Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 7)

06:07, 23/07/2019

Dưới bóng núi R'Chai - mà người đồng bào K'Ho nơi đây gọi là "bầu sữa mẹ" - cuộc sống của người dân vẫn êm đềm, yên ả như bao đời nay vẫn thế. Chỉ khác rằng những nương dâu, né tằm đã thay thế những ruộng bắp, ruộng lúa xác xơ...

[links()]
Ðổi thay dưới bóng núi R’Chai
 
Dưới bóng núi R’Chai - mà người đồng bào K’Ho nơi đây gọi là “bầu sữa mẹ” - cuộc sống của người dân vẫn êm đềm, yên ả như bao đời nay vẫn thế. Chỉ khác rằng những nương dâu, né tằm đã thay thế những ruộng bắp, ruộng lúa xác xơ. Và trong câu chuyện của những người con dù là sinh ra, lớn lên tại nơi này hay là những người “nương nhờ” một phần cuộc đời tha hương để làm kinh tế, những ngày nghèo đói đã lùi thật xa. Thay vào đó là câu chuyện về những đổi thay và phát triển.
 
Tròn 10 năm kể từ khi xã Tân Hội (Đức Trọng) cùng 10 xã điểm khác trên toàn quốc bắt tay vào xây dựng thí điểm nông thôn mới (NTM), và tròn 5 năm kể từ khi trở thành xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của Lâm Đồng là một khoảng thời gian ngắn đối với đời người, nhưng là cả chặng đường dài mà cả chính quyền và người dân nơi đây cùng cố gắng để dựng xây, vun đắp và ngày càng hoàn thiện.
 
Sản xuất nông nghiệp ở Tân Hội ngày càng hiệu quả
Sản xuất nông nghiệp ở Tân Hội ngày càng hiệu quả
 
Bàn tay dựng xây diện mạo mới
 
Tân Hội hôm nay, màu xanh tốt tươi phủ quanh những thôn xóm nhỏ, quanh những mái nhà khang trang, với dâu, với rau, khoai môn, đậu lạc... Không khó để nhận ra rằng, người dân nơi đây vẫn sống chủ yếu dựa vào nghề nông, nhưng nền nông nghiệp ấy rất khác trước đây, bởi mọi thứ đã được ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, còn nông sản làm ra đều được ký kết bao tiêu sản phẩm. 
 
Trong vườn dưa leo baby rộng gần 2 sào trồng trong nhà kính đang ra hoa chi chít, anh Nguyễn Thanh Trường (46 tuổi, thôn Tân Phú) không giấu vẻ phấn khởi chia sẻ rằng: Nông dân nay chỉ việc chú tâm vào chăm sóc cây trồng để nông sản làm ra đạt theo yêu cầu, không còn lo lắng về giá cả bấp bênh hay được mùa mất giá. Ba năm kể từ khi tham gia hợp tác xã (HTX) và canh tác theo hướng VietGAP, cuộc sống gia đình anh ổn định và khấm khá hơn trước rất nhiều.
 
Sự khấm khá đó, có thể dễ dàng thấy ngay ở ngôi nhà mà anh vừa xây dựng nên, và cả những mái nhà khang trang quanh đó.
 
Ông Nguyễn Quang Dũng - Trưởng thôn Thôn kiểu mẫu Tân Đà nhiệt tình dẫn chúng thôi đi thăm những hộ trồng dâu nuôi tằm. Dâu được trồng giống mới có năng suất cao, tằm được nuôi theo kỹ thuật cao nên không còn tốn nhiều công sức mà chất lượng còn cao hơn trước. Vậy là người dân nơi đây có thu nhập ổn định, có nhiều nhà còn giàu lên qua từng vụ mùa. Bà con trong thôn không chỉ đã được ăn no mặc ấm, mà giờ là ăn ngon mặc đẹp rồi. 
 
Kinh tế ổn định hơn, cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn, nên việc vận động người dân hiến đất làm đường, góp ngày công để tham gia xây dựng NTM đã không còn khó khăn như cách đây 10 năm. Người dân quan tâm hơn đến môi trường và chất lượng sống của chính mình. Những con đường bê tông sạch đẹp với hoa nở rực rỡ hai bên đường là minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất cho điều đó.
 
Các loại nông sản đã được nông dân liên kết với các HTX để đảm bảo đầu ra
Các loại nông sản đã được nông dân liên kết với các HTX để đảm bảo đầu ra
Tâm thế của người đi đầu
 
Trước khi được chọn xây dựng điểm mô hình NTM, xã Tân Hội là xã có điểm xuất phát ở mức trung bình của huyện Đức Trọng, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân 16,8 triệu đồng vào năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 5,8%.
 
Có được một Tân Hội phát triển như hôm nay, là cả một quá trình dựng xây kiên trì và bền bỉ. Bởi được giao trọng trách “làm điểm” - bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất của Tân Hội gặp phải lúc mới triển khai đó là thiếu kinh nghiệm” - ông Hoàng Mạnh Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội đã chia sẻ. Đã thế còn chịu áp lực từ “trên xuống - dưới lên”, do vậy Tân Hội không còn cách nào khác ngoài việc vừa làm vừa học, tìm tòi cách làm mới sao cho phù hợp với tình hình địa phương.
 
