Hợp tác các bên mới bảo tồn, phát triển bền vững được tài nguyên thiên nhiên

07:06, 26/06/2019

Một trong những nguyên nhân chính gây áp lực lên rừng là việc mở rộng đất canh tác. Nhằm giảm thiểu, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang vừa tổ chức hội nghị gồm nhiều chuyên gia quốc tế và các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam theo tinh thần Diễn đàn quản lý hợp tác.

Một trong những nguyên nhân chính gây áp lực lên rừng là việc mở rộng đất canh tác. Nhằm giảm thiểu, Khu Dự trữ Sinh quyển (KDTSQ) thế giới Langbiang vừa tổ chức hội nghị gồm nhiều chuyên gia quốc tế và các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam theo tinh thần Diễn đàn quản lý hợp tác (CMP). Các bên thảo luận các vấn đề địa phương liên quan đến quản lý KDTSQ nhằm đạt được thỏa thuận/đồng thuận về giải pháp và chia sẻ phương thức hoạt động tốt. 
 
Hội nghị về Diễn đàn hợp tác các bên của KDTSQ thế giới Langbiang, tháng 6/2019. Ảnh: M.Đạo
Hội nghị về Diễn đàn hợp tác các bên của KDTSQ thế giới Langbiang, tháng 6/2019. Ảnh: M.Đạo
 
Thời gian qua, trong số KDTSQ và vườn quốc gia ở Việt Nam, KDTSQ thế giới Langbiang và Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà may mắn nhận được nhiều hỗ trợ đắc lực của nhiều tổ chức, nhà khoa học quốc tế và trong nước. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kiêm Trưởng Ban Quản lý KDTSQ thế giới Langbiang ghi nhận những hiệu quả thiết thực này, trong đó đặc biệt từ Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) - Hợp phần 3 do JICA, Nhật Bản tài trợ. Bà Kanto Yuko (Cố vấn dự án Văn phòng JICA Việt Nam) cũng đánh giá: Các hoạt động của Dự án SNRM đã đạt nhiều kết quả với sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng, công ty tư nhân và các bên liên quan. 
 
Đến từ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương, Trưởng ban Vũ Xuân Thôn nhấn mạnh đến tính tất yếu của các hoạt động quản lý bảo vệ rừng là phải gắn với phát triển và sử dụng rừng bền vững, gắn với đảm bảo an toàn về môi trường, xã hội và sinh kế cộng đồng. Trưởng nhóm tư vấn Hợp phần 3 của Dự án SNRM, chuyên gia Kensei Oda đã tóm tắt kết quả hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho VQG Bidoup - Núi Bà giai đoạn 2010-2013”. Được biết, trong giai đoạn này, có 5 thôn mục tiêu của dự án là Đạ Blah, Đạ Tro, Đạ Ra Hoa - xã Đa Nhim; Bon Dưng 1, Bonnơr B - thị trấn Lạc Dương với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc K’Ho. Đây là đối tượng có diện tích đất canh tác nhỏ (trung bình 0,8 ha/hộ); hầu hết canh tác trên đất đồi, đất nương rẫy cũ đang nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nên không có quyền sử dụng đất, do đó đối mặt nguy cơ mất “đất nông nghiệp”. Mặt khác, họ độc canh cây cà phê với lợi nhuận thấp; phụ thuộc nhiều vào thương lái, hàng quán, từ bán hạt cà phê đến mua phân bón…Việc thực hiện dự án nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng, căn cơ là giải quyết mối quan hệ giữa người dân với chủ rừng và chính quyền địa phương. Từ đây, có hai nội dung chính: cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM), bằng tăng năng suất cây trồng; thu nhập thêm từ hoạt động du lịch sinh thái; tạo Quỹ phát triển thôn cho cộng đồng; và xây dựng quy chế hương ước cấp thôn, vừa tạo ra những chế tài ràng buộc, vừa xây dựng quan hệ cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ (cả nâng cao sinh kế và quản lý bảo vệ rừng). Qua quá trình triển khai dự án, hợp phần 3, giai đoạn 2015-2020 thì điều phối viên Nomura Takuya cho rằng, đây là công cụ tốt để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và là hoạt động sẽ hiệu quả hơn với mô hình mở rộng BSM. Bởi mục tiêu của dự án đặt ra là thiết lập được khung thể chế cần thiết cho quản lý và vận hành (quản lý hệ sinh thái tổng hợp và hợp tác); Thỏa thuận quản lý hợp tác có các cơ chế chia sẻ lợi ích được nâng cấp như là một công cụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng tại vùng lõi và vùng đệm; Các kết quả theo dõi diễn biến rừng và giám sát đa dạng sinh học được sử dụng cho việc quản lý vùng lõi, vùng đệm của KDTSQ và đưa ra một số kiến nghị của dự án. Thực tiễn tại KDTSQ Langbiang đã và đang khẳng định những định hướng và hiệu quả các hoạt động của dự án. 
 
Vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên còn được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh thực tiễn khác về Lâm Đồng nói chung và Langbiang nói riêng của các chuyên gia. Đó là những phân tích, sự đề xuất và nêu giải pháp của Brian Bean (Giám đốc Dự án Rừng và đồng bằng do USAiD tài trợ) thông qua chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng; Richard Rastal (Cố vấn dự án SNV) về Dự án Café - REDD theo hướng nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng cho REDD+; Nguyễn Thế Trường An (đại diện Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz) về dự án nghiên cứu đa dạng sinh học tại KDTSQ Langbiang. Vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững, cải thiện sinh kế, hợp tác công tư càng được tập trung thảo luận sôi nổi từ các ý kiến: ông Lê Văn Thiện (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam); GS Nguyễn Hoàng Trí (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam); Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều; ông Nguyễn Thanh Phương (Văn phòng Liên Hiệp quốc - Việt Nam); bà Tô Thị Thu Hương (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ); bà Đặng Thùy Vân (Tổng cục Môi trường); ông Nguyễn Hữu Thiện (Vụ Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Hiro Myzazono (Cố vấn trưởng Dự án SNRM); ông Brian Bean (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); ông Lưu Hồng Trường (Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam)...
 
Kết luận Hội nghị, TS Phạm S đánh giá cao những ý kiến thiết thực của các chuyên gia và nhà quản lý, đồng thời đưa ra một số nhiệm vụ tới đây đối với KDTSQ thế giới Langbiang để KDTSQ được bảo tồn vừa song hành phát triển bền vững thông qua các hoạt động cụ thể như: quảng bá tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, hoạt động du lịch, hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa; cải thiện sinh kế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học...
 
MINH ÐẠO