Hiệu quả thiết thực từ giải pháp họp trực tuyến

08:06, 05/06/2019

Không ít cuộc họp xoay quanh các sự kiện lớn lẫn những nội dung cụ thể trong ngành giáo dục trước nay đòi hỏi sự tập trung thời gian, công sức của nhiều cán bộ, giáo viên dự họp. Ðể giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục huyện Ðức Trọng đã và đang áp dụng giải pháp họp trực tuyến để tạo nên hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc họp, tiết giảm thời gian, chi phí.

Không ít cuộc họp xoay quanh các sự kiện lớn lẫn những nội dung cụ thể trong ngành giáo dục trước nay đòi hỏi sự tập trung thời gian, công sức của nhiều cán bộ, giáo viên dự họp. Ðể giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục huyện Ðức Trọng đã và đang áp dụng giải pháp họp trực tuyến để tạo nên hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc họp, tiết giảm thời gian, chi phí.
 
Ngành Giáo dục Đức Trọng thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: T.Hương
Ngành Giáo dục Đức Trọng thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: T.Hương
 
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) huyện Đức Trọng, các năm trước đây, thực tế có không ít cuộc họp trong ngành diễn ra liên tục nhưng hội trường họp lại chật hẹp, không đủ chỗ ngồi cho hàng trăm người tham dự. Thậm chí, có khi cuộc họp này chưa xong đã có các cuộc họp khác, tiêu tốn rất nhiều thời gian của lãnh đạo Phòng Giáo dục và công chức, viên chức, người lao động các trường trên địa bàn huyện.
 
Một khó khăn khác là với địa bàn trải rộng, có 5 xã thuộc vùng sâu, xa của huyện nên thực tế có nhiều trường cách xa Phòng GDĐT từ 20 km đến hơn 40 km. Chính vì vậy, để giúp rút ngắn thời gian, tăng hiệu lực, hiệu quả, giải pháp họp trực tuyến được áp dụng tối đa trong các sự kiện của ngành Giáo dục huyện Đức Trọng thời gian gần đây.
 
Giải pháp này bắt đầu được áp dụng vào tháng 8/2017, với nguồn kinh phí trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến lên tới 2,6 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách nhà nước do UBND huyện cấp. Hiện có 28 trường bậc mầm non, 31 trường tiểu học và 20 trường THCS địa phương được áp dụng giải pháp trên.
 
Thực tế tại tất cả các trường cho thấy, hệ thống họp trực tuyến đã giúp cho việc nắm bắt thông tin trở nên kịp thời, nhanh chóng; góp phần tăng cường hiệu quả chỉ đạo, điều hành giữa Phòng GDĐT và các trường học. Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Tà Hine, là một trong 14 đơn vị được đặt điểm cầu cho biết: “Trước kia, khi chưa áp dụng hệ thống họp trực tuyến, nhiều trường vùng sâu, vùng xa chỉ cử lãnh đạo đến dự họp vì đường xa, mà sức chứa ở phòng họp không đủ để các giáo viên khác tham dự. Việc áp dụng phương thức họp trực tuyến không chỉ giảm thiểu chi phí đi lại mà còn có thể triệu tập được đông đủ thành phần tham gia để cùng nắm bắt thông tin, không chỉ Ban Giám hiệu mà còn có các tổ trưởng, giáo viên, nhân viên tham dự”. 
 
Đại diện Phòng GDĐT Đức Trọng cho biết, ngành Giáo dục huyện đã sử dụng hệ thống phòng họp trực tuyến thường xuyên với 15 điểm cầu (điểm cầu chính đặt tại Phòng GDĐT và kết nối với 14 điểm cầu đặt ở các trường THCS của 14 xã trong huyện) để thực hiện hội nghị trực tuyến đối với các hội nghị như: sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề trong toàn ngành và các cấp họp.
 
Hiệu quả bước đầu có thể nhìn thấy rõ rệt là hệ thống họp trực tuyến đã cơ bản thay thế cách họp giao ban truyền thống, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng mạng và thiết bị điện tử đa phương tiện. Đồng thời, giảm thiểu thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong giao thông cũng như các trường có điều kiện bố trí thời gian cho các thành phần mở rộng. 
 
Đồng thời, thông qua phương pháp này đã tăng cường trách nhiệm của người lãnh đạo cơ sở, hạn chế những nội dung họp không quá cần thiết. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin các cuộc họp của những cơ quan trong hệ thống hành chính không chỉ giảm về lượng, mà sẽ tăng về chất theo yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính hiện nay.
 
Theo số liệu từ Phòng GDĐT huyện Đức Trọng, có 79/79 (đạt 100%) trường học bậc mầm non, tiểu học tới THCS đã ứng dụng cách họp trực tuyến để giảm thiểu chi phí đi lại, đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, đôi lúc hệ thống bị nghẽn mạng, đường truyền chưa thật ổn định; khi có sự cố cúp điện đột xuất… Bên cạnh đó, là tại các điểm cầu không có cán bộ chuyên trách có trình độ để khắc phục các sự cố phát sinh ngoài ý muốn.         
 
THÂN THU HIỀN