Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Đạ Tẻh: Nhìn lại và đi tiếp

08:06, 12/06/2019

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc...

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, thời gian tới, huyện Ðạ Tẻh cần chú trọng chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch để hội nhập quốc tế. 
 
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại thu nhập cao cho nông dân Đạ Tẻh. Ảnh: T.Chu
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại thu nhập cao cho nông dân Đạ Tẻh. Ảnh: T.Chu
 
Qua chặng đường 10 năm 
 
Ông Lê Mậu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho hay: Ở thời điểm năm 2010, huyện Đạ Tẻh chưa có xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã mới chỉ đạt 3,3 tiêu chí. Thế nhưng, tính đến hết tháng 5 năm 2019, huyện Đạ Tẻh đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, cho thấy những bước tiến rõ rệt trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại địa phương. 
 
Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện Đạ Tẻh là trên 3.087 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ cộng đồng dân cư hơn 112 tỷ đồng, chiếm 3,6%. Các nguồn vốn này đã hỗ trợ đắc lực để huyện Đạ Tẻh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đạt các tiêu chí NTM. Cụ thể, 10 năm qua, trong tổng số hơn 341 km đường giao thông toàn huyện, Đạ Tẻh đã đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa được hơn 277 km, tăng 34,6% so với năm 2010, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh còn đầu tư, đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi quan trọng ở một số địa phương khó khăn về nguồn nước tưới và nước sinh hoạt như hồ Thôn 10 (xã Đạ Kho), hồ Thôn 5 (xã Quốc Oai), hồ Con Ó (xã Mỹ Đức), hồ Hương Thanh - Hương Sơn (xã Hương Lâm) và cơ bản thi công xong giai đoạn 1 công trình hồ thủy điện Đạ Lây (cung cấp nước sản xuất và nước sinh hoạt cho xã Đạ Lây và xã Hương Lâm), cũng như kiên cố hóa tuyến kênh ĐN12 (xã Quảng Trị), tuyến kênh ĐN14 (xã Triệu Hải)... “Đạ Tẻh hiện có 8 hồ chứa nước phục vụ thủy lợi, với dung tích hữu ích 30,34 triệu m3, 1 trạm bơm và 1 đập dâng. Tổng chiều dài kênh trên địa bàn huyện Đạ Tẻh hơn 229 km. Trong đó, trên 115 km kênh kiên cố, đáp ứng nhiệm vụ tưới tiêu cho 9.834 ha cây trồng. Năm 2016, triển khai đề án đào ao hồ nhỏ, người dân huyện Đạ Tẻh đã đào được 111 ao hồ, với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng để chống hạn”, ông Lê Mậu Tuấn chia sẻ. 
 
Theo ông Lê Mậu Tuấn, ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống thủy lợi, các thiết chế văn hóa cơ sở và hệ thống trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư... cũng từng bước được huyện Đạ Tẻh hoàn thiện, đồng bộ. Năm 2010, huyện Đạ Tẻh mới có 1 xã có nhà văn hóa, nay 10/10 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất văn hóa và 80/81 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện, Đạ Tẻh có 23/38 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm trên 65%, và có 2 chợ nông thôn kiên cố, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Từ năm 2010 đến nay, huyện Đạ Tẻh đã xóa được 10.323 căn nhà dột nát, nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn lên 85%. 
 
Đạ Tẻh còn xác định ưu tiên chuyển đổi các giống cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như thay thế những diện tích điều già cỗi, đất lúa chưa chủ động nguồn nước, đất vườn tạp sang trồng cây dâu tằm, tre tầm vông, cao su, cây ăn quả và lúa chất lượng cao. Qua đó, giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích liên tục tăng, từ 33 triệu đồng/ha (năm 2010) tăng lên 85 triệu đồng/ha (năm 2018). Cũng từ việc chuyển đổi này, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá: Vùng trồng dâu nuôi tằm (1.500 ha), vùng cây ăn trái (1.200 ha), vùng cao su (3.500 ha), vùng lúa chất lượng cao (1.600 ha)... Song song đó, huyện Đạ Tẻh đã thành lập 15 hợp tác xã để tạo ra chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển ổn định, bền vững. 
 
Rất nhiều giải pháp đồng bộ nêu trên đã làm cho bộ mặt nông thôn Ðạ Tẻh ngày càng khởi sắc, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh, bình quân đạt 41,5 triệu đồng/người (năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Ðạ Tẻh là 10,7 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 21,4% (năm 2010) giảm xuống còn 3,49% (năm 2019).
 
Phấn đấu trở thành huyện NTM trong năm 2019
 
Theo ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, qua tự rà soát, đánh giá, đến nay, huyện Đạ Tẻh đã đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM, bao gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, an ninh trật tự và chỉ đạo xây dựng NTM. 2 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch và môi trường. Mục tiêu đặt ra của huyện Đạ Tẻh là trở thành huyện đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2019. 
 
Cũng theo ông Bùi Văn Hùng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Đạ Tẻh đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Trước mắt, huyện Đạ Tẻh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí mà huyện đã đạt chuẩn, đồng thời khẩn trương thực hiện đạt các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt. Sau nữa, huyện Đạ Tẻh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - tổ hợp tác - hộ dân, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân. Ngoài ra, huyện Đạ Tẻh cũng sẽ chú trọng mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, gắn với nhu cầu và yêu cầu của thị trường để phát triển ổn định, bền vững. 
 
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trao đổi thêm: Đạ Tẻh cần làm tốt việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhất là xây dựng nền nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong sản xuất, Đạ Tẻh cần liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm...                  
TRỊNH CHU