Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng những cách làm hay, sáng tạo đã góp phần đổi thay cuộc sống người dân. Ðối với thôn Tân Hóa 2 (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc), chính sự chung sức, đồng lòng của người dân đã biến nơi đây thành một vùng quê thực sự "đáng sống".
Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng những cách làm hay, sáng tạo đã góp phần đổi thay cuộc sống người dân. Ðối với thôn Tân Hóa 2 (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc), chính sự chung sức, đồng lòng của người dân đã biến nơi đây thành một vùng quê thực sự “đáng sống”.
|
Trung tâm thôn Tân Hóa 2 (xã Lộc Nga) ngày càng phát triển sầm uất. Ảnh: H.Đường |
Ðồng lòng, chung sức
Tháng 8/2016, Tân Hóa 2 được chia tách từ thôn Tân Hóa cũ. Hiện, toàn thôn có 475 hộ, với hơn 1.750 nhân khẩu; trong đó, có đến 99% bà con theo đạo Thiên chúa giáo. Thôn có hơn 356 ha đất tự nhiên, với gần 339 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, cà phê và chè vẫn là 2 loại cây trồng chủ lực của người dân địa phương. “Với đại đa số người dân theo đạo Thiên chúa giáo và sinh hoạt tập trung tại 3 giáo họ, nên tinh thần đoàn kết, sống chan hòa của bà con luôn được phát huy tối đa. Đây cũng là thuận lợi để địa phương triển khai, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trên tinh thần “Kính Chúa, yêu nước” và hướng tới chuẩn mực “Sống tốt đời, đẹp đạo” trong Nhân dân. Từ đó, tạo nên sức mạnh đoàn kết, gắn bó cùng nhau đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - ông Đỗ Giáo Hóa, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc Nga, Trưởng thôn Tân Hóa 2 khẳng định.
Để phát triển kinh tế, những năm qua, người dân thôn Tân Hóa 2 đã không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà cụ thể đã ghép cải tạo được hơn 95% diện tích cà phê. Tương tự, 100% diện tích chè cũng được bà con chuyển đổi qua các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả như sầu riêng ghép, bơ ghép… có giá trị kinh tế cao cũng được bà con chú trọng đầu tư phát triển. Không những vậy, nhiều trang trại chăn nuôi gà, heo theo hướng bán công nghiệp cũng được bà con đầu tư, mở rộng… Nhờ vậy, đời sống của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên theo hướng tăng hộ giàu, hộ khá và giảm nhanh hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Hóa 2 đã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn còn lại 8 hộ nghèo (chủ yếu là người già neo đơn hay ốm đau, bệnh tật).
Bên cạnh tập trung đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, người dân nơi đây còn thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, nổi bật là phong trào xây dựng hạ tầng nông thôn.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, người dân địa phương đã đóng góp gần 1,5 tỷ đồng, trên 500 ngày công và hiến hơn 8.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn.
Đến nay, 4/4 tuyến đường giao thông trên địa bàn đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cùng với đó, hệ thống điện đường chiếu sáng cũng đã phủ khắp 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn. Ông Trần Đức Hải, người dân thôn Tân Hóa 2, phấn khởi: “Trước đây, tuyến đường Suối đá Tân Hóa có chiều dài gần 2 km là đường đất, nhỏ hẹp nên việc đi lại vận chuyển nông sản, phân bón của bà con chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014, tuyến đường này được triển khai thi công theo hình thức “Nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân đối ứng 30%”. Theo chủ trương (người dân đóng góp dựa trên diện tích đất và nhà ở mặt đường), gia đình tôi đã đóng góp gần 5 triệu đồng làm đường. Giờ đây, đường được thảm nhựa rộng rãi đi lại thuận tiện, nên bà con ai nấy đều phấn khởi, vui mừng”.
Vùng quê đáng sống
Nhìn vào tổng thể bộ mặt nông thôn ở Tân Hóa 2 cho thấy, cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng khang trang “xanh - sạch - đẹp”; các hoạt động văn hóa tinh thần, tôn giáo dần đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, phù hợp với đời sống và lan tỏa các phong trào thi đua sôi nổi trong toàn dân.
Để Tân Hóa 2 ngày càng phát triển và trở thành một vùng quê “đáng sống”, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn và các đoàn thể luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, các mô hình “Tiếng còi an ninh”, “Giáo họ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và môi trường”… được thành lập, hoạt động có hiệu quả. Để đảm bảo tình hình ANTT, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, lực lượng dân quân, tổ tự quản thôn thường xuyên phối hợp với Công an xã tổ chức công tác tuần tra kiểm soát.
Cùng với đó, Ban Nhân dân thôn còn phối hợp tốt với Hội đồng Giáo xứ (Nhà thờ Tân Hóa), vận động, kêu gọi bà con giáo dân sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Ông Trần Xuân Toán, người dân thôn Tân Hóa 2, vui mừng: “Nhờ NTM, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi rõ nét, đời sống người dân chúng tôi ngày càng được nâng lên. Là người dân, được sống ở vùng quê đầy đủ, bình yên, tình làng - nghĩa xóm chan hòa như Tân Hóa 2, thật sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Ông Ngô Đức Hải - Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc Nga, cho biết: “Lộc Nga có 10 thôn, qua việc lấy phiếu thăm dò về sự hài lòng trên tất cả các lĩnh vực của người dân thì toàn xã đạt 95%. Trong đó, riêng thôn Tân Hóa 2, mức độ hài lòng của người dân đạt tới 98%… Điều đó cho thấy, NTM là một chương trình lớn có tính chiến lược, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, bởi giá trị cốt lõi cuối cùng là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. NTM đã thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ để những miền quê vươn tới những nơi đáng sống nhất. Với những gì đang có, Tân Hóa 2 đang là một vùng quê “đáng sống” của người dân địa phương”.
HẢI ÐƯỜNG