Thanh niên tiền hôn nhân cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh Thalassemia

07:05, 08/05/2019

(LĐ online) - Hôm nay, 8/5, kỷ niệm 31 năm ngày Thalassemia (bệnh Tan máu bẩm sinh) thế giới, ngành Y tế tập trung truyền thông, tư vấn về phòng bệnh Thalassemia nhằm kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng về căn bệnh Thalassemia để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

(LĐ online) - Hôm nay, 8/5, kỷ niệm 31 năm ngày Thalassemia (bệnh Tan máu bẩm sinh) thế giới, ngành Y tế tập trung truyền thông, tư vấn về phòng bệnh Thalassemia nhằm kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng về căn bệnh Thalassemia để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 
 
Thalassemia là bệnh khá phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới, với 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh. Ở nước ta, có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chỉ có khoảng 50% người mắc bệnh Thalassemia ở Việt Nam đang được điều trị và mỗi năm có thêm 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Bệnh nhân mắc căn bệnh Tan máu bẩm sinh phải điều trị cả đời, thường xuyên phải truyền máu nên rất tốn kém và rất khó tuân thủ điều trị. Hiện nay, mỗi năm cần 2.000 tỷ đồng và khoảng 500.000 đơn vị máu cho 20.000 bệnh nhân đang được điều trị Thalassemia trong cả nước.
 
Theo các chuyên gia y tế lĩnh vực này, bệnh Thalassemia là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Để kiểm soát căn bệnh này thì phòng bệnh là phương pháp hiệu quả nhất với chi phí thấp. Vì vậy, cần tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ về căn bệnh để phòng bệnh một cách chủ động, đặc biệt, thanh niên, nhất là thanh niên tiền hôn nhân cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh Thalassemia nhằm khống chế nguồn gen bệnh tại cộng đồng, tránh sinh ra những đứa trẻ bị bệnh.
 
Việc phòng ngừa bệnh Thalassemia từ gốc bằng các con đường khác nhau như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, cho những người chưa kết hôn thì tốn ít chi phí hơn mà hiệu quả lại cao hơn nhiều lần so với chi phí điều trị, chăm sóc và duy trì cuộc sống cho bệnh nhân Thalassemia. Đó là chiến lược lâu dài để góp phần nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam.
 
Cùng với cả nước, Lâm Đồng đang thực hiện các dự án “Bảo đảm máu an toàn và phòng chống một số bệnh lý huyết học” và dự án “Dân số và phát triển” trong đó có kiểm soát bệnh Thalassemia.  Kết quả sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trong quý I/2019, có 12 đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh cho 2.708 trường hợp trên tổng số 11.377 bà mẹ mang thai, đạt tỉ lệ 23,8%; sàng lọc sơ sinh cho 1.671 trường hợp trên 5.552 trẻ sinh ra, đạt tỉ lệ 30,9%, trong đó phát hiện 25 trường hợp thiếu men G6PD, chiếm tỉ lệ 0,45% và phát hiện 1 trẻ dị dạng bẩm sinh.
 
Hiện nay, các Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh”, “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” đã triển khai tại 12/12 huyện thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn. Duy trì và nhân rộng 60 CLB với 2.918 thành viên tham gia, tổ chức 34 buổi sinh hoạt; tuyên truyền, tư vấn 47 buổi cho 3.730 lượt người; truyền thanh 178 buổi với 890 phút về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiền hôn nhân, kiểm soát các bệnh di truyền, trong đó có Thalassemia, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
AN NHIÊN