Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn toàn tỉnh.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra nguồn gốc, nhãn mác thực phẩm tại kho hàng của Siêu thị Big C Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên |
Từ vụ ngộ độc thực phẩm được ngành Y tế tỉnh ghi nhận đầu tiên trong năm 2019 liên quan đến dịch vụ nấu ăn lưu động khiến cho sự quan tâm của không chỉ cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước mà còn là mối lo ngại của người dân về sự tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP đối với loại hình dịch vụ này. Cụ thể, ngày 12-13/5, Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã tiếp nhận điều trị cho 134 bệnh nhân có triệu chứng nôn, ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa tiệc cưới tại thị trấn Di Linh. Bữa tiệc do cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động Hoàng Vy cung cấp (địa chỉ 62 Bạch Đằng - xã Lộc Châu - TP Bảo Lộc). Qua kết quả kiểm tra, cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động trên chưa được quản lý; bên cạnh đó địa điểm tổ chức tiệc cưới và tại cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động không đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP.
Để chủ động quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm có hiệu quả, Sở Y tế yêu cầu các Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức điều tra, thống kê quản lý tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn; tập huấn hướng dẫn kiến thức thực hành và phổ biến pháp luật về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại cơ sở; tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP và xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống; vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn; bảo quản nguồn nguyên liệu thực phẩm và nguồn nước chế biến an toàn, thực phẩm ăn ngay sau khi chế biến; không sử dụng thức ăn tái, sống, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm để chế biến thức ăn; chỉ hợp đồng với các cơ sở nấu ăn lưu động đã được cơ quan quản lý nhà nước quản lý và thông báo.
Theo BS Bùi Văn Ðộ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh cho biết: Chi cục đã ban hành hướng dẫn việc đảm bảo ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động.
Theo đó, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động phải thực hiện đúng, đủ các nhóm điều kiện đảm bảo ATTP theo Chương IV Luật ATTP và các quy định khác, cụ thể: Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh ở khu vực nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng; có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, chổ rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ. Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín; dụng cụ nấu nướng, chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh; dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn. Thực phẩm phải được chế biến đảm bảo an toàn hợp lý; thực phẩm đã chế biến phải để trong thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại, được để trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất. Đồng thời thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch; không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hóa độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Địa điểm tổ chức ăn uống phải đảm bảo vệ sinh; thực hiện đúng, đủ “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm” và “5 chìa khóa để thực phẩm an toàn”.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm chấn chỉnh, nâng cao ý thức của người kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động đối với việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
AN NHIÊN