Hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới

07:07, 19/07/2019

Là huyện có xuất phát điểm thấp, với trên 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến nay, Lạc Dương đã có 3/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện NTM.

Là huyện có xuất phát điểm thấp, với trên 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đến nay, Lạc Dương đã có 3/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện NTM. Kết quả đó có được từ việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của địa phương, sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân.
 
Lạc Dương chủ yếu sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường giao thông... (Ảnh: Hệ thống đường giao thông ở xã Lát - xã vừa đạt chuẩn NTM năm 2018 đã được hoàn thiện đến tận thôn). Ảnh: T.H
Lạc Dương chủ yếu sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường giao thông... (Ảnh: Hệ thống đường giao thông ở xã Lát - xã vừa đạt chuẩn NTM năm 2018 đã được hoàn thiện đến tận thôn). Ảnh: T.H
 
Vận dụng linh hoạt
 
Cùng với cả nước, năm 2011, huyện Lạc Dương “bắt tay” vào công cuộc xây dựng NTM. Đến năm 2016, Đạ Nhim - xã đầu tiên của huyện “cán đích” NTM. Để rồi cứ mỗi năm sau đó lại thêm một xã đạt chuẩn này. Không ồ ạt, “làm đến đâu chắc đến đó” là mục tiêu của huyện Lạc Dương trong tiến trình đưa dần các xã “chạm tay” vào “cái tên” NTM. 
 
Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Xuân Hải - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện Lạc Dương cho hay: Bởi các xã trên địa bàn đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên có nhiều “rào cản” trong quá trình xây dựng NTM. Do vậy, huyện xác định không dàn trải mà mỗi năm phấn đấu có một xã đạt chuẩn NTM. Theo đó, việc đầu tư vốn thay vì tập trung cho những xã đạt ít tiêu chí thì sẽ ưu tiên “dồn lực” cho xã đạt gần đủ các tiêu chí nhằm tạo “cú hích” mạnh để địa phương sớm về đích.
 
Bên cạnh đó, Lạc Dương chú trọng vào vấn đề sản xuất của người dân, nhất là sản xuất nông nghiệp để góp phần vào quá trình xây dựng NTM. Đặc biệt đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tập trung liên kết sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Từ việc này, huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Không chỉ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm và hướng dẫn quy trình sản xuất cho người dân, các doanh nghiệp cũng chung tay xây dựng NTM cùng địa phương. 
 
Giai đoạn 2011 - 2019, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM của Lạc Dương thực hiện hơn 111 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình NTM gần 73 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, Lạc Dương huy động nhiều nguồn lực xây dựng NTM như nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác hơn 24 tỷ đồng, vốn tín dụng 8 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn doanh nghiệp và dân đóng góp gần 6 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện không có tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.
 
Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm chủ thể
 
Hình ảnh cán bộ huyện, xã tay cuốc tay xẻng với từng xô vữa cùng bà con làm đường giao thông liên thôn không còn xa lạ gì ở xã đạt chuẩn NTM. Từ năm 2016 đến nay, mỗi xã gần về đích NTM đều chọn một đoạn đường điểm để chính quyền và người dân cùng chung tay, hợp lực thực hiện.
 
Tại các xã, cán bộ, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác vận động quần chúng cùng tham gia đóng góp cho chương trình xây dựng NTM. Từ vai trò tiên phong của đảng viên đã góp phần tích cực trong các phong trào thi đua, làm gương để Nhân dân tích cực tham gia bàn bạc, thực hiện theo những nội dung, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, là địa phương có đông đồng bào DTTS, Lạc Dương cũng tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, chức sắc, người có uy tín để vận động người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. 
 
Không những vậy, nguồn vốn xây dựng NTM chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các thiết chế văn hóa... nên người dân được thụ hưởng trực tiếp. Vốn đầu tư được công khai tại nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, tổ dân phố... đã tạo sự tin tưởng trong Nhân dân. Chương trình xây dựng NTM được thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” chính là động lực để người dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Từ đó, người dân tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường và các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn khác... Ý thức của người dân trong xây dựng và chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm được nâng lên. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư sản xuất cũng như thông qua vốn tín dụng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã... Qua đó, phong trào xây dựng NTM được phát triển rộng khắp trên toàn huyện.
 
TUẤN HƯƠNG