Ðể học sinh dân tộc thiểu số thêm yêu tiếng Việt

08:05, 03/05/2019

Là địa phương có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bên cạnh tập trung nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt trên lớp thì ngành Giáo dục Lâm Ðồng thường xuyên tăng cường vốn tiếng Việt cho các em thông qua chương trình giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học.

Là địa phương có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bên cạnh tập trung nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt trên lớp thì ngành Giáo dục Lâm Ðồng thường xuyên tăng cường vốn tiếng Việt cho các em thông qua chương trình giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học.
 
Qua chương trình giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học, giúp học sinh DTTS thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt của mình.
Qua chương trình giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học, giúp học sinh DTTS thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt của mình.
 
Đây là năm đầu tiên, cô bé Liêng Jrang Thảo Linh - học sinh Trường Tiểu học Đạ Sar (huyện Lạc Dương) được tham gia giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng cô học sinh lớp 4 người dân tộc K’Ho thể hiện khá lưu loát vốn tiếng Việt của mình. “Khi học ở lớp em được thầy cô dạy bảo tận tình, lại được tiếp xúc với các bạn học sinh người Kinh nên tiếng Việt đối với em cũng thân thuộc như tiếng mẹ đẻ. Em rất thích học môn tiếng Việt vì biết được nhiều điều hay”, Liêng Jrang Thảo Linh chia sẻ.
 
Trong khi tại một số địa phương khác, đội dự thi được tuyển chọn từ những gương mặt xuất sắc của nhiều trường thì tại Lạc Dương, đội thi Trường Tiểu học Đạ Sar là đại diện cho huyện tham gia giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tỉnh sau khi đoạt giải nhất chương trình giao lưu cấp huyện. Bên cạnh vị trí “quán quân” cấp huyện nhiều lần thì khả năng thể hiện tiếng Việt của học sinh DTTS trường vùng sâu Đạ Sar là tiêu chí để cả đội hình được chọn. 
 
Với trên 90% học sinh DTTS, bằng nhiều biện pháp tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh, những năm gần đây, Trường Tiểu học Đạ Sar trở thành điểm sáng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng DTTS. Cô Hiệu trưởng Bùi Thị Soa cho hay: “Nhà trường luôn chú trọng đến tiếng Việt trên lớp giúp học sinh có thêm vốn tiếng Việt. Ngoài giảng dạy ở lớp, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ như kể chuyện theo sách, giao lưu tiếng Việt giữa học sinh các lớp, đẩy mạnh hoạt động thư viện để học sinh được tăng cường vốn tiếng Việt. Do đó, chất lượng dạy - học tiếng Việt của trường ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, học sinh thích học tiếng Việt hơn, nói tiếng Việt chuẩn hơn, và học tốt tiếng Việt sẽ giúp các em học tốt các môn khác”. 
 
Định kỳ 2 năm/lần, chương trình giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học được tổ chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh là một hoạt động “học mà chơi - chơi mà học”. Các nội dung giao lưu nhằm phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh DTTS cấp tiểu học, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt và tình yêu tiếng Việt của các em. 
 
Tại sân chơi này, học sinh DTTS cấp tiểu học có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cách thức, phương pháp học tập môn tiếng Việt. Ở phần giới thiệu của các đội về nét văn hóa dân tộc địa phương, từng học sinh sẽ được thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt cũng như sự hiểu biết của mình về bản sắc dân tộc. Phần kể chuyện tiếng Việt với những câu chuyện ý nghĩa không những khuyến khích học sinh đọc sách, mà còn là cơ hội để học sinh DTTS thể hiện sự tự tin, diễn cảm và tính lưu loát trong sử dụng tiếng Việt. Trong phần tìm hiểu về kiến thức kỹ năng tiếng Việt giúp học sinh DTTS có thêm sự hiểu biết phong phú về tiếng Việt cũng như phương pháp học tập môn học này. Không chỉ có thêm kiến thức về môn tiếng Việt, học sinh DTTS còn được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Việt một cách linh hoạt qua các nội dung kể chuyện, đóng kịch, hát múa...
 
“Ý nghĩa của chương trình giao lưu là giúp học sinh DTTS trau dồi khả năng sử dụng tiếng Việt và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Nội dung này đã khích lệ phong trào thi đua dạy tốt - học tốt môn tiếng Việt cho học sinh DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt trong nhà trường vì đây là môn học quan trọng ở cấp tiểu học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Đồng thời, hoạt động dạy học và việc tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS ở môi trường lớp học như góc ngôn ngữ, lồng ghép các hoạt động ngoại khóa luôn được các trường tiểu học có học sinh DTTS chú trọng, đặc biệt là tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS chuẩn bị vào lớp 1... Qua đó, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt nhằm hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học”, ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết. 
 
VIỆT HÙNG