Nếu như những ngày đầu, người dân vẫn còn lạ lẫm với khái niệm NTM thì quá trình thực hiện quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” đã thay đổi nhận thức của người dân để rồi đồng lòng chung tay xây dựng các tiêu chí bằng cả trí tuệ, công sức.
 
NTM là điểm tựa, là động lực để Tân Hội vươn lên một cuộc sống tốt hơn. Người dân là chủ thể của quá trình đó và ý thức được vai trò cũng như lợi ích mà mình được hưởng. Bằng chứng là chính đôi bàn tay họ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có ý thức vươn lên phát triển kinh tế. Những con đường, cơ sở hạ tầng trong xã cũng là nhờ vào sự đóng góp sức người, sức của của người dân. Một không gian sống phát triển và đổi mới đã được chính bàn tay họ tạo dựng.
 
“Vất vả là có, kiên trì là có, nhưng mưa dầm thấm lâu, nói mãi rồi bà con cũng biết được những lợi ích mà mình sẽ được hưởng, vậy là tự nguyện tham gia” - ông Dũng cho hay.
 
Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 5/2019, xã Tân Hội huy động nguồn lực phát triển NTM 728,5 tỷ đồng (bằng 71% so với giai đoạn 2010-2015); trong đó vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng chỉnh trang nhà cửa chiếm phần lớn.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng bình quân 7-10%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 21,8 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2018 đạt 52 triệu đồng/người/năm, ước cuối năm 2019 đạt trên 55 triệu đồng/người/năm.
 
Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2010 là 96 triệu đồng/ha, đến cuối năm 2018 đạt 225 triệu đồng/ha, dự kiến cuối năm 2019 đạt trên 240 triệu đồng/ha. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, toàn xã đã cứng hóa đường giao thông 46,5/59,5 km, đạt 78,15%; xã đạt chuẩn về y tế, đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 0,2%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; hệ thống chính trị luôn được củng cố từ xã đến thôn.

 

Diện mạo nông thôn mới trên những cung đường ở xã Tân Hội
Diện mạo nông thôn mới trên những cung đường ở xã Tân Hội


Những “mầm xanh” vùng quê nông thôn mới

Dẫn chúng tôi tham quan những con đường đầy hoa, nhà cửa khang trang ở thôn NTM kiểu mẫu Tân Đà, anh Trần Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội khoe rằng: “Bây giờ, thanh niên trong xã không còn phải đi làm xa nhà nữa. Ngày công được trả cao, việc làm cũng không thiếu nên phần lớn thanh niên đi xa đều đã trở về làm ăn trên chính mảnh đất quê hương mình. Thế nên, ở đâu có tình trạng cả thôn chỉ có người già và trẻ con, chứ Tân Hội thì không có”.
 
Khách đến thăm Tân Hội, đa phần đều được giới thiệu đến tham quan vườn phúc bồn tử của cô Nguyễn Thị Hải (Xóm 1, thôn Tân Phú), bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại với thu nhập đều đặn trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, với một sản phẩm mới, tìm kiếm đầu ra ổn định bao giờ cũng là một điều không hề dễ dàng.
 
Thời gian đầu, cô Hải cũng không tránh khỏi việc thừa sản phẩm, phải trữ ở tủ đông. Nhưng 3 người con của cô đang học tập và làm việc ở Sài Gòn - bằng những cập nhật bán hàng online của mình trên mạng xã hội - nay đã trở thành một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm giúp mẹ với đầu ra ổn định. Đó là cách mà những người trẻ đã gián tiếp xây dựng quê hương mình.
 
Bà Ka Đốt (Xóm 4, thôn Tân Đà) vẫn chưa quên được tuổi thơ đói ăn và thèm con chữ đến nao lòng. Những ngày mà cái ăn còn chưa đủ, trái bắp, hạt đậu làm ra phải gùi cả buổi mang ra tận Đức Trọng để bán, con đường lầy lội từ nhà ra trường học, trạm xá vỏn vẹn vài cây số nhưng đi gần tiếng đồng hồ mới tới nơi,... đã “giam” lại rất nhiều những ước mơ của nhiều người.
 
“Bây giờ, đường sá thuận tiện, trường học đều gần, mình làm ra đồng tiền thì cớ gì không cho con cái học đến nơi đến chốn. May mắn là cả 6 đứa con trong nhà đều ham học, tất cả đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và hy vọng tương lai của chúng rồi sẽ khác mình” - bà Ka Đốt bộc bạch.
 
Sức trẻ ở nơi này cũng giống như màu xanh bạt ngàn của những nương dâu, vườn rau trái đang từng ngày tốt tươi hơn trên mảnh đất vốn dĩ xưa kia nghèo nàn. Và sự đóng góp của những người trẻ đó đang hiện diện bằng rất nhiều cách khác nhau, để cùng tạo nên một cuộc sống mới, ở nơi có gia đình, có ông bà, cha mẹ họ.
 
VIỆT QUỲNH - LAM ANH