Sau hai năm 2018 và 2019 xuống đồng cùng nông gia của phố hoa Ðà Lạt và vùng phụ cận, tôi được hai lần mời ra thủ đô Hà Nội nhận 3 giải B, C và Khuyến khích cuộc thi báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Sau hai năm 2018 và 2019 xuống đồng cùng nông gia của phố hoa Ðà Lạt và vùng phụ cận, tôi được hai lần mời ra thủ đô Hà Nội nhận 3 giải B, C và Khuyến khích cuộc thi báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
|
Tác giả nhận Giải báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
Hơn năm năm trước, từ phóng viên nội chính điều chuyển sang mảng nông nghiệp, tôi bắt đầu hướng đề tài viết về các mô hình công nghệ cao, ngõ hầu cung cấp thêm nguồn dữ liệu từ thực tế ruộng đồng để các cơ quan chuyên ngành tham khảo, tổng hợp đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế quản lý, điều hành và định hướng sát hợp hơn. Nhưng chọn mô hình ở đâu, cách tiếp cận thu thập thông tin bao lâu, thể hiện bằng thể loại báo chí nào, văn phong viết ra sao... là những câu hỏi luôn đeo đẳng trong tư duy tác nghiệp của tôi mỗi khi đi về với nông gia bên những thửa rau, luống hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt và những vùng phụ cận được gắn thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Với Đà Lạt và vùng phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng thì tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi, khả năng tiếp cận, nắm bắt nhanh nhạy khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nghề nông đã được khẳng định. Vấn đề xuyên suốt còn lại là tôi phải trải nghiệm, thấu cảm và chia sẻ những trăn trở, nhân lên những niềm vui và trao đổi thêm những kinh nghiệm sản xuất đã ghi chép được từ những hộ nông dân này đến những hộ nông dân khác, qua đó nối dài mối quan hệ gần gũi đến từng nhà vườn. Cứ tích trữ thường xuyên chất liệu như vậy, từ 1 năm đến 2 năm rồi 5 năm, tôi chọn những mô hình đặc biệt nổi trội, mới lạ và khác biệt sáng tạo, tô đậm trong sổ tay thành những nguồn thông tin chủ lưu, sau đó lên đề cương loạt 5 bài phản ánh với tiêu đề: “Rau, hoa công nghệ cao - nhân rộng cách nào?”. Trong đó mỗi bài (ở 4 bài đầu) đều nêu những giải pháp phát huy và nhân rộng mô hình phù hợp; bài cuối (bài 5) khẳng định những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh Lâm Đồng trong định hướng, điều hành theo từng giai đoạn phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Viết, đọc lại và hoàn chỉnh văn phong, bổ sung dữ liệu tiêu biểu nhất trong 5 bài viết rồi chuyển lên Ban Biên tập Báo Lâm Đồng. Nhờ chủ động lên trước đề cương và chuyển bài đúng thời gian nên Ban Biên tập Báo Lâm Đồng cũng đã kịp thời phân công biên tập viên duyệt đăng lên Báo Điện tử và Báo in Lâm Đồng trong 5 số báo liền kề. Sau khi đón nhận từng bài viết đăng tải trên hai hình thức chuyển tải này của cơ quan truyền thông Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nhiều bạn đọc đã kết nối với tôi để tìm hiểu quy trình, kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận các nguồn giống mới, bày tỏ nguyện vọng tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm gắn với thị trường…
Vào tháng 2/2018, loạt 5 bài “Rau - hoa công nghệ cao - nhân rộng cách nào” nói trên của tôi được trao giải B (thể loại Báo Điện tử - không có giải A) cuộc thi báo chí toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Theo địa chỉ trong loạt bài của tôi, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà báo trong cả nước lần lượt tìm đến những mô hình rau - hoa công nghệ cao Đà Lạt để nghiên cứu, học tập và lan tỏa thông tin đến nhiều vùng nông nghiệp khác trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung.
Có thêm động lực xuống đồng cùng nông gia Đà Lạt và các vùng phụ cận, đến tháng 5 và tháng 9/2019, tôi tiếp tục hoàn thành 2 loạt bài đăng trên Báo Điện tử và Báo in Lâm Đồng. Đó là loạt 6 bài “Đâu rồi hoa lợi hữu cơ” và loạt 3 bài “Đưa đương quy về phía chân trời”. Kết quả cũng tại cuộc thi báo chí toàn quốc về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vào giữa tháng 5/2019, tôi được 2 lần lên bục vinh danh tại Nhà hát lớn Hà Nội nhận giải C và giải Khuyến khích đối với 2 loạt bài này.
Tôi xem đây là một trong những niềm khích lệ mới của nghề báo mấy chục năm của mình, bởi đã góp một diễn đàn thông tin nghề nông Đà Lạt và các vùng phụ cận có thêm những kinh nghiệm quý để tiếp tục nhân rộng, đột phá ứng dụng sản xuất công nghệ cao, công nghệ hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản cả nước và toàn cầu, mang lại cuộc sống thịnh vượng nhiều lần hơn nữa trong những năm tới...
VĂN VIỆT