Liêng Hót Jô Sếp (26 tuổi), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Ðạ Long - từng là cầu thủ bóng đá được đào tạo ở Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ấn tượng của chúng tôi với Jô Sếp có lẽ chỉ dừng lại ở đó nếu không biết rằng đây là thanh niên đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại ở Ðạ Long đi ngược lại hủ tục, không chấp nhận thách cưới để tự lựa chọn hạnh phúc từ tình yêu.
Liêng Hót Jô Sếp (26 tuổi), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã Ðạ Long - từng là cầu thủ bóng đá được đào tạo ở Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ấn tượng của chúng tôi với Jô Sếp có lẽ chỉ dừng lại ở đó nếu không biết rằng đây là thanh niên đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại ở Ðạ Long đi ngược lại hủ tục, không chấp nhận thách cưới để tự lựa chọn hạnh phúc từ tình yêu.
|
Thanh niên DTTS xã Đạ Long vẫn còn sống trong tục bắt chồng, chịu cảnh thách cưới. Ảnh: N.Ngà |
Ði ngược lại hủ tục, lựa chọn tình yêu
Jô Sếp sinh ra ở Thôn 4, xã Đạ Long - nơi mà người ta vẫn nhắc đến như một vùng đất còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu ở khu vực Đầm Ròn. Có lẽ bởi thế mà mặc dù bố Jô Sếp, ông Kra Jan Ha Pút là Bí thư chi bộ thôn, mẹ anh - bà Liêng Hót K’Wo là cán bộ trạm y tế xã, song gia đình vẫn chưa thoát khỏi tục bắt chồng và tệ thách cưới.
Sinh năm 1993, tròn 12 tuổi Jô Sếp trúng tuyển và được đi đào tạo tại Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Sau thời gian học tập, huấn luyện và thi đấu trong màu áo đội tuyển này, đến năm 2012 Jô Sếp đã chuyển qua thi đấu cho CLB NaviBank Sài Gòn. Nhưng không may, trong một lần thi đấu, Jô Sếp bị chấn thương nặng ở đầu gối nên không thể tiếp tục theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp. Tháng 6/2014, anh trở về nhà và tham gia hoạt động trong Ban CHQS xã. Sau đó, được Ban CHQS huyện Đam Rông giới thiệu đi học tại Trường Quân sự Quân khu 7 và trở về đảm nhận cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đạ Long.
Năm 2017, một gia đình trong xã có cô con gái xinh đẹp, công việc ổn định, mặc dù hơn Jô Sếp hai tuổi song cũng đã đặt vấn đề bắt Jô Sếp về làm chồng. Đa số ở vùng này khi con gái xác định đi hỏi cưới ai là phải cưới cho bằng được người đó. Ngay cả chính chị gái của Jô Sếp cũng đi bắt chồng. Bởi vậy bố mẹ Jô Sếp đã đồng ý.
“Người ta mang cườm, vàng tới hỏi 7 lần. 5 lần đầu em không có mặt vì vậy việc không thành. Lần thứ 6, thứ 7 thì không thể tránh được nữa. Mặc dù bố mẹ, họ hàng khuyên nhủ rất nhiều nhưng suy nghĩ mãi em vẫn quyết định trả lễ”, Jô Sếp nói. Việc Jô Sếp từ chối và trả lễ là điều rất khó khăn bởi hành động đó không chỉ làm xấu hổ cô gái muốn bắt chồng mà cũng khiến cả cộng đồng chê cười, quay lưng lại với gia đình Jô Sếp. Bởi thế, dù đã gần 2 năm trôi qua, song khi làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, mỗi lần có việc xuống tiếp xúc với bà con người ta vẫn chỉ trỏ, dè bỉu, nói lời cạnh khóe chê cười Jô Sếp. Họ hàng nhà cô gái vẫn trách cứ ba mẹ Jô Sếp. Và thậm chí có người còn bảo “Jô Sếp nó bỏ một đời vợ rồi”… Nhưng bỏ mặc ngoài tai, với Jô Sếp “hạnh phúc là của riêng mình, phải do mình tự lựa chọn. Hôn nhân cả đời phải xây dựng từ tình yêu, không ai có thể làm thay mình điều đó hết”. Bởi vậy, anh vẫn kiên định với tình yêu dành cho cô gái người DTTS quê ở Di Linh mà anh quen khi tham gia thi đấu bóng đá ở Sài Gòn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long Trương Văn Sáng: “Chưa có trường hợp thứ hai từ chối việc bắt chồng ở Đạ Long như Jô Sếp, dám đi ngược lại với những hủ tục lạc hậu của cha ông”.
Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long nhận định rằng: ở một khu vực còn nặng nề các hủ tục như Đạ Long, tệ thách cưới, tục bắt chồng đã làm không ít người có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu đựng, bởi nếu ly hôn sẽ bị buôn làng phạt nặng. Hiện cũng có một số cặp vợ chồng người DTTS quyết định ly hôn nên xét góc độ nào đó thì đấy cũng là sự tiến bộ...
Vẫn còn “áp lực” từ hủ tục bắt chồng, thách cưới
Bên cạnh những phong tục truyền thống tốt đẹp đã trở thành những nét văn hóa đặc sắc, thì nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn dai dẳng đeo bám trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có tục bắt chồng.
Mặc dù hiện nay, cuộc sống ở vùng đồng bào DTTS đang từng bước được cải thiện, điều kiện về văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, nhưng hủ tục ấy vẫn chưa được xóa bỏ hết.
Trước khi con gái cưới con trai, nhà gái phải đến nhà trai nhiều lần. Lần đầu tiên là chạm ngõ, nếu nhà trai đồng ý, thì sẽ định ngày đám hỏi với những thỏa thuận quà tặng cho họ nhà trai (cậu, dì) trong đám hỏi, thường là vòng đồng, chuỗi hạt cườm, tô chén bằng sứ… Và hiện nay quà tặng ấy còn là tiền, vàng nên tục “bắt chồng” vẫn song hành với tệ “thách cưới”.
Việc Jô Sếp, điển trai, khỏe mạnh, có công việc ổn định sẽ càng “có giá” hơn người khác. Nếu như ngày xưa “đồng la ba chóe” (lễ vật thách cưới), thì nay lễ vật nhà gái phải đưa cho nhà trai được quy ra giá tiền, vàng.
Cũng vì thách cưới kiểu trao đổi gả bán mà vị trí của chàng rể khi về gia đình nhà vợ thường không có tiếng nói, hoặc tiếng nói không được coi trọng, mọi quyết định đều do gia đình nhà vợ quyết định, những anh trai, em trai, những “ông cậu” bên vợ quyết định.
Khi chàng trai cô gái “tình trong như đã” đến với nhau thì việc “bắt chồng” không còn đáng ngại nhưng tệ “thách cưới” vẫn để lại cho cuộc hôn nhân ấy nhiều gánh nặng mà rõ ràng nhất là nợ nần. Còn đối với những cuộc hôn nhân không tình yêu mà là kết quả của việc “bắt chồng” và “thách cưới” thì đó là chuỗi ngày của sự chịu đựng về mặt tinh thần và áp lực về vật chất. Bởi thế, việc những người trẻ, mà cụ thể ở đây là Jô Sếp dám đi ngược hủ tục, chọn cho mình sống có lí tưởng, có tình yêu như thanh âm trong trẻo gợi mở tương lai tươi sáng hơn ở nơi còn tập tục “bắt chồng” và “thách cưới” như Đạ Long.
HOÀNG MY