những vị trí đất cần thiết phải san gạt cục bộ để tạo mặt bằng xây dựng mà phù hợp với cảnh quan chung tại khu vực thì thống nhất cốt nền san gạt chủ yếu bám theo cốt tim đường (có thể cao hoặc thấp hơn nền đường khoảng 3m).
 
- Trong quá trình triển khai thiết kế công trình, phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên. Trường hợp phải san gạt địa hình, yêu cầu chỉ san gạt cục bộ tại từng vị trí đặt công trình, thiết kế cân bằng diện tích, khối lượng đất đào đắp cho phù hợp.
 
b) Về thoát nước mưa:
 
- Tận dụng hệ thống thoát nước mưa hiện hữu.
 
- Hướng thoát nước mưa của khu vực trung tâm Hòa Bình theo hướng dốc của nền địa hình hiện hữu, thoát về vị trí hồ Xuân Hương, thác Cam Ly và các suối nhỏ trong khu vực.
 
- Bố trí các cống ngầm để thu nước tại khu trung tâm chợ và các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm.
 
- Các tuyến đường có độ dốc lớn bố trí hệ thống mương bê tông cốt thép có nắp đan. 
 
- Các tuyến cống và mương kết hợp với các hệ thống hố ga, lưới chắn rác được thiết kế đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
 
c) Về cấp nước sinh hoạt:
 
- Tổng lưu lượng nước cấp cho khu vực khoảng 5.800 m3/ngày đêm.
 
- Nguồn nước cấp cho khu vực quy hoạch là nguồn nước máy thành phố.
 
- Sử dụng ống cấp nước HDPE có đường kính Ø100- Ø300. Ống HDPE đảm bảo an toàn chất lượng nước cấp (không gây độc tố, không tạo kết tủa, không bị oxi hóa) và an toàn cho mạng lưới (chống động đất, hạn chế mất áp lực, dẫn nhiệt thấp, khớp nối an toàn), dễ thi công, tuân thủ quy định hiện hành. 
 
- Bố trí mạng lưới cấp nước là mạng vòng đảm bảo an toàn cấp nước cho toàn khu vực quy hoạch.
 
- Hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy được thiết kế và bố trí theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. 
 
d) Về thoát nước thải sinh hoạt:
 
- Tổng lưu lượng nước thải của khu vực khoảng 4.900 m3/ngày đêm.
 
- Sử dụng hệ thống thoát nước thải tập trung của thành phố Đà Lạt để thu gom, xử lý nước thải của khu vực quy hoạch. Nước thải từ các hộ gia đình sẽ được xử lý qua hầm tự hoại, thu gom về các tuyến cống chính rồi đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung.
 
- Nước thải từ các tòa nhà thương mại, dịch vụ, hỗn hợp được xử lý cục bộ chuẩn theo quy định trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước thải tập trung của thành phố.
 
đ) Về vệ sinh môi trường:
 
- Nước thải: 100% các hộ gia đình và các khu vệ sinh trong các công trình phải xây dựng bể tự hoại.
 
- Rác thải : 
 
+ Tổng khối lượng rác thải của toàn khu vực khoảng 20 tấn/ngày.
 
+ Rác thải phải được phân loại tại nguồn (rác hữu cơ và rác vô cơ), rác vô cơ 3 ngày thu gom một lần, rác hữu cơ thu gom trong ngày.
 
- Tổ chức hệ thống thu gom rác: rác từ nguồn phát sinh sẽ được thu gom, đưa đến khu xử lý chất thải rắn của thành phố để xử lý.
 
- Trong khu quy hoạch bố trí ít nhất 2 nhà vệ sinh công cộng có diện tích 80-100 m 2, trong các nhà vệ sinh công cộng bố trí ít nhất 1 phòng phục vụ người tàn tật.
 
e) Về cấp điện và chiếu sáng đường phố: 
 
- Nguồn điện cấp cho khu vực quy hoạch là trạm 110/22kV-40MVA (trạm Đà Lạt 1) cách khu vực quy hoạch 3,3 km.
 
- Tổng công suất cấp điện cho toàn khu vực khoảng 26.700,0 kVA.
 
- Tận dụng hệ thống cấp điện hiện trạng, bố trí thêm hệ thống điện và ngầm hóa các khu vực mới, khu vực I (Khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai) và khu vực III (Khu vực Đồi Dinh). Đồng thời mở rộng nâng cấp và ngầm hóa dần khu vực hiện trạng.
 
- Các trụ đèn hiện hữu vẫn được giữ nguyên và được cấp điện từ đường dây điện hiện hữu.
 
- Các tuyến điện chiếu sáng sử dụng cáp ngầm hạ thế luồn trong ống HDPE.
 
g) Về hệ thống thông tin liên lạc:
 
- Nguồn cấp: đấu nối với hệ thống cáp viễn thông thành phố Đà Lạt.
 
- Tổng số thuê bao dự kiến quy hoạch khoảng 3.085 thuê bao.
 
- Hệ thống thông tin liên lạc: trên cơ sở hệ thống hiện trạng, bố trí thêm hệ thống thông tin và ngầm hóa các khu vực mới, khu vực I (Khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai) và khu vực III (Khu vực Đồi Dinh). Đồng thời mở rộng nâng cấp và ngầm hóa dần khu vực hiện trạng.
 
- Các tuyến cáp thông tin đi dưới hè đường hoặc lòng đường và các đường cáp đi trong ống đều phải có phương án dự phòng phát triển.
 
3.5. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường:
 
a) Giảm thiểu ô nhiễm không khí:
 
- Khí thải và bụi: 
 
+ Trồng dải cây xanh ven đường, sử dụng cây có tán rộng tạo cảnh quan đồng thời giảm thiểu bụi, tiếng ồn và điều hoà môi trường không khí, tạo môi trường vi khí hậu trong và xung quanh khu vực quy hoạch. 
 
+ Phân tuyến giao thông phù hợp, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo để các phương tiện lưu thông theo đúng tuyến nhằm giảm tiếng ồn, thời gian lưu thông.
 
+ Các giải pháp khác giảm thiểu khí thải và bụi đảm bảo chất lượng môi trường không khí xung quanh khu vực đạt chuẩn theo quy định.
 
- Tiếng ồn: phát sinh từ các phương tiện vận chuyển, máy phát điện dự phòng,... Tiếng ồn từ các hoạt động này có tính chất gián đoạn, không liên tục.
 
- Giảm thiểu ô nhiễm do nước thải: Nước thải sinh hoạt sau khu được xử lý cục bộ bằng bể tự hoại tại mỗi công trình sẽ được thu gom bằng hệ thống đường ống dẫn về nhà máy xử lý nước thải tập trung.
 
b) Giảm thiểu chất thải rắn:
 
- Thực hiện việc phân loại chất thải nguy hại để tránh trộn lẫn chất thải nguy hại và không nguy hại.
 
- Chất thải rắn nguy hại được thực hiện quản lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và các quy định hiện hành có liên quan. 
 
- Xây dựng hệ thống thu gom rác thải bằng các xe chuyên dụng tập kết về các bãi chứa rác trung chuyển, chờ xe lấy rác của các đơn vị thu gom. Chất thải rắn được thu gom hằng ngày rồi chuyển đến khu xử lý chất thải rắn tập trung.
 
PV