Tài nguyên rừng - điểm tựa bền vững ngành công nghiệp không khói (Kỳ 1)

08:05, 06/05/2019

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố mang đậm nét đặc trưng "phố trong rừng - rừng trong phố" và còn là nơi của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn của những sông, suối, cùng với tính đa dạng sinh thái làm nên thứ tài sản quý hiếm không đâu có được. Chính bởi tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng ấy tạo nên nền móng để khai thác ngành công nghiệp không khói, đó là du lịch.

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố mang đậm nét đặc trưng “phố trong rừng - rừng trong phố” và còn là nơi của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn của những sông, suối, cùng với tính đa dạng sinh thái làm nên thứ tài sản quý hiếm không đâu có được. Chính bởi tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng ấy tạo nên nền móng để khai thác ngành công nghiệp không khói, đó là du lịch.
[links()]
Ðầu tư du lịch đừng “lấy đá tự ghè chân mình” 
 
Chỉ nội trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, thành phố Ðà Lạt đón khoảng 115.000 lượt du khách đến tham quan, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2018. Con số này sẽ còn tăng theo thời gian, bởi vậy, bên cạnh các chính sách khuyến mãi dịch vụ, việc tăng cường đầu tư các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới…; một vấn đề quan trọng bậc nhất phải giữ cho được giá trị ưu việt của hệ sinh thái ở thành phố này đó là tài nguyên rừng.
 
Rừng thông tại Tiểu khu 266, Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm bị doanh nghiệp tự ý chặt hạ, đào móng xây dựng công trình trái phép.
Rừng thông tại Tiểu khu 266, Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm bị doanh nghiệp tự ý chặt hạ, đào móng xây dựng công trình trái phép.
 
Luôn tiềm ẩn vi phạm từ hoạt động du lịch
 
Khái niệm “du lịch xanh” ở Việt Nam tuy còn mới mẻ nhưng đó là xu hướng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới mà hiện tại Việt Nam đang tiếp cận. Vì vậy, ngành du lịch nói riêng, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần phải vượt qua nhiều thách thức bởi lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; hạn chế hiệu ứng phát thải khí nhà kính; giảm tiêu thụ năng lượng, nước và quản lý chặt lượng rác thải ra môi trường… 
 
Còn nhớ cách đây hơn hai năm, thực hiện Quyết định số 1976 của UBND tỉnh, 3 đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh. Và chỉ tính riêng ở thành phố Đà Lạt - địa bàn chiếm tỉ trọng cao của ngành Du lịch Lâm Đồng - thì đã có 14 dự án trong số 73 dự án vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), chiếm gần 19,20%.Theo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cho biết, thành phố Đà Lạt có 114 dự án đầu tư với gần 3.275 ha đất lâm nghiệp cho thuê, trong đó chủ yếu là dự án đầu tư về du lịch, diện tích sử dụng đất lâm nghiệp hơn 2.318 ha. 
 
Hầu hết cơ sở du lịch hoạt động dưới tán rừng nên vô hình trung, chính đặc thù “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” đã trở thành “lợi bất cập hại” từ ý thức từ chủ đầu tư thuê đất lâm nghiệp. Tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về “Phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng của tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030”, vào thời điểm năm 2016, Đà Lạt có tổng diện tích 26.332 ha đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó 20.996 ha rừng phòng hộ (gồm rừng tự nhiên 10.403 ha và rừng trồng 3.771 ha) và rừng sản xuất 5.336 ha (gồm rừng tự nhiên 3.190 ha và rừng trồng 574 ha)…
 
Nhưng đến nay, các diện tích này theo quy hoạch mới đã giảm còn 25.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 348 ha, rừng phòng hộ 20.263 ha…
 
Trong khi ấy ngành Du lịch Đà Lạt phát triển vẫn luôn nằm trong “sự bao bọc của rừng” đối với các tuyến, các điểm khai thác kinh doanh. Điều mà ông Võ Thanh Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt thường trăn trở với chúng tôi rằng, ngành nhận thức được tầm quan trọng và tính nhạy cảm này nên luôn ý thức về sự tiềm ẩn nguy cơ vi phạm Luật Lâm nghiệp phát sinh từ hoạt động du lịch, nhất là các đơn vị kinh doanh. 
 
