Dựa trên kết quả "phân tích thành phần chính" và "chỉ số ICT index", Hội đồng thẩm định đã "đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng". Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị có mức tăng đáng kể so với năm trước, song cũng có nơi tụt hạng gần chục bậc.
Dựa trên kết quả “phân tích thành phần chính” và “chỉ số ICT index”, Hội đồng thẩm định đã “đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng”. Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị có mức tăng đáng kể so với năm trước, song cũng có nơi tụt hạng gần chục bậc.
Phương pháp lựa chọn đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn Lâm Đồng năm 2018 được sử dụng đó là “phân tích thành phần chính - xác suất thống kê”, cùng với “chỉ số ICT index”, bao gồm 4 nhóm tiêu chí: hạ tầng kỹ thuật CNTT, nguồn nhân lực CNTT, ứng dụng CNTT và chính sách đầu tư cho ứng dụng CNTT. Với thang điểm tối đa 500 điểm để đánh giá xếp hạng 3 nhóm: Nhóm đạt mức tốt có từ 430 - 500 điểm, đạt mức khá có từ 350 - 429 điểm và nhóm đạt mức trung bình có số điểm dưới 350 điểm. Qua đó đã tiến hành khảo sát, đánh giá, thu thập và xử lý số liệu đối với 32 sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thông qua 52 tiêu chí thành phần và 12 huyện, thành phố thông qua 57 tiêu chí thành phần để tính điểm xếp hạng.
Theo đánh giá của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định - Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã báo cáo số liệu liên quan đến bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tương đối đầy đủ về số liệu, chất lượng tốt, phản ánh đúng hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT tại đơn vị. Các tiêu chí khảo sát, đánh giá còn bám sát các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT cũng như định hướng, mục tiêu theo “Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020”. Như vậy việc đánh giá, xếp hạng được thực hiện đúng quy định và sát với thực tế của từng cơ quan nhà nước được thẩm định.
Qua đó, báo cáo “đánh giá, xếp hạng” của UBND tỉnh cho thấy, đối với khối các sở, ban, ngành, nhóm đạt mức tốt có 5 cơ quan đó là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh; còn nhóm đạt mức khá có 14 cơ quan nhưng có nhiều thay đổi về vị trí xếp hạng so với năm trước. Cụ thể, có cơ quan tăng 1 - 3 bậc, song bên cạnh đó cũng có cơ quan tăng mạnh từ 4 - 8 bậc trên bảng xếp hạng. Mặt khác, cũng có tới 8 cơ quan giảm bậc, trong đó giảm 1 bậc có 3 đơn vị, giảm 3 bậc có 1 đơn vị, giảm 5 bậc có 1 đơn vị và thậm chí có cơ quan giảm tới 8 - 9 bậc đó là Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tương tự, ở khối cơ quan, đơn vị khác - bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh không có mức tăng giảm bởi có các cơ quan, đơn vị khác được sát nhập nên không đánh giá tăng, giảm bậc xếp hạng. Vì vậy, qua đánh giá xếp hạng đơn vị còn lại, nhóm đạt loại tốt có duy nhất Cục Thuế tỉnh, nhóm đạt mức khá có Bảo hiểm Xã hội, Kho bạc Nhà nước và Chi cục Hải quan Đà Lạt. Đối với khối UBND huyện, thành phố, các cơ quan tăng bậc gồm: UBND huyện Cát Tiên tăng 4 bậc, UBND huyện Đạ Tẻh tăng 3 bậc và UBND huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông cùng tăng 1 bậc. Bên cạnh đó, UBND Lạc Dương giảm 1 bậc, trong khi UBND huyện Đơn Dương giảm tới 8 bậc.
Từ các kết quả trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT với các bước đi cụ thể tại đơn vị. Đó là tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả nền tảng đã đầu tư như trục kết nối liên thông, hệ thống phần mềm, thư điện tử công vụ và các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Đồng thời, phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại cơ quan, đơn vị.
XUÂN TRUNG