Có còn áp lực sinh con trai

06:07, 10/07/2019

Là những người làm công tác dân số - KHHGĐ, chúng tôi thường có những chuyến công tác tiếp cận cộng đồng để hiểu về đời sống người dân dưới góc độ dân số...

Là những người làm công tác dân số - KHHGĐ, chúng tôi thường có những chuyến công tác tiếp cận cộng đồng để hiểu về đời sống người dân dưới góc độ dân số. Vào những ngày cuối tháng 6, trong chuyến công tác cùng với cán bộ chuyên trách dân số xã Đạ Đờn - Lâm Hà, chúng tôi ghi nhận về bức tranh cuộc sống thực tế của hai gia đình về quan niệm đông con - ít con, con trai - con gái trong xã hội hiện đại.
 
Cán bộ dân số - KHHGĐ thăm một gia đình hạnh phúc với con một bề là gái (gia đình anh Văn Tám và chị Hương Lan ở xã Đạ Đờn - Lâm Hà)
Cán bộ dân số - KHHGĐ thăm một gia đình hạnh phúc với con một bề là gái (gia đình anh Văn Tám và chị Hương Lan ở xã Đạ Đờn - Lâm Hà)
 
Đến thăm bà con thôn Đam Pao, hình ảnh đầu tiên của gia đình vợ chồng chị Ka Sài (sinh năm 1982) với 4 đứa con làm tôi ám ảnh. Đó là ngôi nhà mà vợ chồng chị Ka Sài và 4 đứa con sinh sống, gọi là nhà nhưng chỉ có mấy tấm ván che lại, trời nắng thì mặt trời rọi vào, trời mưa thì nước hắt vào, mái tôn thì nhìn thấu trời. Chị Ka Sài cho biết: “Nhà có ít cà phê, hai vợ chồng mình chủ yếu đi làm thuê, ai thuê gì cũng làm, giờ này chồng mình đang đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo cho con”. Khi tôi hỏi chị muốn sinh thêm con nữa không thì chị hồn nhiên trả lời rằng cũng không biết nữa. Nhà có 4 đứa con (2 trai, 2 gái) cả 4 đứa đều đang tuổi ăn, tuổi học; thế nhưng với cháu đầu sinh năm 2003, anh chị đã dự tính sang năm cho cháu nghỉ học để phụ giúp cho bố mẹ.
 
Chị Trương Thị Túy - Cán bộ chuyên trách dân số xã Đạ Đờn cho biết: “Gia đình chị Ka Sài nghèo vì đông con, sinh dày, vườn thì ít, nhà không có đất để trồng hoa màu và chăn nuôi. Chúng tôi vận động mãi 2 vợ chồng mới chịu áp dụng biện pháp KHHGĐ”.
 
Chúng tôi đến thôn Tân Lâm, xã Đạ Đờn gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám và chị Vũ Thị Hương Lan, cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Anh chị lấy nhau được gần 20 năm và đã có hai cô con gái học giỏi, ngoan ngoãn, là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người, cháu đầu sinh năm 2004 vừa đoạt giải nhì môn Vật lý toàn tỉnh, cháu thứ hai sinh năm 2007, trong lúc chúng tôi ghé nhà thì cháu đang cùng đội tuyển cầu lông của tỉnh Lâm Đồng tham dự vòng chung kết tại Đà Nẵng. Đã ngoài 80 tuổi nhưng trước đây mẹ anh Tám vẫn canh cánh rằng: “Tôi không thể nhắm mắt khi chưa có cháu đích tôn” nhưng giờ đây nhìn hai cô cháu gái ngoan ngoãn, học giỏi bà đã xóa bỏ tư tưởng phải có cháu trai nối dõi tông đường và bà còn động viên anh Tám, chị Lan phải chăm sóc hai cháu, trai gái gì cũng được. 
 
Chị Lan tâm sự: “Trước đây, khi mới sinh cháu gái thứ hai, vợ chồng tôi nhiều lúc cũng hay bị người ta chọc, đặc biệt vào những lúc hội hè, giỗ chạp...; họ hàng gặp nhau cứ bảo chồng em là ông ngoại và ngồi mâm dưới”. Điều an ủi chị là: “Chồng em luôn xem con trai cũng như con gái, cùng một quan niệm là làm sao nuôi cho con ăn học đến nơi đến chốn, đừng để con bỏ học giữa chừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”. 
 
Chị Ka Điệp, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Dân số xã chia sẻ: “Xã Đạ Đờn có tỷ lệ người đồng bào DTTS và đạo công giáo sinh sống đông, nhận thức của người dân về việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ còn hạn chế, nhiều hộ gia đình cứ nói mình đẻ, mình nuôi. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các ban, ngành từ xã xuống thôn tuyên truyền, vận động dân số - KHHGĐ lồng ghép nội dung, tranh thủ phối hợp với các vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền cho bà con nhưng rất khó”.
 
Ông Bạch Văn Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà cho biết: Trong những năm qua, công tác khám và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em gái trên địa bàn huyện luôn được chú trọng triển khai đến các xã. Song song đó là việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được phối hợp, lồng ghép với các đơn vị để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - KHHGĐ. Hiện nay, Lâm Hà cũng như các địa phương khác gặp khó khăn trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu được bình đẳng giới, quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ. Trong những buổi gặp gỡ, nói chuyện với người dân, một số người cao tuổi vẫn giữ quan niệm phải có con trai. Từ đó, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khiến chỉ số cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn giảm chậm”.
 
CÔNG NAM