Sai phạm ở dự án trọng điểm 
 
Đầu tháng 3/2017, trên Báo Lâm Đồng, người viết bài này đã cảnh báo về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm. Bởi, đây là dự án trọng điểm phát triển các loại hình du lịch - nghỉ dưỡng của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt khi Chính phủ ký Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 15/2/2017 công nhận KDL hồ Tuyền Lâm trở thành KDL quốc gia. Thời điểm này, Phó Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm Phạm Văn Dân (nay là giám đốc) cho biết, tại KDL do Ban quản lý làm đơn vị chủ rừng có 43 tổ chức được giao, thuê; trong đó có 37 dự án liên quan đến lĩnh vực kinh tế du lịch. Ông Dân cung cấp thêm, tổng diện tích chủ rừng quản lý là 2.830 ha; trong đó, tỉnh đã cho chủ trương và chấp thuận đầu tư 37 dự án với 32 nhà đầu tư đã được giao đất lâm nghiệp, tổng diện tích 1.396 ha, 5 dự án chưa được giao; chủ rừng đang quản lý 1.433 ha. Cũng nên biết rằng, KDL hồ Tuyền Lâm hệ sinh học đa dạng cao, ngoài thông còn có rừng lá rộng thường xanh, giá trị tài nguyên hiếm hoi trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Hạt Kiểm lâm cũng cho biết, hầu hết diện tích giao, cho thuê tại KDL này thuộc trạng thái rừng xung yếu và rừng phòng hộ. 
 
Thế nhưng, rừng và đất lâm nghiệp tại KDL hồ Tuyền Lâm bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng, đến mức có người xót xa ví “bị băm nát”. Chúng tôi không liệt kê tình trạng cụ thể về tài nguyên hệ sinh thái ở đây bị xâm hại và tác động, chỉ nêu khái quát nơi đây hoạt động du lịch đã và đang vi phạm Luật Lâm nghiệp. Không ít chủ dự án bàng quan triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Một số nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, thu vén lợi ích cho mình mà cố tình quên trách nhiệm với xã hội và cộng đồng nên đã có những hành vi phạm như: san ủi đất lâm nghiệp không phép; chặt hạ cây trái pháp luật; xây dựng công trình, kinh doanh du lịch chui… Nêu một số điển hình vi phạm gần đây, đó là chủ dự án xây dựng các công trình không phép như: Công ty Cổ phần đầu tư Lý Khương, Công ty Cổ phần đầu tư Lan Anh Đà Lạt, Công ty TNHH Vườn Thương, Công ty TNHH Li Mi… Hoặc phá rừng, san ủi lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực xung quanh sân golf Sacom; xây dựng Phim trường Secret Garden không phép trong vùng lõi rừng;… Diễn biến của các vụ việc trên đã đến mức Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phải ban hành văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, làm rõ tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xâm lấn vùng lõi KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/4.
 
Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và các cá nhân vi phạm. Cùng đó là liên quan chủ rừng trong tổ chức, phối hợp. KDL hồ Tuyền Lâm nói riêng, các dự án du lịch nói chung luôn tiềm ẩn những thách thức lớn về công tác bảo vệ rừng, vì vậy cần đồng bộ và quyết liệt của nhiều ngành và địa phương liên quan, từ thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án đến tuyên truyền, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm các quy định của pháp luật. Nếu không chấn chỉnh nghiêm túc thì chính hoạt động du lịch, các chủ doanh nghiệp đang “lấy đá tự ghè chân mình” bởi chỉ có trân quý tài nguyên rừng thì du lịch mới phát triển hiệu quả và bền vững. 
 
(CÒN NỮA)
MINH ÐẠO