Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 6)

06:07, 22/07/2019

Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Lâm Đồng đã có những thay đổi đáng kể. Kết quả đạt được đã phản ánh sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

[links()]
Sự đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp 
 
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Lâm Đồng đã có những thay đổi đáng kể. Kết quả đạt được đã phản ánh sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 
 
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp dịp đầu năm mới. Ảnh: N.Thu
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp dịp đầu năm mới. Ảnh: N.Thu
 
Chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều phương diện, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Lâm Đồng đã đổi thay tích cực. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn, vùng DTTS đã được nâng lên rõ rệt sau khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã được người dân và các doanh nghiệp tại khắp các địa phương trong tỉnh hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp, doanh nghiệp phát huy tinh thần chia sẻ với cộng đồng, vì người nghèo, đóng góp xây dựng các công trình an sinh xã hội, xây dựng trường mẫu giáo vùng khó khăn cùng những công trình công cộng phục vụ cộng đồng…
 
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như TH Group, VinGroup đã tiến hành đầu tư tại vùng nông thôn Lâm Đồng. Qua đó, giúp tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Thực hiện liên kết với nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã của nông dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân; rất nhiều doanh nghiệp lớn, các doanh nhân người Nhật, Pháp, Hà Lan đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp - du lịch canh nông tại Lâm Đồng có hiệu quả…; qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm cung ứng dịch vụ đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản xuất. Không ít doanh nghiệp đã đóng vai trò trung tâm trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xác định thị trường… Chính điều này cũng giúp tác động đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông, lâm sang công nghiệp, dịch vụ.
 
Ngoài mục tiêu duy trì ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng còn tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần chung vào quá trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Tiến - Đà Lạt tham gia hỗ trợ kinh phí phục vụ làm đường dân sinh, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội thời gian qua với kinh phí 1 tỷ đồng. Hợp tác xã Anh Đào tài trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương cho hộ nghèo ở huyện Lạc Dương, hỗ trợ làm đường giao thông với kinh phí gần 300 triệu đồng. Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi - Đà Lạt tích cực tham gia từ thiện nhân đạo với kinh phí gần 200 triệu đồng. Công ty TNHH Quảng Thái thường xuyên hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội vì người nghèo với kinh phí gần 500 triệu đồng…

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tư - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng cho biết: Chính sự vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân bằng sự trách nhiệm, tâm huyết, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần đáng kể trong việc cùng “chung tay” xây dựng NTM tại Lâm Đồng. Đó chính là việc doanh nghiệp góp phần làm tăng giá trị lao động, giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, tham gia vào công tác an sinh xã hội, chung tay giúp đỡ người nghèo. 
 
Theo báo cáo đánh giá của Trung ương về xây dựng NTM cho thấy, nơi nào thu hút được doanh nghiệp về đầu tư thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Điển hình như tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương, xây dựng vùng sản xuất rau, quả nguyên liệu, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại huyện Đơn Dương đã có bước chuyển mình ngoạn mục từ khi được chọn xây dựng huyện NTM và nay đang tiến tới xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với trọng tâm về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh.
 
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương triển khai thực hiện từ năm 2008 đến nay. Lâm Đồng hiện đang chú trọng vào công tác nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đối với các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục nâng cao mức độ đạt chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đối với huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM năm 2015, đến nay đã có 100% số xã đạt tiêu chí NTM và đang xây dựng đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.  2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thiện hồ sơ và có tờ trình đề nghị thẩm tra xét công nhận.  Riêng huyện Đức Trọng, đến nay đã có 14/14 xã trên địa bàn đạt chuẩn và hướng đến công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
 
Chương trình xây dựng NTM tại Lâm Đồng tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
 
NGUYỆT THU