Xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không diệt muỗi, lăng quăng gây ra dịch

08:06, 14/06/2019

Dự báo nguy cơ mùa dịch sốt xuất huyết năm 2019 đến sớm và phát sinh các ổ dịch lây lan, kéo dài. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH...

Dự báo nguy cơ mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) năm 2019 đến sớm và phát sinh các ổ dịch lây lan, kéo dài. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH. Và nếu tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp để xảy ra dịch bệnh sẽ bị xử phạt.
 
Xe loa diễu hành tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH tại Cát Tiên. Ảnh: A.Nhiên
Xe loa diễu hành tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH tại Cát Tiên. Ảnh: A.Nhiên
 
Theo đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố và phường, xã chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh của địa phương; huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả tại địa bàn. Đặc biệt, áp dụng việc xử phạt đối với các tổ chức, các cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, để tồn tại các nguy cơ lây lan bệnh SXH theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
 
Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời; hiện chưa có thuốc đặc trị nên việc phòng ngừa bằng cách diệt lăng quăng để không phát sinh mầm bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất. 
 
Năm 2018, dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp và tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Lâm Đồng, do tổ chức tốt việc phòng, chống dịch bệnh SXH, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, tài lực cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh; chủ động triển khai sớm các hoạt động trọng tâm, ứng dụng công nghệ thông tin để xác định phạm vi ổ dịch và phối hợp với các sở, ngành, địa phương huy động cộng đồng tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng, chống dịch bệnh SXH có hiệu quả. 
 
Trong năm 2018, toàn tỉnh có 296 ca mắc SXH (không có ca tử vong), giảm 150 ca so cùng kỳ năm 2017, tập trung chủ yếu ở 6 huyện, thành phố. 
 
 Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2019 số ca SXH là 166 ca, tăng 63 ca so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo, với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa kèm nắng nóng cùng với đó là đặc điểm sinh địa cảnh của tỉnh Lâm Đồng rất thuận lợi cho muỗi sinh sản, nên nguy cơ mùa dịch SXH năm 2019 đến sớm và phát sinh các ổ dịch lây lan, kéo dài là không tránh khỏi. Chính vì những yếu tố đó, hàng năm, tại 10 huyện, thành phố có lưu hành SXH trên toàn tỉnh Lâm Đồng (không có Đà Lạt và Lạc Dương) tổ chức lễ phát động chiến dịch hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. 
 
Chiến dịch là đợt hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ, xử lý các vật chứa có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến, xử lý xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trong mỗi gia đình và tại từng điểm nguy cơ; đảm bảo hiệu quả của phun hóa chất diệt muỗi và duy trì tính bền vững của hoạt động phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng. Chiến dịch bao gồm các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ, nơi công cộng và kết thúc các tháng cao điểm của chiến dịch, các hoạt động vẫn được duy trì cho đến hết năm 2019.
 
Để thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH thành công, Thạc sĩ - BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng đưa ra các giải pháp cụ thể như sau: UBND các huyện, thành phố và phường, xã chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh của địa phương; huy động mọi nguồn lực của địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả tại địa phương mình. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xử phạt đối với các tổ chức, các cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, để tồn tại các nguy cơ lây lan bệnh SXH theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
 
Các cơ quan, công sở, tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng trong khuôn viên nơi mình quản lý. Mỗi tuần dành 10 -15 phút để tìm và diệt các ổ lăng quăng nơi mình làm việc. Đó chính là một trong những biện pháp hiệu quả hàng đầu để phòng, chống bệnh SXH cho gia đình và xã hội.
 
Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong vùng SXH lưu hành (10 địa phương trong tỉnh) phải tự chịu trách nhiệm về nơi mình sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà. Mỗi tuần dành 10 -15 phút để tìm và diệt các ổ lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà để ngăn chặn sự lây lan của vi rút gây bệnh SXH.
 
UBND huyện, thành phố và các đoàn thể, các tổ chức chính trị -xã hội có chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống muỗi đốt, diệt lăng quăng phòng bệnh SXH vào nội dung sinh hoạt, truyền thông định kỳ; đồng thời có biện pháp giám sát việc chấp hành của đoàn viên, hội viên trong tổ chức.
 
Tại 100% xã, phường, thị trấn nằm trong vùng SXH lưu hành phát động chiến dịch truyền thông rộng rãi đến các tổ chức và người dân, tạo sức cộng hưởng lan rộng trong toàn xã hội, tiến tới thực hiện các giải pháp, hành động cụ thể để phòng, chống bệnh SXH. Hành động cụ thể đó là: “Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống bệnh SXH”.
 
AN NHIÊN