Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 1)

06:07, 12/07/2019

Ðã tròn một thập kỷ vùng đất Nam Tây Nguyên đi cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

[links()]
Ðã tròn một thập kỷ vùng đất Nam Tây Nguyên đi cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua hành trình nỗ lực triển khai bằng sự hội tụ sức mạnh nội lực và cả những nguồn lực tiếp sức cần thiết; nhiều vùng nông thôn đã vươn mình, người nông thôn là những chủ thể kiến thiết quê hương thêm khang trang, trù phú. Từ chủ trương đến thực tiễn sinh động về NTM, Báo Lâm Ðồng thực hiện loạt bài để cùng nhìn lại những thành quả đạt được, những hạn chế trên thực tế của các địa phương để củng cố niềm tin, tiếp bước trong công cuộc kiến tạo diện mạo nông thôn Lâm Ðồng.
 
Hạnh phúc mới trên vùng đất Cát Tiên
 
Qua 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Cát Tiên đã đạt được 7/9 tiêu chí theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ, có 8/10 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, trên 800 km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa; 22 hợp tác xã (HTX) được thành lập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012... Ðó là kết quả từ sự chung sức, đồng lòng của cả Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cát Tiên...
 
Đồng lúa Cát Tiên mùa thu hoạch. Ảnh: L.H
Đồng lúa Cát Tiên mùa thu hoạch. Ảnh: L.H
 
Hòa mình với công cuộc xây dựng NTM
 
Ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng chương trình NTM, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành Nghị quyết 03 về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện Cát Tiên đến năm 2020. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1374 về việc phê duyệt đề án xây dựng NTM của huyện Cát Tiên và cụ thể hóa ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đến nay, huyện chỉ còn 2 xã chưa đạt chuẩn NTM là xã Mỹ Lâm và xã Đồng Nai Thượng. Đây là các xã nghèo theo Nghị quyết 30a, cơ sở hạ tầng khó khăn, gặp nhiều thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh trên cây điều hoành hành nhiều năm nay; và hiện đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến việc sản xuất và thu nhập của bà con...
 
Ở cấp huyện, Cát Tiên còn 2 tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM về giao thông và y tế, giáo dục, văn hóa. Huyện xác định: Đối với các xã đã đạt chuẩn, huyện sẽ tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và theo lộ trình tiến tới NTM kiểu mẫu theo những tiêu chí và xây dựng phong trào ở cơ sở. Đối với 2 xã chưa đạt chuẩn, huyện tập trung ở các khâu sản xuất, đổi mới cây trồng, tăng năng suất, tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ kinh tế - xã hội... Tiếp tục thực hiện lộ trình tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức cấp xã, từng bước thực hiện nhiệm vụ theo tình hình mới. 
 
Huyện cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện những công trình trọng điểm, trong đó có các tuyến đường giao thông, các công trình đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Đối với tiêu chí văn hóa, giáo dục, y tế, theo lộ trình, năm nay Cát Tiên phấn đấu đầu tư để Trường THPT Gia Viễn đạt chuẩn và hoàn thành Trung tâm văn hóa thể thao của huyện để đến cuối năm nay đạt 9/9 tiêu chí.
 
Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những đổi thay tích cực. Đặc biệt là Thôn 3, Thôn 4 (xã Phước Cát 2), đường giao thông nông thôn đã cứng hóa đến trung tâm thôn. Tháng 2/2018, hệ thống điện lưới được kéo đến tận 2 thôn này, trở thành 2 trong những thôn cuối cùng trong toàn tỉnh Lâm Đồng có điện... Huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để sớm hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM, người dân cũng tích cực tham gia, như chỉnh trang nhà cửa, làm đẹp hàng rào cổng ngõ. Xã Đồng Nai Thượng cũng phấn đấu cuối năm nay hoàn thành 19/19 tiêu chí.
 
