Gắn bó với học sinh xã vùng sâu, vùng xa Ðưng K'Nớ (huyện Lạc Dương) từ khi mới ra trường, bằng tâm huyết cũng như tình yêu thương học trò, cô giáo trẻ dân tộc Nùng - Vi Thúy Kiều chưa một lần nghĩ đến việc chuyển ra vùng thuận lợi…
Gắn bó với học sinh xã vùng sâu, vùng xa Ðưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) từ khi mới ra trường, bằng tâm huyết cũng như tình yêu thương học trò, cô giáo trẻ dân tộc Nùng - Vi Thúy Kiều chưa một lần nghĩ đến việc chuyển ra vùng thuận lợi…
Cô giáo Vi Thúy Kiều. Ảnh: V.Hùng |
Năm học 2018 - 2019 vừa kết thúc, cô giáo Vi Thúy Kiều - Trường TH&THCS Đưng K’Nớ thu xếp đồ đạc tranh thủ về thăm nhà mấy bữa, để rồi trở lại trường làm công tác vận động học sinh ra lớp. Đã 7 mùa hè kể từ khi trở thành giáo viên như mơ ước thuở còn nhỏ, cô đều như vậy. Nhà ở ngay trong tỉnh Lâm Đồng - huyện Cát Tiên, nhưng mỗi năm cô chỉ về thăm cha mẹ già được đôi lần. Thời gian còn lại, cô gắn bó với những học trò nơi xã nghèo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này. Trong căn phòng nhỏ của dãy tập thể giáo viên, cô Vi Thúy Kiều vẫn miệt mài cùng từng trang giáo án. Tên, hoàn cảnh, nhà ở của từng học sinh, cô đều thuộc nằm lòng. Chưa một lần, cô có ý định rời mái trường và những khuôn mặt thân thuộc của học sinh nơi đây.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô giáo trẻ Vi Thúy Kiều háo hức vượt hơn 200 cây số từ nhà ở Cát Tiên vào Đưng K’Nớ nhận công tác. “Khi ấy, Đưng K’Nớ khó khăn hơn những gì tôi tưởng tượng. Chứng kiến sự thiếu thốn của cuộc sống nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn này, tôi càng cảm phục những thầy cô giáo đi trước đã không quản ngại vất vả bám trụ với trường và càng thương cho sự thiệt thòi của các em học sinh nơi đây. Tôi thấy mình càng phải kiên trì, cố gắng hơn nữa trong công việc”, cô Thúy Kiều chia sẻ.
Sự kiên trì, cố gắng là những ngày không quản nắng mưa, cô cùng các giáo viên trong trường đến tận từng nhà khắp xã vận động học sinh ra lớp; từng đôi dép, gói mì tôm cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các thầy cô san sẻ từ đồng lương… Và hơn hết, trong giảng dạy, ngoài những kiến thức, kỹ năng được trang bị ở trường sư phạm, cô nỗ lực học hỏi các giáo viên có kinh nghiệm và tìm tòi thêm tài liệu để soạn giảng cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Là giáo viên bộ môn Hóa - Sinh, cô cố gắng truyền cảm hứng học tập cũng như động viên, khích lệ học sinh trong từng tiết học. Đồng thời, tích lũy kinh nghiệm sau mỗi bài giảng, mỗi lần dự giờ, tập huấn để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng giảng dạy cho bản thân. Với cô, “còn gì vui hơn sau mỗi tiết học lại thấy gương mặt của học sinh rạng ngời vì hiểu bài, vì học được nhiều điều bổ ích”.
Trường TH&THCS Đưng K’Nớ với gần như 100% học sinh là đồng bào DTTS, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em nên giáo viên vừa là thầy cô, vừa như cha mẹ ở trường. Được giao làm công tác chủ nhiệm, bằng tình thương và trách nhiệm, cô Vi Thúy Kiều dành nhiều thời gian tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các em trong học tập và đời sống. Cô đặc biệt chú ý đến việc phối hợp với phụ huynh và các đoàn thể trong nhà trường để giáo dục đạo đức cho học sinh. Cô Thúy Kiều không chỉ gặp gỡ phụ huynh khi học sinh đã nghỉ học dài ngày hay khi có học sinh vi phạm, mà thường xuyên trao đổi để thông báo tình hình học tập, rèn luyện, khen khi học sinh có tiến bộ… ; qua đó phụ huynh quan tâm hơn đến việc học tập cũng như sự thay đổi tâm sinh lý của con, và có biện pháp phù hợp trong giáo dục con em. Từ sợi dây gắn kết đó, việc cùng phối hợp để giáo dục, dạy dỗ học sinh dường như thuận lợi hơn. Lớp cô chủ nhiệm có 100% học sinh DTTS, tính tình nhút nhát, cô thường xuyên quan tâm, khích lệ để các em tự tin, mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể. Do vậy, lớp cô luôn dẫn đầu trong các phong trào của trường.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong công tác, sau các năm học, cô Thúy Kiều đều được nhà trường ghi nhận là giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, được UBND huyện Lạc Dương khen thưởng danh hiệu lao động tiên tiến. Và phần thưởng quý giá nhất cô nhận được sau 7 năm làm công tác chủ nhiệm là nhiều học sinh đã ra trường nhưng vẫn luôn nhớ về cô, thường xuyên hỏi thăm và luôn tâm sự với cô những khi gặp khó khăn.
“Cô Vi Thúy Kiều là giáo viên trẻ rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề và bám trường, bám lớp. Cô luôn chủ động, tích cực trong công tác vận động cũng như có những giải pháp kịp thời nhằm giúp đỡ, động viên học sinh khó khăn ra lớp. Cô cũng là một trong những giáo viên tiên phong trong hưởng ứng và tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy”, thầy Nguyễn Đặng Nho - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đưng K’Nớ nhận xét.
VIỆT HÙNG