Đan gia công giỏ bèo tây xuất khẩu của HTX tiểu thủ công nghiệp An Bình (Cát Tiên). Ảnh: Lê Hoa
Đan gia công giỏ bèo tây xuất khẩu của HTX tiểu thủ công nghiệp An Bình (Cát Tiên). Ảnh: Lê Hoa
 
Ðổi mới tư duy của người xây dựng NTM
 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên
Điều quan trọng nhất trong phong trào xây dựng NTM ở Cát Tiên là được đa số người dân ủng hộ và tinh thần của người dân thể hiện qua việc tham gia các phong trào. Như trong phong trào điện sáng đường thôn, người dân tự bắt bóng điện và câu điện từ nhà mình để đảm bảo an ninh trật tự; thành lập trên 200 tổ tự quản ở các xã về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phong trào tổ chức sản xuất có 22 HTX được thành lập và một số HTX đã hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, như diệp hạ châu, lúa giống, lúa chất lượng cao; người dân tích cực tham gia tạo sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn được Sở Giao thông Vận tải và UBND tỉnh khen thưởng về thành tích đóng góp nguồn lực, ngày công, hiến đất...; đến nay, trên địa bàn huyện có trên 80% đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa...

Trở lại Cát Tiên vào đúng thời điểm thu hoạch lúa hè thu, chúng tôi mê mải lang thang trên những cánh đồng thơm ngào ngạt, ngắm nghía những hạt lúa mẩy tròn, đùa nghịch với những cọng rơm còn tươi mới, bước đi trên những gốc rạ chưa kịp cháy hết sau buổi đốt đồng... Cánh đồng lúa vàng rực đang được thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới hóa diễn ra trong tiếng máy cắt lúa ầm ạch chạy qua chạy lại, những ông bà chủ ruộng tất tả ngang dọc theo đường rơm, từng bao lúa được chất đầy rồi thả xuống chân ruộng chờ máy cày thu gom chạy phăm phăm. Thời gian ở Cát Tiên, chúng tôi còn được gặp gỡ những con người và chứng kiến sự đổi thay trong tư duy của họ. Đó là những hộ gia đình, những doanh nghiệp đang triển khai các công trình mới để đón đầu hoạt động của hồ chứa nước Đạ Sị; nhiều cơ sở kinh doanh đã xuất hiện trên con đường độc đạo dẫn đến Thôn 3, Thôn 4 của xã Phước Cát 2; nhiều tấm gương sẵn sàng góp tiền, hiến đất để cùng chính quyền hoàn thiện các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm; những người tận tình chăm cây, tưới hoa làm đẹp đường thôn, ngõ xóm… 

 

Cụ thể hơn là cô gái trẻ - Chủ doanh nghiệp Song Nga với sản phẩm đan giỏ đựng nông sản xuất khẩu từ cây mum - loài cây lâu nay vẫn mọc hoang trong rừng và phải chặt bỏ lấy đất, tạo ra nguồn thu nhập thêm cho rất nhiều hộ gia đình khai thác mum, nhận đan giỏ gia công; là Bí thư Chi bộ Thôn 3 ở xã Đức Phổ quyết tâm vượt khó vươn lên để dân thấy mình làm được và làm theo; là ông bà chủ Công ty TNHH Phan Trần Phúc Đạt với quan niệm làm sao cho mọi người giàu có lên, nhân dân giàu có hơn để không còn trộm cắp, không có tệ nạn xã hội... Họ còn là những cán bộ cấp huyện, cấp xã hiểu biết và năng nổ, làm hết việc chứ không làm hết giờ; nhiệt tình và trách nhiệm, chứ không thờ ơ và lạnh lùng...

 
Chia tay Cát Tiên, chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh những giọt mồ hôi giữa trưa hè nắng cháy trên khuôn mặt người nông dân, trên các cánh đồng lúa thơm ngào ngạt đang rộn ràng thu hoạch. Chúng tôi nhớ biết bao ánh mắt tươi vui và háo hức của những cán bộ, viên chức, người dân tham gia Hội thi Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn huyện Cát Tiên. Chúng tôi nhớ nụ cười rạng rỡ, tươi vui của cô vợ Điểu K’Minh ở buôn Go và bao nụ cười lạc quan khác dù vẫn đang ngày ngày vất vả mưu sinh... 
 
Hạnh phúc trên vùng đất đang xây dựng NTM là đây chứ đâu!
 
LÊ HOA